Hương vị chè chốt
BHG - Những ngày Đông lạnh giá, sao tôi thèm được nhắp cái hương vị chè chốt vùng cao Hà Giang đến thế. Ao ước và nhớ. Một nỗi nhớ vô hình vô thức, thật khó diễn tả. Như nhớ một nỗi niềm tri kỷ đã xa lắm. Chè chốt, hay là cái cớ để nhớ về mùi vị thân thương, sâu đượm; một ký ức chiến tranh đã gần nửa thế kỷ, dọc thời trai trẻ trên đường biên giới.
Người dân xã Lao Chải (Vị Xuyên) thu hái chè. |
Suốt dải đất kỳ vĩ Hà Giang có một giống chè cổ thụ từ cả ngàn năm trước, mọc hoang dại trên những cánh rừng, triền núi. Trên đỉnh Hồ Thầu, dọc dãy Tây Côn Lĩnh hay bạt ngàn núi đá, núi đất của Hà Giang, chè là loài cây đặc hữu vùng đất này. Nguồn gien quý ấy là ban phát của thiên nhiên. Những thân chè cổ thụ, mốc trắng, tỏa tán sum suê. Chè xòe tay về mọi phía hứng sương gió và nắng trời. Phiến lá dày và rộng hơn các loại chè ở nơi khác. Búp chè no căng, mập mạp. Chẳng cần ai chăm sóc, cây vẫn vươn lên kiêu hãnh trong rét buốt.
Không chọn đồi bằng, đất rộng để xoải cành, nảy búp. Bộ rễ chè luồn lách sâu trong hốc đá lưng núi hay chân đồi, tìm dưỡng chất nuôi cây. Cây chè thích hợp với núi đá và đất đồi vùng lạnh, nhiều sương giá, mây mù. Chênh vênh mà sao bền chắc muôn đời. Chè lẫn vào cây rừng, vẫn nhận ra dáng riêng. Từ ngàn xưa đồng bào gọi thứ cây đó là chè Shan tuyết. Phải chăng chúng sống ở núi, hứng chịu sương tuyết vùng cao nên có tên gọi ấy.
Chè Shan tuyết mang thêm tên gọi “chè chốt” từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979. Chính những người lính đã làm nên “thương hiệu” một loại chè được sản xuất ở chốt. Trên các cao điểm, chốt tiền tiêu, với nhiệm vụ bảo vệ mảnh đất biên cương, những chiến sỹ vẫn có chút thời gian thư giãn với thú vui tao nhã: Uống trà. Chè được hái vào buổi sáng sớm khi màn sương còn đang phủ khắp núi. Màn sương mỏng luồn đắp trên từng lá chè. Muốn thu hái, người ta phải trèo lên cây, vin cành hái búp. Càng được hái, cây chè càng đâm chồi nảy lộc. Những búp chè non tươi, còn đẫm sương, nhấm vào có vị chát ngọt.
Công đoạn sao sấy chè hết sức quan trọng. Sau khi hái về, chè được tãi ra nơi thoáng cho bốc hơi sương rồi mới đem sao trên than hồng. Dụng cụ sao chè thật đơn giản, xoong, vung, nồi quân dụng, thậm chí cả mũ cối. Khi búp héo lại, bỏ chè ra vò cho bớt nước. Vò chè cũng phải rất khéo léo, không quá mạnh, cũng không quá nhẹ. Phải liên tục dùng tay đảo đều cho những búp chè không bị quá lửa. Để hơi nước trong mỗi búp không bị khô nhanh, lửa sao phải nhỏ và đều. Chè sắp đến độ ngon phải giảm nhiệt lượng. Từ màu xanh, non mập mạp, búp chè héo dần, chuyển màu vàng nhạt, sờ tay có cảm giác khô là được. Sao chè không được nóng vội. Mỗi mẻ sao mất vài tiếng đồng hồ. Các chiến sỹ cũng chỉ làm đủ lượng chè uống cho một vài tuần. Chè sao xong để nguội, rồi cho vào ống tre, nứa nắp kín.
Uống trà là một thú vui xa xỉ của người lính trong chiến tranh. Những trận pháo kích từ phía bên kia dội đến bất cứ lúc nào. Có khi dai dẳng, lắm lúc cấp tập. Sau những tiếng nổ là những mảng núi vỡ nham nhở, rách toang. Tiếng nổ chát chúa vọng vào đá núi. Nhiều cây chè bị đạn phạt ngang thân. Có những nơi được ví như “lò vôi thế kỷ”. Người lính biên cương ngày cũng như đêm căng mình chống chọi. Chỉ khi im tiếng đạn pháo họ mới được chụm lại bên ấm chè chốt.
Nước pha trà các anh lấy từ mạch nguồn, được đá núi lắng lọc, chắt ra trong veo. Bếp lửa bập bùng than củi. Ấm nước sôi sùng sục trên mấy hòn đá chụm lại. Nước bắn ra, lèo xèo than hồng. Nhúm trà thơm khô roong, loong coong rơi xuống ấm. Chỉ chờ dội nước vào ấm là hương trà bốc lên, thơm ngây ngất. Góc núi, đêm lạnh, trà tỏa hương vị đậm đà. Nhắp chén trà nóng, thấy râm ran da thịt. Tưởng như vị trà chui luồn vào từng mạch máu, thấm từng nhịp tim. Dư vị trà đọng chất hương tan chảy, ngấm vào từng tâm sự của lính. Những câu chuyện dông dài, tào lao để xóa đi lạnh giá, vợi đi nỗi nhớ quê xa. Chuyện quê hương, gia đình, bè bạn, có khi kéo dài thâu đêm.
Cũng đã bốn mươi năm rồi. Ngày ấy, tôi đã thức cùng những người lính, những đêm chè chốt. Thanh Đức, Thanh Thủy, Minh Tân, Lao Chải (Vị Xuyên); Tùng Vài, Cao Mã Pờ, Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn (Quản Bạ), một vùng chiến sự, cũng là một vùng của chè chốt. Trên điểm cao 1509, 468 của Vị Xuyên, hương chè làm dịu đi sức nóng của đạn pháo từ phía bên kia dội sang. Sau những khốc liệt, người lính vẫn còn giờ khắc yên bình, đó là nhâm nhi hương vị chè chốt.
Vết thương chiến tranh, thời gian đã phủ lấp. Gặp lại niềm vui phơi phới của đồng bào các dân tộc vùng biên. Người Dao, người Mông và người Tày đã làm mới cây chè Shan tuyết Hà Giang. Quy hoạch bảo vệ và phát huy nguồn gen của cây chè, đưa chúng trở thành nguồn thu nhập của một bộ phận đồng bào vùng biên. Sản xuất chè sạch hữu cơ đã được bà con áp dụng. Không chỉ ở vùng biên, những vùng sâu, xa cũng đã biết chăm chút bảo vệ cây chè cổ.
Suốt dải Tây Côn Lĩnh, những rừng chè xanh ngợp núi. Chè mọc ở Nà Thác, Lùng Vài, Khuổi My (thành phố Hà Giang). Chè vươn xanh ở Minh Tân, Thanh Đức, Lao Chải... (Vị Xuyên). Rừng chè cổ thụ cả ngàn cây ở Khuổi Luông, Nà Lầu, Đường Hồng (Bắc Mê). Trà Shan tuyết Hà Giang đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) tham gia Hội chợ thương mại nông sản hữu cơ tại nước Đức. Bên cạnh xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết, bà con vẫn canh tác và chế biến chè nhỏ lẻ. Nhiều gia đình đầu tư máy sao sấy, thay thế thủ công. Cây chè Shan tuyết đã góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào.
Mùa Xuân đang về, trong tôi lại cồn cào nỗi nhớ chè chốt. Từ điển Việt Nam có thể chưa được bổ sung từ mới này. Mười năm cuộc chiến tranh biên giới, bao người lính đã ngã xuống. Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhiều người đến nay vẫn chưa xác định tên. Mỗi khi nghĩ đến các anh tôi lại nhớ về chè chốt. Chè chốt, “biểu tượng” của người lính kiên cường vượt qua cuộc chiến khốc liệt. Có thể rồi sau này, có người không hiểu từ chè chốt, nhưng đất nước, dân tộc ta luôn ghi nhớ về người lính trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Chè chốt, một vẻ đẹp riêng có của Hà Giang, mà chính những người lính năm xưa đã góp phần gìn giữ và ngày nay các dân tộc vùng cao Hà Giang tiếp tục bảo vệ và phát triển.
Tản văn của Lê Na
Ý kiến bạn đọc