Nhớ lần vào vùng lũ viết báo

09:27, 15/06/2022

BHG - Chắc hẳn nhiều người ở Hà Giang còn nhớ trận mưa lịch sử cuối tháng Bảy, năm 2004 đổ xuống Yên Minh gây nên thảm họa: Xóa sổ cả bản Lý (Du Tiến), cuốn trôi 29 ngôi nhà (trong đó có 16 ngôi nhà bản Lý), làm chết và mất tích 45 người. Nương vườn tan hoang, gia súc, gia cầm hầu hết bị nhấn chìm, cuốn trôi. Đường liên xã từ Mậu Duệ (Yên Minh) và tuyến Quốc lộ 34 (Bắc Mê ) bị sạt lở hàng ngàn mét khối đất đá, giao thông, thông tin liên lạc bị tê liệt hoàn toàn, rất khó cho lực lượng cứu hộ, cứu trợ. Thiệt hại lên tới hàng trăm tỉ đồng, làm chấn động cả nước.

Dọc đường Quốc lộ 4C lên miền cực Bắc, núi non phủ trắng một màu mây, sương, lay động nghi ngút. Mây buông dày đặc trong các thung lũng, miên man dọc những con đường. Xe đi trong mây, người đi trong sương lãng đãng như một cõi thần tiên. Lộ trình hơn 100 cây số Hà Giang - Yên Minh như ngắn lại. Đến Mậu Duệ, chúng tôi rẽ phải theo con đường liên xã để vào vùng lũ. Nắng chói chang, hầm hập. Mặt đường nham nhở, đá hộc trồi ra, một bên là núi dựng, một bên vực sâu, nguy cơ sạt lở, mất cả mặt đường là khó tránh khỏi. Chiếc xe Mit-su-mít-si vặn vẹo như hụt hơi vượt dốc. Khi đứng trên cổng trời Sa Lỳ có độ cao gần 1.800 mét so với mặt nước biển, chúng tôi ngước nhìn lên phía Đồng Văn, Mèo Vạc, núi non cao vời, những chòm xóm, làng bản của đồng bào các dân tộc quần tụ trên lưng núi, mái lợp Fibro xi măng trắng lòa trong nắng.

Vượt chặng đường hơn 60 km, vào đầu giờ chiều chúng tôi đến trung tâm xã Du Già. Con suối Du Già rộng như một dòng sông nhỏ phân chia xã thành hai nửa, nước trong xanh tận đáy êm đềm về xuôi. Con suối này chính là thủ phạm dâng lũ khủng khiếp, tàn phá 126 ha ngô sắp thu hoạch, 11 ha đậu tương, 6,5 ha diện tích lúa nước. Cơn mưa đêm còn gây tổn thất 1,5 km đường bị sạt lở, 5 kè chắn nước phục vụ sản xuất bị vỡ, 3 ngôi nhà dân bị sập hoàn toàn, 4 ngôi nhà khác bị hư hại nặng, mất trắng hàng chục tấn lương thực dự trữ.

Ở xóm Nà Liên, gia đình ông Thào Sè Páo, dân tộc Mông, 35 tuổi, có 7 khẩu đã mất 4 người, gồm vợ và các con. Gia đình ông Thào Chá Hầu, dân tộc Mông, 33 tuổi cũng mất 2 người thân gồm vợ và con trai. Đau xót hơn là Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Xuyến 46 tuổi, dân tộc Tày, mất 17 người thân trong một đêm, quả là thảm khốc, không nói được nên lời…

Phó Bí thư Đảng ủy xã kể: Những ngày xảy ra thiên tai, Du Già là nơi tập kết hàng cứu trợ của Trung ương, của tỉnh. Tiếp đón 3.000 người, gồm: Thanh niên tình nguyện của huyện, bộ đội Quân khu 2, lực lượng Biên phòng, Công an tỉnh, lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành, cùng lực lượng chuyên môn vào giúp Du Già, Du Tiến. Công ty trách nhiệm hữu hạn Sông Lô huy động sức người, máy móc để thông tuyến, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh vào vùng lũ. Cả Lũng Hồ, Đường Thượng đồng bào thức thâu đêm, xay xát thóc gạo, giao nhiệm vụ cho thanh niên vượt bộ 16 km vào giúp đồng bào Du Tiến. Lúc này mới thấy hết ý nghĩa “Lá lành đùm lá rách” - đạo lý của dân tộc Việt Nam được thể hiện rõ nét và thật cảm động.

Tạm biệt Du Già, con đường xe chạy song song với dòng suối để sang Du Tiến hơn 7 km. Những cánh đồng lúa, diện tích ngô, đậu tương… khắc phục sau lũ của xã đã mở lá xanh non, cuộc sống yên bình trở lại như chưa hề có cơn lũ đi qua.

Du Tiến - địa phương thiệt hại nặng nề nhất đang hiện ra trước mắt chúng tôi. Dấu vết của thiên tai còn y nguyên. Con suối Khau Ản ngày thường hẹp dòng. Vào ngày lũ nó mở rộng chiều ngang đến 50 m, có nhiều đoạn đổi dòng, cuốn trôi hàng nghìn mét đường, thúc sâu vào chân núi phía trái, khiến hàng mảng núi lớn bị sập. Đá lớn, đá nhỏ ngổn ngang như mới qua một trận động đất. Cỏ rác dắt đầy kẽ đá, những thân cây hàng mét đường kính từ thượng nguồn bị nước cuốn về, nằm rải rác bên suối. Đúng là “nhất thủy” như cổ nhân đã nói.

Cách trụ sở xã Du Tiến 2,5 km, chúng tôi ghé thăm một tổ công tác quân đội thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang. Tổ công tác gồm 6 người đang vận hành máy cưa, các anh tận dụng những thân cây do lũ cuốn về để xẻ thành ván, giúp đồng bào bưng vách nhà. Sau lũ một tuần, bản Lý đã được các chiến sỹ di dời về vị trí mới. Nhìn ngắm những ngôi nhà khang trang, mái đã bền, vách đã kín (gồm 19 ngôi nhà) khiến lòng tôi ấm lại. Các anh còn bó vỉa, láng nền cho đồng bào xong mới rút quân.

Trung úy Trần Đình Trọng đưa tôi vào thăm gia đình anh Nguyễn Văn Hơi (bản Lý mới, gần với tổ công tác). Anh Hơi 21 tuổi dân tộc Tày, đi bộ đội 2 năm thì xuất ngũ về xã, lặng lẽ rót nước mời khách. Màu da đen xạm nắng gió, đôi mắt buồn xa xăm. Hơi nấc lên: “Không hiểu tại sao ông trời lại nhằm vào nhà em như thế…”. Gia đình anh Hơi có 9 người, trong một đêm đã mất 8 người, gồm: Mẹ già, chị dâu, anh trai, em gái và 3 đứa cháu nhỏ, cùng người vợ mang thai 6 tháng. Anh Hơi bị nước lũ cuốn trôi 30 m, may mắn bám vào được một cành cây mà thoát chết.

Ngang chiều chúng tôi vào được bản Lý, nơi trung tâm xã đứng chân. Trụ sở xã và nhà dân nằm lọt thỏm trong một thung lũng hẹp, bốn bề núi dựng, có nhiều khe lạch hiểm trở, con suối Khau Ản chảy qua phía trước. Bí thư Đảng ủy xã tâm sự thêm: Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nhiệt đới đi qua, mưa lớn kéo dài trong đêm 18, rạng sáng 19.7 tàn phá gây hậu quả khủng khiếp cho toàn xã. So với Du Già, thiệt hại của Du Tiến nặng nề gấp nhiều lần: Trôi 25 ngôi nhà, mất toàn bộ tài sản, 12 nhà có người thiệt mạng, 24 ngôi nhà có nguy cơ sập đổ cần di dời… Mất trắng 202,8 ha ngô, lúa 52,36 ha, đậu tương 6,25 ha, 3 ha cỏ Goa-tê-ma-la. Về hạ tầng cũng thiệt hại hết sức nặng nề: 7,8 km đường giao thông từ Du Già vào bị hư hỏng toàn bộ, đường giao thông loại B dài 6 km vào thôn Nặm Chộm sạt lở nhiều đoạn. Trường trung học bị vùi lấp toàn bộ tầng 1 (7 gian), mất toàn bộ trang thiết bị giảng dạy, đồ dùng của giáo viên, học sinh, làm chết thầy giáo Nguyễn Minh Tuấn, 28 tuổi quê ở Việt Lâm (Vị Xuyên) mới tăng cường lên xã 4 tháng… Mương máng thủy lợi bị vùi lấp, sạt lở 362 m. Hệ thống nước sạch hư hỏng trên 75%. Tổng số người chết và mất tích của xã là 35 người, bị thương nặng 12 người, 5 thôn bản có người chết và mất tích…

Ngoài chính sách di dời nhà ở của dân, trợ cấp tiền mai táng cho những gia đình có người mất. Hỗ trợ lương thực cho những gia đình đặc biệt khó khăn 10 kg thóc/người từ giờ đến hết năm… còn bao nhiêu việc cần phải khẩn trương: Xử lý môi trường, khắc phục cơ sở hạ tầng, ổn định nơi ăn chốn ở cho đồng bào, chăm sóc lúa, ngô, đậu tương vừa nảy mầm bén rễ sau lũ, khôi phục đàn gia súc, gia cầm, chẩn bị đón con em đồng bào các dân tộc vào năm học mới…

Từ tay trắng, Du Tiến làm cuộc hành trình vượt cạn. Một cuộc vượt cạn không hề dễ dàng, thấm đẫm máu xương, nước mắt và tình người…

Trên đường về thành phố tôi bồi hồi: Để có được một tác phẩm Báo chí đúng nghĩa quả là công phu. Đi, ghi chép và viết - Một hành trình đầy thử thách và tìm kiếm bất tận trong lặng lẽ…

Bút Ký của Cao Xuân Thái


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hồ Thầu, mảnh đất giàu tiềm năng du lịch
BHG - Nằm dưới chân núi Chiêu Lầu Thi hùng vỹ, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Thiên nhiên ban tặng cho nơi đây phong cảnh tuyệt đẹp với núi non trùng điệp, biển mây bồng bềnh, những cánh rừng nguyên sinh, thảm thực vật phong phú, cùng với con người và nền văn hóa đậm đà bản sắc... Tất cả hòa quyện tạo nên nét quyến rũ đặc trưng cho mảnh đất Hồ Thầu.
30/05/2022
Huyện Yên Minh tổ chức Hội thi tuyên truyền quảng bá Cao nguyên đá Đồng Văn và truyền thông an toàn trên không gian mạng
BHG - Ngày 28.5, Phòng GD&ĐT huyện Yên Minh phối hợp với Trạm thông tin du khách, Phòng Văn hóa thông tin và Trung tâm VHTT&DL huyện Yên Minh tổ chức Hội thi tuyên truyền quảng bá về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và truyền thông an toàn trên không gian mạng (năm học 2021 - 2022).
29/05/2022
Khẳng định tư cách thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu
BHG - Trải qua 2 kỳ đánh giá, Công viên Địa chất (CVĐC) toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục được UNESCO công nhận tư cách thành viên giai đoạn 2015 – 2018 và 2019 – 2022. Để khẳng định và giữ vững tư cách thành viên, tỉnh ta đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp; qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC, di sản văn hóa, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, làm cơ sở cần thiết cho mục tiêu phát triển bền vững.
29/05/2022
Thành phố Hà Giang đẩy lùi hủ tục, xây dựng môi trường sống hấp dẫn
BHG - Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của tỉnh, thành phố Hà Giang có nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng biệt, tạo cho thành phố một nền văn hóa độc đáo, phong phú. Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển KT- XH, diện mạo thành phố có nhiều đổi mới, trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hủ tục, tập quán lạc hậu tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến lao động sản xuất, gây mất an ninh trật tự.
29/05/2022