Chuyển biến tích cực trong xây dựng nếp sống văn minh ở Hoàng Su Phì
BHG - Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền từ huyện đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân, việc xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, bài trừ hủ tục đã và đang trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì; tạo chuyển biến tích cực trong đời sống người dân, làm thay đổi diện mạo thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch huyện tuyên truyền xóa bỏ hủ tục. |
Đến thôn Lủng Dăm, xã Sán Sả Hồ vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt của một bản làng vùng cao có 100% đồng bào dân tộc Nùng sinh sống. Trục đường vào thôn được bê tông hóa sạch đẹp và trồng cây cảnh quan. Những ngôi nhà sàn của đồng bào được dọn dẹp ngăn nắp, nhà tắm, nhà tiêu được xây dựng hợp vệ sinh; rác thải được thu gom tự xử lý. Chuồng trại chăn nuôi được quy hoạch vị trí phù hợp, cách xa nhà ở. Anh Tráng Văn Nèn, Trưởng thôn Lủng Dăm cho biết: Thôn có 39 hộ đồng bào dân tộc Nùng sinh sống. Trước đây, trong đời sống của đồng bào vẫn còn tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu, đặc biệt là trong việc cưới, việc tang. Triển khai thực hiện Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, dưới sự tuyên truyền, vận động của chính quyền các cấp, người dân trong thôn họp bàn và thống nhất cắt giảm một số thủ tục trong việc cưới, việc tang. Cụ thể như, trong đám cưới giảm và gộp số sính lễ nhà trai phải mang sang nhà gái (gạo, rượu, thịt, tiền, đồ trang sức giá trị khoảng 31 triệu đồng), quy đổi sang tiền mặt và giảm xuống dưới 20 triệu đồng. Trong việc tang, giảm tiền công cho thầy cúng từ 7 triệu đồng xuống dưới 4 triệu đồng…
Đối với đồng bào dân tộc Dao đỏ, sinh sống tập trung ở cụm xã Hồ Thầu, Nậm Khòa, Nậm Ty, Thông Nguyên, các phong tục, tập quán lạc hậu cũng từng bước được cắt giảm, xóa bỏ. Cụ thể như trong việc tang, bỏ thủ tục con cháu đến vái lạy từng người khách và từng mâm. Trong nếp sống sinh hoạt, bỏ việc bói, cúng khi gia đình có người ốm đau. Trong đám cưới, cắt giảm 4 nội dung, xóa bỏ 6 thủ tục: Bỏ tục đưa tiền, thịt, xôi cho người đi đưa dâu; bỏ việc mời khách dự đám cưới bằng thuốc lào, thuốc lá; bỏ tổ chức đám cưới phụ (trước khi diễn ra đám cưới chính thức 1 tháng); bỏ việc chi tiền cho người đưa dâu nhà trai (5-10 nghìn đồng/người)… Đồng chí Triệu Vằn Khuân, Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên cho biết: Mặc dù các nội dung cải tiến, xóa bỏ hủ tục lạc hậu mới được triển khai trong thời gian ngắn, nhưng nhận được sự đồng tình ủng hộ rất lớn từ phía người dân. Các nội dung, thủ tục đề nghị cải tiến, cắt giảm được cộng đồng dân cư họp bàn và thống nhất cụ thể. Từ đó, tạo thành phong trào xây dựng nếp sống văn minh rộng khắp trong đồng bào dân tộc Dao đỏ sinh sống trên địa bàn.
Nhiều thủ tục lạc hậu, rườm rà trong lễ tang, lễ cưới của đồng bào các dân tộc từng bước được loại bỏ, thời gian diễn ra được rút ngắn, chỉ trong vòng 1 – 2 ngày, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm và văn minh. Nếp sống sinh hoạt của người dân cũng đổi thay đáng kể, không còn tình trạng nuôi gia súc dưới sàn, khuôn viên nhà cửa được dọn dẹp, chỉnh trang sạch sẽ; các hộ đều chú trọng xây dựng 3 công trình vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải theo quy định. Những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc của dân tộc được gìn giữ và phát huy… Đó là kết quả đáng ghi nhận sau thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.
Đồng chí Nguyễn Việt Tuân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện, Phòng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bài trừ hủ tục lạc hậu với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với nhận thức của người dân. Trong năm 2022, đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch xây dựng chương trình tuyên truyền tổng hợp phục vụ tại 23/24 xã, thị trấn với tổng số 26 buổi, thu hút trên 6.500 lượt người xem. Phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền lưu động tại chợ phiên, cụm dân cư; tuyên truyền trên hệ thống đài PM và truyền thanh internet được 1.300 buổi, phục vụ 156.000 lượt người nghe. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức thành công Hội thi tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh với sự tham dự của 24 đội thi đến từ 24 xã, thị trấn của huyện. Phối hợp với Phòng GD&ĐT hướng dẫn 52 trường học tổ chức thành công hội thi tìm hiểu kiến thức bài trừ hủ tục lạc hậu với trên 1.500 học sinh tham gia. Việc đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền đảm bảo phù hợp với từng địa bàn, đối tượng đã từng bước nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực trong hành động của các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng nếp sống văn minh ở các khu dân cư trên địa bàn.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc