Sức hút từ các sản phẩm du lịch
BHG - Theo chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch (DL) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tỉnh ta được đánh giá có nhiều tiềm năng, tài nguyên DL đặc thù. Những lợi thế về DL văn hóa, sinh thái với nhiều sản phẩm độc đáo đã tạo nên một Hà Giang đầy lôi cuốn đối với du khách thập phương.
Khơi dậy tiềm năng
Du khách bên hoa Tam giác mạch. |
Dựa trên tiềm năng sẵn có, tỉnh tập trung phát triển DL theo hướng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc cùng với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo và hệ thống di tích, di sản văn hóa. Đồng thời, khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, kiến tạo địa hình đa dạng, cảnh quan hấp dẫn, nhất là Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì với nhiều sản phẩm DL nghỉ dưỡng, thể thao, mạo hiểm, các hoạt động khám phá, trải nghiệm...
Giám đốc Sở Văn hóa TT&DL Nguyễn Hồng Hải cho biết: Hiện, tỉnh hình thành 3 phân vùng sản phẩm, phát triển không gian DL trung tâm gồm các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê và thành phố Hà Giang với một số sản phẩm DL thế mạnh như DL thương mại, biên mậu cửa khẩu; các khu DL sinh thái, vui chơi giải trí; DL trải nghiệm nông thôn tại các đồi chè, cam; DL tại các làng văn hóa DL cộng đồng. Không gian DL Đông Bắc, tỉnh phát triển sản phẩm DL với 4 trung DL văn hóa - lịch sử; vui chơi giải trí; sinh thái đô thị xanh; DL mạo hiểm, khoa học và thương mại. Không gian DL Tây Nam, lấy di tích danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, địa hình núi cao ở Tây Côn Lĩnh làm trọng tâm phát triển.
Những năm qua, tỉnh huy động, tập trung các nguồn lực để khơi dậy tiềm năng DL theo đặc điểm vùng, miền thông qua việc xây dựng, phát triển các sản phẩm DL đặc thù, phù hợp với bối cảnh và phân khúc thị trường khách trong từng thời điểm. Sản phẩm DL văn hóa, toàn tỉnh có 61 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó 31 cấp quốc gia; 30 cấp tỉnh và 22 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, với nhiều loại hình như: Di tích lịch sử - văn hóa, lưu niệm sự kiện, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh và hóa thạch cổ sinh. Ngoài ra, tỉnh chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị đối với các di vật, cổ vật.
Sản phẩm DL sinh thái, tỉnh có 7 khu rừng đặc dụng; các khu bảo tồn thiên nhiên với hệ sinh thái điển hình, các loài động, thực vật quý hiếm đã phát huy giá trị trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, tuyên truyền, giáo dục. Cùng với khai thác danh thắng, cảnh quan tự nhiên, hệ thống hang động, sông, suối, thác, hồ đã hình thành nên các khu DL sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của khách DL và người dân. Sản phẩm DL cộng đồng được triển khai bằng việc xây dựng sản phẩm làng văn hóa DL tiêu biểu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, thu hút lượng khách DL đáng kể và huy động sự tham gia cộng đồng trong cung ứng dịch vụ, đảm bảo các lợi ích từ DL, đóng góp vào phát triển KT – XH địa phương. Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ DL (Homestay) trung bình đạt 50 - 70 triệu đồng/năm, có những hộ đạt doanh thu gần 200 triệu đồng/năm. Sản phẩm DL địa chất được khai thác hiệu quả, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất, văn hóa, đa dạng sinh học trên vùng Công viên Địa chất. Bên cạnh đó, tỉnh ta phát triển các sản phẩm DL bổ trợ như DL thể thao, mạo hiểm: Tổ chức giải Marathon quốc tế “Chạy trên cung đường Hạnh phúc”, đua xe đạp chinh phục Cao nguyên đá, giải đua mô tô địa hình, chèo thuyền Kayak, các loại hình thể thao mạo hiểm, khám phá, thám hiểm hang động, khu bảo tồn, rừng nguyên sinh...
Nỗ lực xây dựng thương hiệu
Với sự nỗ lực không ngừng, DL của tỉnh đã dần tạo ra thương hiệu. Một số lễ hội gắn với sự kiện được tổ chức thường niên như Lễ hội hoa Tam giác mạch; Tuần văn hóa di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Festival Khèn Mông; Ngày hội văn hóa các dân tộc nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa nhân văn, tạo ra điểm nhấn, sản phẩm DL trải nghiệm trở thành thương hiệu đặc thù. Mặt khác, tỉnh quan tâm phát triển sản phẩm hàng hóa, đồ lưu niệm; các sản phẩm thủ công truyền thống, sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh phục vụ DL như thổ cẩm vải lanh, chạm bạc, đan lát. Các đặc sản địa phương như cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, thịt trâu, bò khô...
Có thể khẳng định, ngành DL của tỉnh đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Ngành DL đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và giữ vững QP – AN. Sức cuốn hút của DL Hà Giang được minh chứng qua lượng khách đến tỉnh ngày một tăng. Tính riêng lượng khách du lịch đến tỉnh trong tháng 11.2022 đạt 225.000 lượt người, doanh thu DL đạt 450 tỷ đồng. Đồng thời, cho thấy ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh đảm bảo định hướng phát triển sản phẩm DL tại 3 không gian DL; trong đó, tập trung đầu tư các sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù tại một số vùng trọng điểm DL của tỉnh phù hợp với các quy hoạch. Kinh phí dành cho phát triển DL được tăng cường vào các hạng mục công trình hạ tầng DL; thu hút nguồn xã hội hóa đầu tư vào các khu du lịch sinh thái, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ; mời gọi một số dự án đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm…
“Để đưa DL thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy KT – XH; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm DL có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho lao động địa phương, tỉnh ta tập trung phát triển DL theo 5 nhóm giải pháp về: Nâng cao nhận thức phát triển DL; phát triển sản phẩm DL phong phú, đa dạng, có tính cạnh tranh cao; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển DL, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá DL; tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng DL; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về DL. Đồng thời, giữ vững mức độ tăng trưởng ổn định, xây dựng thương hiệu điểm đến DL “an toàn, thân thiện và bản sắc”; chú trọng huy động nguồn lực đầu tư để thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến phát triển các dự án DL, góp phần khơi dậy tiềm năng DL, tạo ra những sản phẩm DL riêng biệt có sức lôi cuốn đối với du khách” – Giám đốc Sở Văn hóa TT&DL Nguyễn Hồng Hải cho biết thêm.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc