Đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh
BHG - Vùng đất biên cương Hà Giang - “phên giậu” vững chắc của Tổ quốc có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trải qua thăng trầm lịch sử, những con người nơi đây đã tạo dựng nên các sắc thái văn hóa độc đáo, kết tinh trong các di sản văn hóa (DSVH) vật thể và phi vật thể; kết tinh trong nếp sống, nếp nghĩ, tình cảm, tâm hồn người Hà Giang để tạo nên vùng đất đa sắc màu văn hóa.
Các nghệ nhân ở Mèo Vạc múa khèn Mông. |
Vùng đất đa sắc màu văn hóa
Đến với Hà Giang, du khách sẽ được thỏa lòng đắm say trước cảnh núi non hùng vĩ như chốn “bồng lai tiên cảnh”, với những địa danh đã trở nên quen thuộc: Đèo Mã Pì Lèng, hẻm vực Tu Sản, Cột cờ Lũng Cú, dinh thự nhà Vương, phố cổ Đồng Văn… Mỗi mùa, cảnh sắc vùng đất cực Bắc đều khiến lòng người ngây ngất với ruộng bậc thang Hoàng Su Phì rực rỡ mùa múa chín; bạt ngàn hoa Tam giác mạch phủ kín sườn núi, thung sâu ở Mèo Vạc, Đồng Văn; dòng Nho Quế biếc xanh uốn lượn như dải lụa; những nếp nhà trình tường, mái ngói bình yên bên những gốc đào rừng nồng ấm sắc Xuân...
Không những vậy, Hà Giang còn là vùng đất của những lễ hội đặc sắc: Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, lễ hội Lồng Tồng của người Tày, lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ cúng thần rừng của người Pu Péo, lễ Cấp sắc của người Dao, lễ mừng cơm mới của người La Chí, lễ hội Chợ tình Khâu Vai... Hà Giang lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian phong phú với các làn điệu dân ca, các nghề thủ công truyền thống, các tri thức địa phương độc đáo hay những sản vật quý, như: Mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết, cam Sành... Hơn hết, quê hương Hà Giang đã sản sinh ra những con người hồn hậu, mến khách, chất phác, chịu thương chịu khó và dũng cảm, kiên trung, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Trình diễn lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông ở Mèo Vạc. |
Hiện tỉnh đang sở hữu 3 bảo vật quốc gia, 31 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh, 22 DSVH phi vật thể quốc gia, 18 cá nhân có cống hiến trong giữ gìn và phát huy DSVH phi vật thể của các dân tộc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Không những thế, giá trị một số di sản của tỉnh đã vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ quốc gia, được cộng đồng quốc tế tôn vinh. Đó là DSVH thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành; trong đó, có Hà Giang được UNESCO ghi danh vào Danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận, đưa vào danh mục Công viên Địa chất toàn cầu.
Nhận diện rõ tiềm năng, lợi thế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII nhấn mạnh công tác bảo tồn bản sắc văn hóa, DSVH trong mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT – XH. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp biến di sản thành tài sản và đưa văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh; giải quyết hài hòa giữa bài toán bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa với phát triển và hội nhập. Các cấp, ngành, địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển. Xác định người dân là chủ thể quan trọng trong sáng tạo, giữ gìn, phát huy bản sắc và các giá trị văn hóa; nhất là tuyên truyền cho thế hệ trẻ với hình thức phù hợp để khuyến khích, động viên.
Đồng bộ giải pháp bảo tồn di sản văn hóa
Mặc dù tỉnh ta có số lượng di sản phong phú nhưng nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp, nhiều DSVH phi vật thể đứng trước nguy cơ bị mai một; nếu không quan tâm kịp thời đến công tác bảo tồn, DSVH sẽ bị hủy hoại. Để biến DSVH thành tài sản và nguồn lực trực tiếp cho phát triển, tỉnh ta đã xác định nhiệm vụ, kế hoạch dài hạn và trước mắt để bảo tồn, tôn tạo hệ thống DSVH.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Hải cho biết: Tỉnh xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho phát triển. Do đó, tỉnh quan tâm kiểm kê, đánh giá đúng thực trạng hệ thống DSVH đang sở hữu; có sự đầu tư thỏa đáng các di sản khác ngoài hệ thống DSVH đã được xếp hạng. Các địa phương bố trí ngân sách thúc đẩy văn hóa phát triển và bảo tồn, phát huy giá trị DSVH, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, làm nên sức hấp dẫn thu hút khách du lịch.
Đặc biệt, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, gồm cả đội ngũ cán bộ quản lý, hoạt động văn hóa và các nghệ nhân sáng tạo, thực hành DSVH. Ngoài ra, tỉnh cũng có chính sách thu hút, đãi ngộ tổ chức, cá nhân trong việc giữ gìn bản sắc, bảo tồn DSVH. Chú trọng phát triển du lịch dựa trên khai thác các tài nguyên sinh thái nhằm giải quyết công ăn việc làm, chuyển đổi sinh kế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tái đầu tư cho bảo tồn các DSVH. Đa dạng hóa các loại hình du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Triển khai hiệu quả công tác quảng bá du lịch, các chiến lược truyền thông du lịch hướng tới xây dựng hình ảnh “Hà Giang - điểm đến thân thiện, hấp dẫn và an toàn”. Trong bối cảnh hội nhập, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, khai thác bản sắc, giá trị DSVH để vừa giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài đối với di sản, vừa kết nối du khách với di sản.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa không chỉ có ý nghĩa đối với lĩnh vực văn hóa mà còn có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, củng cố QP – AN. Với tiềm năng hiện có cùng với những giải pháp đồng bộ, huy động sức mạnh tổng hợp các nguồn lực đang giúp tỉnh thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại Đảng bộ tỉnh khóa XVII đề ra.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc