Ngăn chặn, xóa bỏ các biến tướng của tục “kéo vợ”
BHG - Tục “kéo vợ” là nét văn hóa độc đáo trong hôn nhân của đồng bào dân tộc Mông. Tuy nhiên, những năm gần đây, phong tục này đang dần bị “biến tướng” kéo theo nhiều hệ lụy do nhận thức chưa đầy đủ về phong tục, tập quán dân tộc của một bộ phận thanh, thiếu niên.
Công an xã Pả Vi (Mèo Vạc) kịp thời ngăn chặn biến tướng của vụ việc “kéo vợ” xảy ra vào đầu năm 2022. Ảnh: CTV |
Trong đời sống hôn nhân của người Mông, tục “kéo vợ” được coi là một giải pháp cho những đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại gặp phải trở ngại từ phía gia đình. Khi đó, đôi trai gái sẽ bàn cách tiến tới hôn nhân bằng tục “kéo vợ”. Theo đúng truyền thống, đây là một phong tục đặc sắc, chứa đựng nhiều giá trị tốt đẹp và nhân văn từ bao đời nay. Hiện nay, tục “kéo vợ” đã không còn phổ biến. Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên nhận thức chưa đầy đủ về phong tục, tập quán của dân tộc; khi người con trai thích một người con gái, liền rủ bạn bè bắt cóc về làm vợ, đó là biến tướng của tập tục dẫn đến vi phạm pháp luật, tảo hôn, cưỡng ép kết hôn. Thậm chí, một số đối tượng xấu lợi dụng tập tục để bắt giữ người trái pháp luật, hiếp dâm, buôn bán người…
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh phát hiện 2 vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến tục “kéo vợ” tại xã Pả Vi và xã Xín Cái (Mèo Vạc, năm 2022). Tuy chưa đến mức truy tố trách nhiệm hình sự hay xử phạt hành chính, nhưng chính quyền địa phương đã yêu cầu các gia đình và các cháu ký cam kết không tái phạm.
Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Triệu Thị Tình cho biết: Tục “kéo vợ” là nét văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, do những biến tướng trong thời gian gần đây mà nhiều người coi “kéo vợ” là hủ tục phải phá bỏ. Nếu lợi dụng phong tục, tập quán dẫn tới vi phạm pháp luật như cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bắt giữ người trái luật, hiếp dâm… thì phải ngăn chặn, xử lý. Còn nếu là “kéo vợ” theo đúng phong tục, 2 bên trai gái (khi đã đủ tuổi kết hôn) đều đồng ý thì phải được tôn trọng.
Trước thực trạng tục “kéo vợ” đang bị biến tướng theo nhiều xu hướng khác nhau, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở. Tăng cường phổ biến, quán triệt và tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Tổ chức các hội thi, hội thảo chuyên đề nhằm tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự... ngăn chặn các hành vi vi phạm về hôn nhân và gia đình, xâm hại trẻ em tại các huyện, thành phố trong tỉnh.
Lãnh đạo huyện Mèo Vạc cho biết: Là địa phương có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, thời gian qua, Thường trực Huyện ủy – UBND huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để xóa bỏ những biến tướng của tục “kéo vợ”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình tới các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín ở thôn, bản và đội ngũ cán bộ đang công tác tại cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hủ tục, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong khuôn khổ của pháp luật và phù hợp cuộc sống hiện đại.
Đến nay, 100% các xã trong toàn tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, đẩy mạnh tuyên truyền miệng, tuyên truyền lưu động, chiếu bóng vùng cao, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Lựa chọn nội dung thiết thực, phù hợp với trình độ và nhu cầu thông tin của đồng bào, đảm bảo đúng định hướng tư tưởng của Đảng và Nhà nước. Các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cũng đặc biệt quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, duy trì việc tổ chức các hoạt động lễ hội, thể thao truyền thống. Xây dựng các mô hình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với sinh kế của người dân.
Đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu vào hương ước, quy ước tại các thôn, bản, tổ dân phố. Đẩy mạnh xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp can thiệp y tế phù hợp với địa phương. Cùng với đó, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc, nhất là công tác giảm nghèo, nâng cao dân trí, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
YÊN HOA
Ý kiến bạn đọc