Nhớ những ngày đầu làm báo
BHG - Năm 2016, tôi cô sinh viên mới rời ghế giảng đường Học viện Báo chí và Tuyên truyền lên Hà Giang nhận công tác tại phòng Phóng viên, Báo Hà Giang. Thấm thoắt đã 6 năm trôi qua, nhưng vẫn còn nguyên vẹn trong tôi ký ức về những ngày chập chững bước vào nghề với đầy đam mê và nhiệt huyết.
Phóng viên Báo Hà Giang trải nghiệm vẽ tranh bằng sáp ong trên vải lanh tại xã Sủng Trái (Đồng Văn). Ảnh: PV |
Tôi còn nhớ như in, ngày tôi đặt chân đến thành phố Hà Giang là một ngày đầu tháng 7. Phố núi đón chào tôi bằng cái nắng vàng nhưng không gay gắt. Lần đầu đến Hà Giang cũng là lần định sẵn sự gắn kết giữa tôi với mảnh đất biên cương này. Trước đó, Hà Giang trong tôi là nơi bố tôi cùng đồng đội từng chiến đấu, bức tranh Hà Giang được vẽ lên thông qua những đoạn ký ức bố kể lại và những thông tin đọc trên sách, báo. Tôi mơ hồ tưởng tượng ra cảnh đẹp hoang sơ, hào hùng của Hà Giang.
4 năm trên giảng đường, chúng tôi đã được học, làm quen với tất cả các loại hình báo chí, được trang bị đầy đủ kiến thức để làm báo. Nhưng chỉ có kinh nghiệm là chưa có. Đặc biệt, nhận công tác tại Báo Hà Giang, là tờ Báo Đảng địa phương, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Với những tôn chỉ, mục đích của báo Đảng, Báo Hà Giang có sự khác biệt so với những tờ báo, tạp chí trước đó tôi kiến tập, thực tập và cộng tác nên có rất nhiều bỡ ngỡ.
Trong 1 tháng đầu tiên, tôi cùng các bạn phóng viên mới chỉ đọc báo. Đọc đi đọc lại các tin, bài để học cách viết sao cho chuẩn, đáp ứng yêu cầu; tôi còn phải học thuộc cả tên, chức danh các đồng chí lãnh đạo tỉnh... Sau 2 tuần đọc báo, tôi được đồng chí Mai Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Phóng viên lúc bấy giờ cử đi học hỏi kinh nghiệm và tập làm tin cùng phóng viên Kim Tiến. Đến tận bây giờ, với tôi đó vẫn là tin có nhiều áp lực nhất, bởi đó là tin đầu tiên tôi được viết sau khi vào báo, cũng là tin có Chủ tịch UBND tỉnh dự. Mặc dù được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành, nhưng tin tôi viết sau đó phải sửa lại rất nhiều khiến tôi nhận ra sự khác biệt giữa kiến thức trên lớp và tác nghiệp thực tế. Cho đến hiện tại, tôi vẫn luôn biết ơn các cô, chú, anh, chị đi trước đã tận tâm sửa cho tôi từng câu, từng chữ trong những tin, bài đầu tiên trong sự nghiệp làm báo.
Sau 1 tháng vào cơ quan, tôi được phân công phụ trách, theo dõi địa bàn huyện Đồng Văn cùng Phóng viên Hoàng Ngọc. Ngày đầu tiên đi công tác vùng cao, tôi được anh Hoàng Ngọc chở đi bằng xe máy và chỉ cho tôi nhiều điều từ việc đi cơ sở khai thác thông tin để viết bài như thế nào, những kinh nghiệm khi đi công tác xa… Đến giờ đó, vẫn là những hành trang giúp tôi có những chuyến công tác thuận lợi hơn. Đoạn đường lên thị trấn Đồng Văn 150 km thì có tới 100 km đường đèo quanh co, xung quanh toàn đá và núi. Đã không ít lần tôi thấy sợ trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ ấy. Những chuyến công tác sau này tôi tự đi xe máy, có những chuyến trèo đèo, lội suối, vào thôn, vào bản, tìm hiểu cuộc sống của bà con các dân tộc nơi đây. Vì thế, phần nào thấu hiểu hơn sự nỗ lực của con người vùng cao; nhận thấy được hành trình “sống trên đá”, bám bản, giữ đất biên cương là một hành trình dài và đáng trân trọng, tự hào của đồng bào các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc.
Trải qua 6 năm, dưới con mắt của tôi, cũng là thực tế chứng minh, Hà Giang đã và đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, nhanh chóng. Dưới sự hỗ trợ từ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và từ các nguồn xã hội hóa; đồng thời, dưới sự nỗ lực không ngừng của người dân trong tỉnh, đến nay tỉnh Hà Giang khởi sắc hơn rất nhiều, đặc biệt là ở các huyện vùng cao. Những con đường liên thôn 6 năm trước tôi đi chỉ toàn đất đá, giờ đã được thay thế bằng đường bê tông kiên cố; những mái nhà mọc lên san sát; trẻ em được đến trường đi học đúng độ tuổi, được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách y tế, giáo dục, văn hóa. Du lịch Hà Giang cũng phát triển vượt bậc, trở thành “địa chỉ đỏ” của du khách trong nước và quốc tế...
Cùng dòng chảy đó, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, Báo Hà Giang cũng phát triển vượt bậc với những dấu ấn đậm nét như: Từ tờ báo tỉnh phát hành 4 số/tuần sang 5 số/tuần; báo được in màu trang 1 và 4; phát triển loại hình báo chí đa phương tiện… Báo Hà Giang ngày càng phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của độc giả.
Tôi tự nhận thấy mình cũng đã có nhiều sự thay đổi, trưởng thành hơn trong cách viết, cố gắng không để xảy ra sai xót, nỗ lực có những bài viết chất lượng hơn. Có thể nói, 6 năm không dài cũng không ngắn, đủ để tôi trưởng thành hơn trong tuổi đời và tuổi nghề. Những chuyến đi trong hành trình làm báo mãi là những kỷ niệm đẹp nhất trong tuổi trẻ của tôi.
Vĩnh Hà
Ý kiến bạn đọc