Phát triển du lịch từ mạch nguồn di sản
BHG - Với ngành Du lịch (DL), bên cạnh các yếu tố về chính sách, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và nguồn nhân lực, thì di sản văn hóa, thiên nhiên đóng vai trò quan trọng tạo nên sự hấp dẫn, đa dạng về sản phẩm, định vị hình ảnh và xây dựng thương hiệu DL, thu hút đông đảo du khách.
Múa Trống đồng của người Lô Lô, xã Lũng Cú (Đồng Văn). |
Tháng 10.2010, Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, đây là Công viên Địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á. Từ đây, với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với quảng bá hình ảnh và phát triển DL bền vững của tỉnh, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách mỗi năm. Toàn vùng hiện có trên 5.160 cơ sở thương mại, trên 970 khách sạn, nhà hàng, homestay và 605 cơ sở dịch vụ khác; hàng loạt các sản phẩm DL trải nghiệm, khám phá độc đáo được hình thành; chất lượng dịch vụ DL không ngừng được nâng lên. Các địa phương chủ động xây dựng những tuyến đường DL trải nghiệm; cải tạo, khai thác hệ thống hang động; tăng cường quảng bá hình ảnh gắn với phát triển sản phẩm DL thể thao như: Đạp xe, motor địa hình, Giải Marathon quốc tế “Chạy trên cung đường Hạnh Phúc”, chèo thuyền kayak và đi thuyền trên sông Nho Quế, thám hiểm hẻm vực Tu Sản, Vách đá trắng, Mê cung đá.
Cùng với di sản thiên nhiên, các địa phương linh hoạt phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc phục vụ phát triển DL rất hiệu quả; trong đó, sự hình thành và hoạt động của hàng chục làng văn hóa DL cộng đồng là minh chứng rõ nét. Tiêu biểu như: Tại Làng Văn hóa DL cộng đồng thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) có 28 hộ phát triển DL, Làng Văn hóa DL cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) có 28 hộ làm DL, Làng Văn hóa DL cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) có trên 30 hộ làm DL. Tất cả họ đều có thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm; thu hút hàng trăm lượt khách DL đến tham quan, trải nghiệm, lưu trú.
Là tỉnh cực Bắc Tổ quốc, Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ; đồng thời là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc với nền văn hóa bản địa phong phú, đậm đà bản sắc. Hiện nay, về di sản văn hóa vật thể, toàn tỉnh có 3 Bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận; 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Về di sản văn hóa phi vật thể, có 22 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành, trong đó có Hà Giang được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận và xuất sắc vượt qua 2 kỳ tái thẩm định. Kho tàng di sản văn hóa, thiên nhiên đồ sộ tạo ra cơ hội lớn để Hà Giang phát triển DL với nhiều loại hình và sản phẩm DL độc đáo, có tính cạnh tranh cao và định vị thương hiệu trên bản đồ DL.
Nhận diện rõ cơ hội lớn để phát triển DL bền vững từ hệ thống di sản đa dạng, độc đáo, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án quan trọng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát triển DL thành ngành kinh tế mũi nhọn, quan tâm trùng tu, tôn tạo di tích, đầu tư phục dựng 34 di sản văn hóa phi vật thể; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và người dân về bảo tồn di sản gắn với phát triển DL, tạo sinh kế giảm nghèo bền vững; các giá trị văn hóa truyền thống về: Kiến trúc nhà ở, trang phục dân tộc, làng nghề truyền thống, hoạt động sản xuất, ẩm thực, ứng xử cộng đồng, lễ hội, văn nghệ dân gian được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển DL. Đặc biệt, một số lễ hội truyền thống được tổ chức quy mô cấp tỉnh, thu hút đông đảo du khách với nhiều hoạt động hấp dẫn, trở thành sản phẩm DL độc đáo như: Lễ hội Khèn Mông, lễ hội thêu dệt thổ cẩm, lễ hội văn hóa dân gian dân tộc Nùng, lễ hội chợ Phong lưu Khâu Vai, lễ hội Nhảy lửa, lễ hội hoa Tam giác mạch, lễ hội Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và nhiều lễ hội truyền thống khác.
Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thể hiện rõ chủ trương phát triển DL trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. DL văn hóa là một trong 4 sản phẩm DL chính của Việt Nam trong chiến lược phát triển sản phẩm DL. Nghị quyết số 15 của BCH Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 19 của BCH Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 nêu rõ quan điểm: Lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tạo ra các sản phẩm DL độc đáo, hấp dẫn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững. Mục tiêu đến năm 2025, 100% di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được phục dựng, bảo tồn gắn với phát triển kinh tế DL; 100% di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được quy hoạch, tu bổ, phục hồi gắn với phát triển DL; bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ DL tại các làng văn hóa DL cộng đồng; phát triển Công viên Địa chất thành khu DL với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2030, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu DL quốc gia.
Mục tiêu rõ ràng, giải pháp đồng bộ, huy động tối đa nguồn lực, cả hệ thống chính trị và người dân cùng đồng lòng, Hà Giang đang mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị trong mạch nguồn di sản. Đến Hà Giang, du khách có thể tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa; khám phá cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng; tương tác, trải nghiệm văn hóa, lễ hội; thưởng thức ẩm thực đặc sản địa phương với chất lượng dịch vụ ngày càng cao, chắc chắn làm hài lòng du khách.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc