Ngày mùa về - nhớ ngày viết báo

09:44, 18/06/2022

BHG - Trời mưa rả rích. Tiếng máy tuốt lúa đã thưa dần. Tiếng máy cày, phay đất, máy phát cỏ bờ mỗi lúc một ồn ào, nhộn nhịp. Quê tôi đã vào làm mùa.

Cũng là trồng cấy lúa, nhưng bây giờ người ta mới gọi là vào làm mùa, chứ cái vụ lúa làm sau Tết âm lịch thì ít khi người ta gọi đó là vào làm mùa, mà thường gọi là làm lúa xuân. Có lẽ cái suy nghĩ từ ngày xưa quê tôi chỉ làm một vụ lúa, kéo dài từ tháng tư cho đến tháng Mười âm lịch, cho nên làm lúa vụ sau Tết Nguyên đán là vụ lúa phụ. Thực ra cái vụ lúa này không hề phụ tý nào. Ngoài việc tăng thêm sản lượng, đời sống được nâng cao thì vụ lúa này năng suất rất ổn định, ít sâu bệnh. Ngày trước để tuyên truyền cho dân thì các cán bộ và cơ quan báo chí, tuyên truyền khẳng định chắc nịch là vụ lúa “ăn chắc”. Quả đúng là vậy.

Vụ lúa xuân vừa qua là một trong những vụ lúa khó khăn: Trời rét đậm, rét hại kéo dài, số ngày có ánh sáng mặt trời trọn vẹn trong ngày chỉ đếm được trên đầu ngón tay, do đó bệnh đạo ôn vàng lá lan nhanh chỉ trong vài ngày. Thửa ruộng của đứa cháu tôi sáng vẫn còn xanh, chiều tối đã ngả sang màu vàng. Nó mải lên lớp online, lại đánh vật với Covid mà nó đang là Fo. Không thấy nó động tĩnh gì, tôi thông tin cho cháu, nó giật mình: Thôi chết! Cháu cảm ơn chú. Ngày hôm sau nó bảo người đến giúp. Ruộng của nó được cứu kịp thời, lúa khá tốt, cho thu hoạch trong niềm vui khôn tả. Người dân quê tôi lúc đó chạy đôn chạy đáo tìm thuốc để trị bệnh cho lúa. Hơn chục ngày lúa mới xanh trở lại. Tôi nghĩ bụng như ngày xưa “cái thời mà phim Ngõ lỗ thủng mô tả” thì không biết thiệt hại sẽ đến đâu. Vì loại thuốc trị bệnh này thường nằm trên kho huyện, thậm chí là kho của tỉnh. Từ khi phát hiện bệnh đến khi có thuốc chữa qua mấy cấp họp, ra quyết định mới có được công văn đồng ý cấp và vận chuyển, cả một tuần thuốc mới đến ruộng. Là phóng viên viết về nông nghiệp, tôi đã mục sở thị nhiều lần thuốc trừ sâu đến ruộng thì lúa đã bị thiệt hại khá nặng rồi nhất là vùng sâu, vùng xa như quê tôi... Bây giờ các đại lí vật tư nông nghiệp có ngay tại xã, thậm chí cả trong thôn bản, các quán bia cũng có cả vật tư cho nông lâm nghiệp, đủ các loại từ phân bón, đến thuốc trừ sâu, bây giờ người ta nói là thuốc bảo vệ thực vật. Vậy nên dập dịch nhanh chóng. Một vụ lúa xuân được mùa lại đến với quê tôi.

Ngày nay, làm ruộng khá nhàn. Máy cày, máy bừa chạy phăm phăm thay trâu ì ạch. Ngày thu hoạch như ngày hội: Tưng bừng, phấn khởi...

Những ngày này tôi càng nhớ những ngày đi viết bài về những mùa lúa.

Sau mấy tháng thử việc, tôi được phân công đi viết về nông nghiệp. Trong cuộc đời làm báo của tôi, phần lớn thời gian là gắn bó với ruộng đồng, với người làm ruộng, với những người nông dân. Thời đó gọi là được phân công: Viết và theo dõi về mảng nông nghiệp... Ở tòa soạn có anh Cù Quốc Vượng, chị Lê Minh Hòa, trước nữa có anh Hoàng Đống, Dương Trung Thanh... cùng nhóm nông lâm. Mỗi người một địa bàn. Tôi thường là Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, thị xã Tuyên Quang cùng lắm là Bắc Quang của tỉnh Hà Tuyên. Những vùng đất làm nên sự xôi động có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành chỉ tiêu lương thực của tỉnh. Anh “lính” mới vào đời, vào nghề chỉ có đi bộ, sau này đi xe đạp khắp các cánh đồng từ Sầm Dương, Lâm Xuyên, Hồng Lạc, Đông Lợi, Hào Phú, Tam Đa, Bình Yên, Tân Trào, Phúc Ứng, Sơn Nam của huyện Sơn Dương, đến Năng Khả, Thanh Tương, Yên Hoa, Đà Vỵ, Thượng Lâm, Khun Hà... của huyện Na Hang. Nơi nào có phong trào thì lao vào đó mà tìm hiểu, mà hỏi, mà đi, mà gặp và viết. Thái Hòa huyện Hàm Yên có mô hình lúa - lợn; Đông Lợi huyện Sơn Dương có mô hình lúa thâm canh cao sản; Quang Minh huyện Bắc Quang có mô hình lúa - chè ; Ỷ La, Kim Phú của thị xã Tuyên Quang có mô hình áp dụng giống phù hợp giảm thiểu thiệt hại do ngập úng... Những Đồng Kiện, Hưng Thành, Cao Ngỗi, Duộc, Bâm... đều có bước chân của những người viết báo chúng tôi. Một thời hợp tác xã toàn xã tạo ra diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta. Những bài viết hoành tráng, đăng nhiều kỳ về những mô hình phát triển nông nghiệp luôn làm nức lòng nhiều người.

Rồi đến lúc nó không còn phù hợp, cơ chế sản xuất tập trung, ăn chia theo công điểm làm cho nông dân chán nản. Có lần tôi hí hửng xuống xã Hồng Lạc để viết bài, tìm bác chủ nhiệm hợp tác xã lấy tư liệu thì bác cáo ốm bảo tôi sang bác chủ tịch xã. Sang đó bác ấy nói bận... Thất vọng, tôi ra ngồi quán nước. Anh chủ quán là thương binh. Qua câu chuyện anh cho biết: Các bác ấy cáo vậy là đúng rồi. Lúa chín nhưng xã viên không buồn đi gặt, vì có gặt về thì mỗi công được ba lạng thóc thôi, dân đói lên rừng và đi buôn hết rồi. Nước lũ sông Lô đã dâng mấp mé cống Ngòi Khổng, mưa lũ trên nguồn đang tràn xuống, nguy cơ lúa ngập làm mất trắng đang cận kề... Lần đầu tiên trong cuộc đời làm báo của tôi đi xã mà không viết được gì. Về đến cơ quan tôi không dám báo cáo tình hình khá bi đát này...

Đi qua các chế độ quản lý khác nhau: Ba khoán, khoán sản phẩm đến người lao động, khoán quản rồi chia ruộng đất cho nông dân như bây giờ, tôi không dám đánh giá đó là sự tiến lên hay như thế nào. Nhưng nông dân phấn khởi, lúa gạo làm ra đủ để nuôi cả người và gia súc, gia cầm thậm chí đem ra chợ bán là một bước đi đúng đắn và phù hợp với người nông dân kể từ đó.

Ngày mùa về, bâng khuâng nhớ những năm tháng mưa nắng rong ruổi những miền quê năm nào, để có những bài báo thấm đượm hương lúa, mồ hôi người nông dân thân thương.

 Hoàng Kiệm


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Báo Hà Giang Người bạn thân thiết của tôi

BHG - Cách đây 7 năm, bài viết đầu tiên của tôi được đăng trên Báo Hà Giang và cũng ngần ấy thời gian tôi là cộng tác viên (CTV), bạn đọc chung thủy của báo.


17/06/2022
Bản lĩnh nhà báo trẻ trong thời đại 4.0
BHG - Học tập và noi gương những thế hệ nhà báo đi trước, đội ngũ nhà báo trẻ của Báo Hà Giang hôm nay càng thấm thía tinh thần, trách nhiệm của người làm báo, không ngừng có ý thức trau dồi, bồi đắp lý tưởng, nâng cao bản lĩnh, năng lực để giữ vững “lửa nghề”, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả và những thách thức trong thời đại 4.0.
17/06/2022
Báo chí cách mạng là để phục vụ nhân dân, cho nhân dân và vì nhân dân
BHG - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn những người làm báo: Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Vì vậy, những người làm báo phải biết lắng nghe quần chúng nhân dân và phải học cách nghĩ, cách nói, cách diễn đạt của quần chúng nhân dân.
17/06/2022
Những chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền
BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. 97 năm hình thành và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2022), dù trong thời chiến hay ở thời bình, những người làm báo nơi cực Bắc Tổ quốc vẫn luôn thực hiện xứ mệnh của những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tuyên truyền.
17/06/2022