Đồng Văn phát huy vai trò người có uy tín trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
BHG - Có vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, thời gian qua đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện Đồng Văn phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Ông Là Sía Páo, người có uy tín thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là lưu giữ nghề may truyền thống của dân tộc Lô Lô. |
Huyện Đồng Văn hiện có 225 người có uy tín tại 225 thôn, tổ dân phố. Là lớp người am hiểu truyền thống văn hóa của dân tộc mình, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện luôn ngày đêm trăn trở, tìm cách gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp cho thế hệ sau. Ông Là Sía Páo, người có uy tín dân tộc Lô Lô, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là cho biết: Dân tộc Lô Lô trên địa bàn xã hiện vẫn còn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, thể hiện rất rõ trong sinh hoạt hàng ngày, trong lễ hội và trang phục. Chúng tôi có nghề thêu trang phục từ lâu đời, nhưng ngày nay lớp trẻ không còn nhiều người biết thêu nữa. Bộ trang phục của dân tộc Lô Lô, nhất là trang phục nữ giới được làm rất công phu, trang trí các loại hoa văn như: Hoa văn hình học, hình quả Thảo quả, hình chim, thú… thể hiện trình độ, khiếu thẩm mỹ tinh tế của đồng bào. Lo sợ nghề truyền thống sẽ bị mai một, nhiều năm qua, tôi và một số người cao tuổi đã tích cực duy trì, bảo tồn và truyền dạy nghề thêu truyền thống cho người dân trong thôn.
Cùng chung tâm nguyện gìn giữ nghề truyền thống cho thế hệ trẻ, những năm qua, ông Lầu Sính Dia, người có uy tín thôn Tả Cổ Ván, xã Hố Quáng Phìn luôn quan tâm truyền dạy nghề chế tác khèn Mông cho người dân trong xã. Ông Dia tâm sự: Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mông, cây khèn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó là phương tiện giao tiếp của con người, là bản sắc văn hóa của dân tộc Mông chúng tôi. Khèn Mông độc đáo bởi hình dạng, cấu tạo và chức năng tạo âm thanh. Mọi công đoạn chế tác khèn đều làm thủ công, đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo, tỉ mỉ. Thời gian qua, tôi đã cùng với một số nghệ nhân trong vùng tham gia hướng dẫn, truyền dạy nghề chế tác khèn cho lớp trẻ với phương thức “cầm tay chỉ việc” từ cách khai thác, lựa chọn nguyên vật liệu làm khèn đến các công đoạn để làm ra một cây khèn hoàn chỉnh. Ngày nay, cây khèn còn là món quà du lịch cho du khách khi đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, vì vậy, việc bảo tồn và phát triển nghề chế tác khèn Mông không chỉ góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mà còn đóng góp tích cực trong xây dựng sản phẩm du lịch, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Từ đầu năm 2022 đến nay, người có uy tín và Hội nghệ nhân dân gian các xã, thị trấn trên địa bàn đã mở 19 lớp truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ, thu hút trên 500 học viên tham gia, với các nghề như: Đan lát, may mặc trang phục dân tộc, chế tác khèn Mông, sản xuất hương nhang sạch... Tích cực tham gia và là lực lượng nòng cốt trong truyền dạy văn hóa truyền thống ở các đơn vị trường học.
Cùng với đó, đội ngũ người có uy tín còn tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt việc bảo vệ các khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh để phục vụ du khách đến thăm quan du lịch trên địa bàn như: Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương, di tích phố cổ Đồng Văn, nhà Bảo tàng văn hóa các dân tộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn... Vận động người dân phát huy bản sắc văn hóa dân tộc xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng và nhà truyền thống dân tộc như: Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Lô Lô, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú; Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là; Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Giáy, thôn Ma Lé, xã Má Lé... Đồng thời thường xuyên vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang; đến nay nhiều hủ tục đã dần được cắt giảm như: Tục thách cưới cao, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đám tang dài ngày...
Những người có uy tín trên địa bàn còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân trồng, chăm sóc trên 500 ha hoa Bạc hà để phát triển đàn ong lấy mật, tạo sản phẩm du lịch. Cùng với chính quyền địa phương vận động nhân dân trồng trên 200 ha cây Tam giác mạch để phục vụ du khách tham quan và làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm như bánh, rượu Tam giác mạch phục vụ du lịch, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con.
Ngày nay, khi KT-XH ngày càng phát triển, văn hóa đang có sự giao thoa mạnh mẽ thì những đóng góp của đội ngũ người có uy tín trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc là rất đáng ghi nhận. Với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, đội ngũ người có uy tín đã góp phần quan trọng trong giáo dục truyền thống dân tộc, giúp lớp trẻ thêm yêu mến, trân trọng, lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc