Phát huy vai trò phụ nữ dân tộc Mông trong gìn giữ bản sắc văn hóa và phát triển kinh tế
BHG - Là một bộ phận của cộng đồng các dân tộc, đồng bào dân tộc Mông có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng nên bản sắc, tính đa dạng văn hóa địa phương, đặc biệt là có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình thông qua lối sống thường ngày, kỹ năng canh tác, kỹ thuật thủ công truyền thống… Đây chính là một phần nguồn lực, nguồn vốn mà người phụ nữ Mông nắm giữ và phát huy sức mạnh nội sinh trong phát triển các lĩnh vực của đời sống.
Hợp tác xã Dệt lanh thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám (Quản Bạ) có nhiều sản phẩm độc đáo xuất khẩu. |
Trong quan niệm truyền thống của người Mông, phụ nữ luôn ở vị thế, vai trò rất thấp hơn so với nam giới trong gia đình, cộng đồng. Người chồng luôn giữ vai trò quan trọng quyết định mọi việc lớn trong gia đình, nên chị em phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi.
Vượt qua những khó khăn, thử thách, phụ nữ Mông ngoài lưu giữ được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống có giá trị, nhất là trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, như: Lễ hội Gầu tào; Lễ mừng cơm mới; các trò chơi dân gian trong dịp lễ, Tết; nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục; nghệ thuật canh tác tác trên hốc đá… Phụ nữ dân tộc Mông còn là những thợ thủ công tài hoa dệt ra những bộ váy truyền thống từ vải lanh. Để làm ra bộ váy đó, phụ nữ Mông trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tinh tế thể hiện sự khéo léo, tài năng. Phụ nữ Mông chính là tác giả của nghệ thuật tạo hình trên trang phục. Cả cuộc đời họ gắn bó với công việc thêu, dệt vải và in hoa văn, đặc biệt, họa tiết, hoa văn trên vải có một kỹ thuật tạo hình rất độc đáo đó là vẽ sáp ong trên vải lanh.
Chị Vàng Thị Chúa, thôn Đầu Cầu II, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) với mô hình nuôi bò hàng hóa có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. |
Đến thăm HTX dệt lanh thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám (Quản Bạ) cùng những tia nắng đầu Hè là tiếng cười, nói vui vẻ của các chị em dân tộc Mông đang dệt nên những sản phẩm độc đáo từ vải lanh. Chị Vàng Thị Mai, Giám đốc HTX, chia sẻ: Để tạo ra một sản phẩm thô hoàn chỉnh, phải trải qua khoảng 40 công đoạn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Trước đây, thổ cẩm thường được trang trí bằng các ô đường diềm, hình chữ nhật, hình quả trám… mang nhiều ý nghĩa trong đời sống tâm linh và dùng để may váy, áo; ngày nay nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, sản phẩm thổ cẩm được may thành nhiều loại, như: Ba lô, túi sách, khăn, gối… với nhiều họa tiết đa dạng, phong phú, thiết kế đẹp mắt. Nhờ những cơ chế khuyến khích của tỉnh, huyện hỗ trợ trưng bày, giới thiệu nên sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, nhận được sự tin tưởng, yêu thích của khách hàng; sản phẩm được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Từ đó, tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc Mông trên địa bàn với mức thu nhập ổn định.
Phụ nữ Mông là những người cần cù, chịu thương, chịu khó. Nhằm phát huy vị thế, vai trò của phụ nữ Mông đối với sự phát triển KT - XH, tỉnh ta ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ Mông có việc làm, góp sức tăng thu nhập gia đình; giáo dục tại chỗ, giúp họ vượt qua những rào cản, định kiến bất bình đẳng giới, tiếp cận trình độ, kỹ năng phát triển bản thân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thay đổi mạnh mẽ nhận thức, hành động của xã hội với phụ nữ dân tộc Mông vốn bị ảnh hưởng của tập quán lâu đời; giúp họ phát huy chính nội lực của bản thân trong phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện tiếp cận các thành tựu khoa học, sự thay đổi xã hội trong thời kỳ mới, giúp đỡ họ học tập, công tác, tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, kinh tế; tổ chức các buổi gặp mặt, các chương trình tuyên truyền về vài trò, trách nhiệm của phụ nữ trong xã hội mới, giúp họ hiểu rõ được tầm quan trọng, nâng cao tính tự tin của mình cống hiến cho xã hội. Chú trọng hỗ trợ thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, Tổ hợp tác do phụ nữ Mông quản lý; tạo cơ chế cho phụ nữ Mông có tri thức, văn hóa; có ý thức độc lập, cầu tiến; sống có mục đích; có khả năng giao tiếp thân thiện; biết sáng tạo, đối mặt với áp lực, biết tự chăm sóc bản thân, phân biệt điều tích cực, hạn chế bản thân với những hủ tục của dân tộc…
Phụ nữ Mông là người sáng tạo, thêu dệt lên hiện thực cuộc sống của chính họ qua các giá trị vật chất, tinh thần. Trong sức sống của thời đại mới, được sự quan tâm của các cấp, ngành, phụ nữ Mông Hà Giang đang giữ vị thế quan trọng góp phần vào sự phồn vinh của cộng đồng, gia đình từ sự phát triển kinh tế trên nền văn hóa.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Ý kiến bạn đọc