Độc đáo trang phục của phụ nữ Lô Lô
BHG - Người Lô Lô sinh sống dưới chân núi Rồng, xã Lũng Cú (Đồng Văn) tự hào còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống dân tộc; trong đó bộ trang phục sặc sỡ sắc màu của phụ nữ với nhiều họa tiết được may, thêu tinh xảo, thẩm mỹ, mang nhiều ý nghĩa về tín ngưỡng và văn hóa không chỉ là “báu vật” để nhận diện dân tộc Lô Lô mà còn thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
Phụ nữ Lô Lô xã Lũng Cú (Đồng Văn) may trang phục dân tộc. |
Một trong những trải nghiệm thú vị của khách du lịch khi đến thôn Lô Lô Chải ngoài chìm đắm trong không gian cổ kính, thơ mộng, bình yên của ngôi làng cổ giữa điệp trùng đá núi, thưởng thức những món ẩm thực độc đáo của địa phương, là được khoác lên mình bộ trang phục đẹp của người phụ nữ Lô Lô. Bởi thế, trong Homestay của trưởng thôn Sình Dỉ Gai luôn có sẵn những bộ trang phục đẹp cho du khách trải nghiệm. Chị Chị Lê Khả Ái, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi thích thú khi mặc lên mình bộ trang phục của phụ nữ Lô Lô, tôi hòa mình trong nhịp sống và những điệu múa trống của họ, phụ nữ Lô Lô thật khéo léo, tinh tế với từng đường nét thêu, may”.
Để may được một bộ trang phục đẹp, phải trải qua nhiều công đoạn, tỉ mẩn từng đường may; đặc biệt là những họa tiết được thêu trên trang phục đều mang ý nghĩa độc đáo như: Hình con chim tượng trưng cho sức mạnh, khát vọng tự do, hòa bình của dân tộc Lô Lô; hình hoa Tam giác mạch, hoa đào, hoa lê là những loài hoa gần gũi với đời sống người dân; hình mắt chim gắn liền với tín ngưỡng thờ thần của người Lô Lô; những chiếc cúc áo được may thẳng hàng trên mũ, tay áo, thân áo thể hiện sự tiếp nối, đoàn kết dân tộc; những hình tròn, hình tam giác được ghép lại thành đường diềm thống nhất, tạo cho bộ trang phục có tính thẩm mỹ cao. Nhiều hoa văn khác là biểu tượng của tình yêu, hạnh phúc lứa đôi, sự sinh sôi của dân tộc. Màu sắc chủ đạo trên trang phục là màu đỏ, cam, vàng sặc sỡ, thể hiện sự sôi động, tươi vui trong đời sống văn hóa tinh thần người Lô Lô. Khi mặc trang phục, người Lô Lô thường kết hợp với đồ trang sức bằng bạc, làm tôn lên vẻ của người phụ nữ.
Chị Sình Thị Xuyến, thôn Lô Lô Chải chia sẻ: “Mỗi hình hoa văn trên trang phục đều gắn với quan niệm, tín ngưỡng dân gian và văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô. Từ khi còn nhỏ, các em gái đã được mẹ dạy thêu, khâu vá, tập ghép vải màu; đến lúc trưởng thành, các cô gái Lô Lô đều có thể tự may cho riêng mình 1 bộ trang phục đẹp, đặc biệt là trang phục cô dâu. Đây cũng được xem là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tài giỏi, khéo léo, chu toàn của người phụ nữ Lô Lô”.
Thôn Lô Lô Chải có 114 hộ với 510 khẩu, trong đó dân tộc Lô Lô chiếm trên 91,2%. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, mùa hoa, thôn đều tổ chức các hoạt động lễ hội để làm phong phú thêm cho sản phẩm du lịch như: “Lễ cúng Tổ tiên”, múa trống, thêu dệt vải truyền thống, trò chơi dân gian, hoạt động thể thao và đó là những dịp mà bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Lô Lô lên ngôi. Ngày nay, khi người Lô Lô làm du lịch, khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và lưu trú ngày càng đồng, bộ trang phục của phụ nữ Lô Lô không còn là bộ trang phục đơn thuần mà trở thành “đại sứ” du lịch, kể câu chuyện văn hóa về tộc người Lô Lô thông qua những họa tiết, hoa văn độc đáo, giúp du khách hiểu sâu sắc hơn về đời sống văn hóa của người Lô Lô.
Vinh dự và tự hào hơn khi Tri thức dân gian nghề thủ công truyền thống “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô đen“ xã Lũng Cú được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; tiết mục “Trình diễn trang phục dân tộc Lô Lô” đã đạt giải B tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ XII. Hiện nay, làng nghề thêu, dệt thổ cẩm trang phục dân tộc Lô Lô tại thôn Lô Lô Chải duy trì hoạt động, cung cấp nhiều sản phẩm phục vụ khách du lịch, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; làng văn hoá du lịch cộng đồng Lô Lô Chải đạt chuẩn Ocop 3 sao cấp tỉnh. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân quan tâm, chú trọng.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc