Mèo Vạc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Lô Lô

09:23, 15/02/2023

BHG - Dân tộc Lô Lô ở huyện Mèo Vạc có khoảng 200 hộ với gần 1.000 khẩu, chủ yếu sinh sống tại xã Xín Cái và thị trấn Mèo Vạc. Tuy chiếm tỉ lệ khiêm tốn nhưng người Lô Lô nơi đây lại có bề dày lịch sử và tín ngưỡng, văn hóa dân gian độc đáo. Để phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp này, công tác bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Lô Lô được huyện đặc biệt quan tâm.

Phụ nữ Lô Lô với những bộ trang phục truyền thống độc đáo.
Phụ nữ Lô Lô với những bộ trang phục truyền thống độc đáo.

Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đến các bản người Lô Lô ở Mèo Vạc chắc hẳn là trang phục của người phụ nữ. Bởi những bộ trang phục này thường rất cầu kỳ từ quần, áo, khăn, mũ và được trang trí các loại hoa văn tinh xảo như hình tam giác, hình vuông, mặt trời, chim Ngó Bá... Kỹ thuật trang trí bằng cách khâu vá các mảnh vải màu lên trang phục. Mỗi chi tiết, hoa văn đều thể hiện nét đẹp tín ngưỡng, văn hóa truyền thống riêng. Đơn cử hoa văn hình tam giác nằm trong một đường diềm hình vuông tượng trưng cho bốn phương; hay nhiều hình tam giác ghép lại tạo thành hình cá bơi thể hiện cho hôn nhân; hình chim Ngó Bá thể hiện tín ngưỡng thờ thần của người Lô Lô…

Ngoài nét độc đáo về trang phục, người Lô Lô ở Mèo Vạc còn lưu giữ và duy trì nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội đặc sắc như: Lễ hội cầu mưa, lễ mừng ngô mới, nhà mới, lễ cưới, các điệu múa trống, múa dân gian và các trò chơi truyền thống. Nổi bật trong đó là lễ cầu mưa, với những nghi thức đặc sắc, độc đáo được lưu truyền từ đời này đến đời khác; đây không chỉ là sự kiện mang tính tín ngưỡng mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, bàn chuyện làm ăn, cầu may, bày tỏ lòng thành kính với đất trời, trai gái giao duyên... Bên cạnh đó, những điệu múa của các cô gái người Lô Lô có thể khiến bất cứ du khách nào cũng phải say lòng. Điệu múa của họ có sự kết hợp giữa hình thể và biểu cảm, hòa quyện giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, tạo nên các vũ điệu đầy sức sống.

Du khách tham quan các sản phẩm của Hợp tác xã Thêu thổ cẩm dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc.
Du khách tham quan các sản phẩm của Hợp tác xã Thêu thổ cẩm dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc.

Nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Lô Lô, nhiều giải pháp đã được huyện Mèo Vạc triển khai, thực hiện. Tiêu biểu trong đó là việc thành lập và ra mắt Hợp tác xã (HTX) Thêu thổ cẩm dân tộc Lô Lô tại thị trấn Mèo Vạc vào năm 2013 với 16 thành viên. Đến nay, sau hơn 9 năm hoạt động, HTX có thêm 8 thành viên tham gia, nâng tổng số thành viên của HTX lên 24 thành viên. Mục tiêu của HTX nhằm khôi phục nghề thêu trang phục truyền thống của dân tộc Lô Lô; chia sẻ kinh nghiệm thêu giữa các thành viên và truyền dạy nghề thêu cho thế hệ trẻ. Đến nay, HTX cung cấp nhiều sản phẩm thổ cẩm ra thị trường, đem lại nguồn thu cho HTX mỗi năm trên 100 triệu đồng. Đây cũng là nguồn động viên lớn giúp các thành viên tiếp tục giữ nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm và góp sức xây dựng HTX phát triển.

Bên cạnh việc giữ gìn nghề thêu truyền thống, hàng năm, huyện Mèo Vạc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô. Các hoạt động nổi bật trong khuôn khổ ngày hội như: Trình diễn lễ rửa làng, lễ cầu mưa, múa trống, kéo nhị, nhảy sạp, múa nhảy lửa, thi đấu các trò chơi dân gian… Đây là những hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Lô Lô. Bên cạnh mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, việc tổ chức ngày hội còn tạo sân chơi lành mạnh, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua lao động sản xuất. Mặt khác, hoạt động còn làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của huyện, tạo không gian cho du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm những nét đẹp văn hóa của dân tộc Lô Lô trên địa bàn.

Chị Trần Khánh Thư, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: Tôi ấn tượng với trang phục của người phụ nữ dân tộc Lô Lô ở Mèo Vạc. Các họa tiết trên trang phục của họ sặc sỡ sắc màu, được thêu công phu, tỉ mỉ, mang tính thẩm mỹ cao. Bên cạnh đó, những phong tục, lễ hội truyền thống của họ chứa đựng nhiều nét huyền bí, tâm linh, thu hút sự tìm hiểu, khám phá của du khách. Vừa qua, tôi có chuyến trải nghiệm thú vị tại đây và mua được cho mình một chiếc khăn thổ cẩm dân tộc Lô Lô xinh xắn làm kỷ kiệm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Ngô Mạnh Cường: Nhằm tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô, từ đó làm nền tảng, động lực thúc đẩy ngành Du lịch của huyện phát triển, hiện nay huyện tập trung chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc; tuyên truyền, vận động các hộ người Lô Lô bảo tồn phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống; định kỳ hàng năm tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô; củng cố hoạt động của HTX Thêu thổ cẩm dân tộc Lô Lô…

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thác Bản Giốc vào top đường biên giới tự nhiên đẹp nhất
Tờ báo hàng đầu Hong Kong SCMP liệt kê những đường biên giới tự nhiên được đánh giá đẹp nhất thế giới, trong đó có thác Bản Giốc. Danh sách công bố ngày 10/2 dựa trên đánh giá của chuyên gia du lịch, như một gợi ý về điểm đến mà du khách nên ghé thăm thời gian tới. Điểm chung của những nơi này là các đường biên giới tự nhiên như sông, suối, núi, thác có cảnh hùng vĩ, đẹp.
14/02/2023
Lễ hội Văn hoá ẩm thực 3 miền Bắc - Trung - Nam và Hà Giang sẽ diễn ra vào tháng 3 tới

BHG - Ban Tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh Hà Giang vừa ban hành kế hoạch về việc tổ chức Lễ hội Văn hoá ẩm thực 3 miền Bắc - Trung - Nam và Hà Giang năm 2023. Đây là sự kiện lớn của tỉnh Hà Giang trong chuỗi sự kiện tổ chức Festival Khèn Mông và đón nhận danh hiệu thành viên Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III. Lễ hội được tổ chức với quy mô toàn quốc, diễn ra trong thời gian 4 ngày, từ 23 – 26.3 tới đây tại Quảng trường 26/3 và Công viên cây xanh, thành phố Hà Giang.

14/02/2023
Hướng đến phát triển du lịch tâm linh, về nguồn
BHG - Hiện nay, du lịch đã trở thành một trong những hoạt động không thể thiếu của phần lớn người dân trong xã hội. Con người tìm đến du lịch không chỉ để thỏa mãn các nhu cầu về tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng,... mà còn để thể hiện niềm tin về tôn giáo, tín ngưỡng. Chính từ những nhu cầu gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng,... của du khách đã hình thành nên loại hình du lịch tâm linh.
12/02/2023
Về Khuôn Lùng dự hội giỗ tổ
BHG - Xã Khuôn Lùng (Xín Mần) là vùng đất sinh sống lâu đời của người Tày, Dao với nét văn hóa đặc trưng. Người dân tộc Tày ở đây có một đền thờ riêng gọi là Đình Mường, hằng năm ngày 17 tháng Giêng người dân sẽ mở hội để dâng lễ vật lên Tổ tiên đã có công khai khẩn, lập đất và cầu mong năm mới may mắn, sức khỏe, mùa màng bội thu.
12/02/2023