Ngành Giáo dục trên chặng đường mới
BHG - Xây dựng hệ thống giáo dục đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả; đổi mới phương pháp dạy và học; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn; coi trọng giáo dục văn hóa, truyền thống, lịch sử, kĩ năng sống cho học sinh; hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học; phát huy Quỹ khuyến học khuyến tài; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục… là những mục tiêu hướng đến của ngành Giáo dục trên hành trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh tại Trường Mầm non Sao Mai, thành phố Hà Giang. Ảnh: TƯ LIỆU |
Là tỉnh còn nhiều khó khăn, giao thông chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên thiếu, đặc biệt tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa, biên giới. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục. Xác định giáo dục là quốc sách, là mục tiêu quan trọng cho phát triển trong tương lai, những năm qua, cả hệ thống chính trị, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân dân đã nỗ lực khắc phục khó khăn, quan tâm, chăm lo sự nghiệp giáo dục. Qua đó, chất lượng GD&ĐT của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT đạt trên 75,2%; tỷ lệ chuyển lớp, chuyển cấp trên 98%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 99,7%, trẻ từ 6-14 tuổi đến trường đạt 99%; giữ vững và nâng chuẩn về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ nhà giáo được nâng lên với 67,51% nhà giáo đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019; cơ sở vật chất được quan tâm, đầu tư xây dựng với tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 61,03%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 41,3%.
Lớp học tại Trường Mầm non Star Acaremy, thành phố Hà Giang, ngôi trương tư thục đầu tiên của tỉnh. |
Tuy nhiên, so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, GD&ĐT của tỉnh đang nằm trong nhóm phát triển thấp; đổi mới giáo dục chưa mạnh mẽ, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả chưa thực chất; có trường hợp cán bộ, giáo viên suy thoái về phấm chất, đạo đức, vi phạm pháp luật. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu so với nhu cầu. Để khắc phục khó khăn, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển GD&ĐT, kiện toàn đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng toàn diện GD&ĐT, đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số số 06-NQ/TU về phát triển GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 85% nhà giáo đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; sắp xếp mạng lưới, quy mô trường, lớp đảm bảo khoa học, hiệu quả; 60% trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ phòng học kiên cố ở bậc mầm non đạt 68,8%, tiểu học 67,6%, THCS 99%, THPT đạt 99,68%; huy động trên 99,5% trẻ 5 tuổi đến trường; trên 99,6% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; hàng năm có 98% học sinh chuyển lớp. Duy trì, giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, phổ cập xóa mù chữ mức độ 1; 35% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, với mục tiêu trên, ngành đang bắt tay cụ thể hóa nghị quyết bằng các chương trình, kế hoạch, đề án giáo dục với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân; củng cố, phát triển hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú; khuyến khích hình thành các cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục tư thục; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp; đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa truyền thống cho học sinh; đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động trong trường học; tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nghề có địa chỉ; tăng cường quản lý nhà nước về GD&ĐT; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của T.Ư, của tỉnh cho giáo viên và học sinh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
Hành trình đổi mới toàn diện GD&ĐT là hành trình lâu dài, gian nan không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà các cấp, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải vào cuộc quyết liệt, cụ thể hóa Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh thành kế hoạch, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, đề ra giải pháp cụ thể, sát với thực tiễn để phát triển GD&ĐT hiệu quả, bền vững. Chúng ta kỳ vọng trên chặng đường mới với nhiều cách làm đổi mới, linh hoạt, ngành Giáo dục sẽ đạt nhiều thành tựu nổi bật, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lại.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN