Gìn giữ bản sắc văn hóa trong trường học

11:19, 22/11/2021

BHG - Tỉnh ta luôn quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc tại địa phương; nhiều trường học đã đưa trang phục truyền thống của dân tộc làm đồng phục cho học sinh mặc vào đầu tuần, cuối tuần, những ngày lễ lớn; giúp các em hiểu rõ, yêu quý và tự hào về những nét đẹp trang phục riêng của dân tộc mình ngay từ khi còn nhỏ.

Học sinh Trường Tiểu học Phong Quang, xã Phong Quang (Vị Xuyên) mặc trang phục truyền thống của dân tộc vào các ngày quy định.
Học sinh Trường Tiểu học Phong Quang, xã Phong Quang (Vị Xuyên) mặc trang phục truyền thống của dân tộc vào các ngày quy định.

 

Mỗi dân tộc trong tỉnh đều có truyền thống, văn hóa đặc trưng cần được gìn giữ, lưu truyền và phát huy bản sắc riêng. Tỉnh đã đẩy mạnh phát triển giáo dục, trang bị cho học sinh những giá trị văn hóa, kỹ năng, kiến thức hiểu biết về truyền thống các dân tộc; tạo điều kiện tốt nhất giúp học sinh phát triển toàn diện về mọi mặt. Nhiều trường học quy định việc mặc trang phục truyền thống riêng từng dân tộc cho học sinh vào những ngày quy định trong tuần. Công tác giới thiệu, truyền dạy văn hóa truyền thống vào trường học với nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng tích cực truyền dạy các nền văn hóa bản sắc riêng của từng dân tộc, như: Hát Sli, hát Lượn, dân ca Lô Lô, dân ca Mông… Các nhạc cụ đặc trưng cũng được chú trọng lưu truyền: Khèn Môi, khèn Lá, sáo Mông, đàn Tính…

Nhiều lễ hội được các nhà trường tổ chức giúp học sinh tìm hiểu các hoạt động văn hóa, trò chơi, văn nghệ dân gian như: Lễ hội Lồng tồng, Nhảy lửa, Mừng lúa mới; Đẩy gậy, tung Còn, Kéo co… Các nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản thường xuyên hướng dẫn học sinh hát Then, hát Cọi, múa khèn, múa gậy đồng xu, làm các đồ dùng, trang phục truyền thống. Xây dựng không gian trưng bày nhạc cụ, trang phục, dụng cụ lao động của các dân tộc trong phòng truyền thống, thư viện, góc lớp. Nhiều hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ, cuộc thi được tổ chức nhằm giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc như: Trình diễn thổi khèn Mông của Câu lạc bộ khèn Mông Trường THPT Mèo Vạc; trưng bày báo ảnh về Cao nguyên đá, văn hóa truyền thống Trường THPT Yên Minh; trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số, trò chơi dân gian Trường THPT Mậu Duệ; hội diễn dân ca, dân vũ Trường THPT Quản Bạ; tổ chức hội chợ, tìm hiểu Tết truyền thống củaTrường THPT Chuyên, Trường THCS&THPT Linh Hồ; tìm hiểu văn hóa truyền thống Trường THCS Lê Quý Đôn và Trường THCS Yên Biên; thi “Vẻ đẹp dân tộc”, “Hát các bài hát dân ca địa phương”. Các trường ở huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần tổ chức cho học sinh thực hành các nghề truyền thống như: Đan mâm tre, quẩy tấu, sàng, nong, mẹt; thêu thổ cẩm... để phục vụ khách du lịch và gìn giữ bản sắc dân tộc.

Các trường học tổ chức trên 1.600 buổi tham quan di tích văn hóa lịch sử, làng nghề; có sự tham gia của trên 1.100 nghệ nhân dân gian truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh; hàng trăm làn điệu dân ca, dân vũ, hàng chục trò chơi dân gian được truyền dạy. Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu về văn hóa các dân tộc, thu hút 53.500 học sinh tham dự, giúp khơi dậy tinh thần ham mê học hỏi, tìm hiểu các phong tục, tập quán, lễ hội, bổ sung thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa của dân tộc. 

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT: Việc đưa văn hóa truyền thống vào trường học là việc làm hữu ích, các nhà trường cần bố trí đội ngũ giáo viên có tâm huyết, kinh nghiệm và sắp xếp thời gian hợp lý để tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa, tránh tạo áp lực cho học sinh; cân đối và sử dụng hiệu quả quỹ thời gian để truyền dạy văn hóa truyền thống. Đồng thời đổi mới phương thức giảng dạy, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn, thu hút học sinh tham gia; khuyến khích học sinh thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tiếp xúc với văn hóa các dân tộc khác để dòng chảy văn hóa được bổ sung, tương trợ, không ngừng được nuôi dưỡng, ngày càng phát triển. Học sinh sẽ tự nâng cao ý thức gìn giữ, trân trọng những nét đẹp truyền thống. Các trường đã chủ động xây dựng phòng văn hóa truyền thống các dân tộc, lồng ghép giới thiệu bản sắc dân tộc vào từng tiết học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. 

Bài, ảnh: THÁI KHANG

 


Cùng chuyên mục

"Nghề dạy học là nghề cao quý nhất…"

BHG - Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời". Và nơi địa đầu cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, thầy, cô giáo đã trở thành những "kỹ sư tâm hồn", tạo nên thế hệ học trò sáng ngời về đạo đức, uyên thông về trí tuệ...

22/11/2021
Bạn biết gì về Merry Land - KĐT nghỉ dưỡng được săn đón bậc nhất Quy Nhơn?

Merry Land là dự án KĐT nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao của tập đoàn Hưng Thịnh và Merry Group. Đây là một dự án phức hợp giữa KĐT - Du lịch và Kinh tế biển nên được rót vốn với số tiền siêu khủng. Nổi danh và được nhắc liên tục kể từ khi khởi công đến nay nhưng bạn biết được bao nhiêu về siêu dự án đắt giá này?

22/11/2021
Hướng dẫn nhập cảnh và đặt vé máy bay đi Úc tiết kiệm hậu Covid

Úc là đất nước duy nhất trên thế giới vừa là quốc gia vừa là đại lục. Với diện tích lớn thứ 6 và nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới, Úc có sức hấp dẫn đặc biệt với các tín đồ du lịch.

22/11/2021
'Mắt biếc' đoạt giải Bông Sen Vàng
"Mắt biếc" thắng giải Bông Sen Vàng hạng mục điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam, tối 20/11.
22/11/2021