Về quê ăn Tết nét đẹp trong văn hóa làng xã
BHG - Làng xã Việt Nam từ xa xưa là nơi cộng đồng các dân tộc Việt Nam cư trú, thường có lũy tre hay rừng núi bao bọc; con người sống ở đó sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt văn hóa, tinh thần với nhau. Vùng thấp thường có đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa, tổ chức các lễ hội và sinh hoạt tâm linh; ở vùng cao có một thời có nhà hội họp chung của làng hoặc sử dụng một gian trong kho thóc của HTX làm trung tâm sinh hoạt văn hóa. Ngày nay mỗi thôn, bản đã có nhà văn hóa để sinh hoạt chung. Từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tính cộng đồng làng xã được nâng lên thành ý thức trong phạm vi một nước, coi người trong một nước là đồng bào. Trong làng xã người ta coi: “Anh em xa không bằng láng giềng gần”; cộng đồng người Tày có câu: “Pi noọng quay bấu tay vằn phày xâử - Anh em xa không bằng làn khói gần” nên người Việt Nam mới có truyền thống đoàn kết, gắn bó “Người trong một nước phải thương nhau cùng” yêu xóm làng, yêu Tổ quốc.
Chúc Tết - nét đẹp trong ngày Xuân. |
Từ xưa đến nay, người cùng làng thường giúp nhau trong các công việc như: Giúp ngày công, cho vay gạo, rượu, lợn thịt khi trong làng có gia đình xây dựng nhà mới hoặc tổ chức đám cưới cho con cần vay; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi khi mới tách hộ ra ở riêng; đóng góp gạo, gà, củi giúp cho gia đình có người mới sinh con; các tổ chức hội, đoàn thể giúp gia đình hội viên làm các công việc cho kịp thời vụ; tổ chức thăm hỏi khi có người ốm; tiếp cận và khuyên giải, động viên người lầm lối hoàn lương; đóng góp những gì có thể cho nhà gặp khó khăn hoạn nạn; đóng góp ngày công, tiền, gạo giúp gia đình có tang ma thực hiện nghi lễ theo phong tục và phù hợp với quy ước nếp sống mới. Trong một làng xã có nhiều mối quan hệ xã hội từ dòng họ, đồng tộc, đồng niên, đồng nghiệp, đồng hương, thông gia… cố kết với nhau khá chặt chẽ. Khi một gia đình nào đó trong thôn có xích mích bất hòa hay trong cộng đồng có mâu thuẫn, đều phải do các tộc trưởng, già làng, người có uy tín và tổ hòa giải xem xét trước, nếu không thành mới đến pháp luật giải quyết. Vì trong văn hóa làng xã thường lấy đạo đức và dư luận xã hội để điều chỉnh hành vi của tất cả các thành viên…
Do vậy dù ai đi công tác hay làm ăn xa thì tình làng, nghĩa xóm không thể bỏ được: Tết Nguyên đán nhất thiết phải về thăm quê; Nhà nước, công đoàn, doanh nghiêp cũng rất quan tâm giúp đỡ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhiều năm không có điều kiện về thăm nhà để được về quê ăn Tết. Những người con xa quê khi được về ăn Tết cũng đi hỏi thăm, chúc Tết hàng xóm (thường chúc vào ngày mùng hai Tết, mọi người thường tổ chức theo đoàn, không phân biệt thành phần, không cứ phải đến nhà cán bộ thôn trước, đi lần lượt từ đầu làng đến cuối làng hoặc ngược lại xong giải tán ra về), đây là một trong những nét đẹp văn hóa làng xã. Khi một gia đình nào đó trong làng có việc tang ma cũng về phúng viếng hoặc có đám cưới trong làng mà được mời cũng phải cố gắng tham dự. Sẵn sàng đóng góp xây dựng làng xóm quê hương khi có sự vận động của Ủy ban MTTQ theo hảo tâm… Vì mình đang có người thân và mồ mả của dòng họ ở làng. Đối với người trong làng xã thì mọi người luôn chào đón những người con đi làm ăn xa trở về, kể cả lúc về hưu.
Bài, ảnh: Đinh Minh Tung
Ý kiến bạn đọc