Bài trừ tập tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số- Kỳ cuối: "Gạn đục khơi trong" vì Hà Giang phát triển

09:11, 24/11/2021

BHG - Bài trừ tập tục lạc hậu là cuộc “cách mạng” làm thay đổi về tư tưởng, nhận thức và hành vi của cả cộng đồng. Đây là quá trình “gạn đục khơi trong” trường kỳ, nhiều khó khăn, thách thức, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Qua đó, nhằm đảm bảo xây dựng đời sống văn hóa mới nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc nơi địa đầu cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc – Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng nói.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại, phụ nữ DTTS trên địa bàn huyện Bắc Quang không ngừng rèn luyện phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.
Phụ nữ DTTS trên địa bàn huyện Bắc Quang tự tin trong các hoạt động giao lưu thương mại.

Để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tỉnh ta đã xây dựng, triển khai đề tài khoa học cấp tỉnh: Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bài trừ một số tập tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Hà Giang; do Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng làm Chủ nhiệm đề tài. Sáng 22.11 vừa qua, Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp tỉnh tiến hành hội thảo để tham vấn ý kiến nhà khoa học, quản lý, Hội nghệ nhân dân gian, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh... Trên cơ sở đó, phân tích làm rõ thêm những vấn đề lý luận, thực trạng, nguyên nhân, tác động tiêu cực; đề xuất giải pháp cải tạo, bài trừ tập tục lạc hậu, đưa ra khuyến nghị bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS.

Phụ nữ Tày xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) thực hành hát Then – gìn giữ Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phụ nữ Tày xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) thực hành hát Then – gìn giữ Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh có nhiều phong tục, tập quán mang giá trị tích cực, phản ánh nét đẹp trong lối sống, giàu tính nhân văn, là hành trang về giá trị sống, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của các tộc người… Đơn cử như tục “kéo vợ”, “bắt vợ” của người Mông vốn có ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự tự do hôn nhân, đề cao giá trị người phụ nữ. Nhưng hiện nay, tục này ít nhiều có biến tướng, làm mất đi tính nhân văn ban đầu, dẫn đến tình trạng vi phạm Luật hôn nhân và Gia đình (tảo hôn, cưỡng ép hôn). Từ ví dụ trên cho thấy, có những tập quán đến nay không còn phù hợp, trở nên lạc hậu, lỗi thời, cần được xem xét cải tạo, bài trừ để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống mới.

Cán bộ thôn Phấu Hía, xã Lũng Pù (Mèo Vạc) tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh (Ảnh Trần Kế).
Cán bộ thôn Phấu Hía, xã Lũng Pù (Mèo Vạc) tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh (Ảnh Trần Kế).

Đồng chí Triệu Đức Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hạng Mí De, Sèn Chỉn Ly – nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chung quan điểm: Muốn xây dựng giá trị đời sống mới thì phải giải quyết các giá trị cũ không còn phù hợp một cách thận trọng, khách quan, khoa học và toàn diện trên cơ sở nghiên cứu có hệ thống. Chú trọng biện pháp tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến nhận thức trong đồng bào DTTS bằng kế hoạch, lộ trình, thời gian phù hợp, không nóng vội… để dần dần dẫn đến thay đổi hành vi. Bên cạnh đó, các cấp ngành tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác dân vận – có bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, tâm huyết với công việc; xây dựng đội ngũ này trở thành tấm gương sáng tiên phong bài trừ tập tục lạc hậu để nhân dân tin và làm theo. Ngoài ra, việc nhân rộng các mô hình tiêu biểu là yếu tố quan trọng đảm bảo thành quả xóa bỏ tập quán lạc hậu có sức sống vững bền trong thực tiễn…

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Duy Sụn, chia sẻ: Mỗi quan niệm, hành vi, tập quán trong đời sống văn hóa của đồng bào DTTS đều ra đời trong điều kiện, môi trường, trình độ phát triển xã hội nhất định; nó phản ánh nhu cầu và giá trị sống của cộng đồng. Khi giải quyết các vấn đề liên quan đến cải tạo, bài trừ hủ tục cần nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật tục và góc độ văn hóa, tín ngưỡng. Theo quy định của pháp luật, hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn bị phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng; đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống với những người cùng dòng máu trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng… Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức pháp luật ở một bộ phận đồng bào DTTS còn thấp; việc áp dụng pháp luật triệt để, xử phạt đối với các tập quán lạc hậu là điều không dễ và cũng chưa phải là công cụ duy nhất. Tập quán lạc hậu mang yếu tố văn hóa - xã hội thì việc khắc phục các yếu tố không còn phù hợp phải bằng các giải pháp văn hóa để có hiệu quả cao hơn và triệt để hơn. Hiện nay, 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh ban hành hương ước, quy ước, quy định cụ thể, chi tiết về phòng, chống hủ tục lạc hậu. Trong đó, đưa ra các hình thức xử lý vi phạm, như: Không bình xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, phạt tiền để đóng góp vào quỹ chung của thôn hay phạt lao động công ích… Có thể thấy, các thiết chế văn hóa trong hương ước, quy ước có vai trò bổ sung cho pháp luật và tác động sâu sắc đến ý thức của các cá nhân do tính ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với điều kiện thực tế…

Bài trừ tập tục lạc hậu không phải là việc làm “một sớm một chiều”. Do vậy, nhiều thập kỷ qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã kiên quyết, kiên trì thực hiện một cách thường xuyên, liên tục với nhiều giải pháp linh hoạt. Cấp ủy, chính quyền tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hạn chế, đẩy lùi nạn tự tử; bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông; nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình Hội nghệ nhân dân gian... Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, định hướng các ngành trong khối tư tưởng, văn hóa và hệ thống Tuyên giáo các cấp tuyên truyền công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện hiệu quả việc tập hợp các nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực tín ngưỡng cùng tham gia bài trừ hủ tục lạc hậu với tổng số hội viên lên đến 3.528 người, chiếm 38,82% trong tổng số hội viên của Hội nghệ nhân dân gian. Riêng Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp thực hiện hiệu quả cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Phụ nữ DTTS học chữ và nói tiếng phổ thông”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”. Còn Ban Dân tộc tỉnh tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền giải pháp về cơ chế trong tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, góp phần giảm thiểu tập tục lạc hậu. Trong đó, có sự thay đổi về cơ chế của một số chương trình, chính sách từ “cho không” người dân sang đầu tư có thu hồi để “chữa bệnh” trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, chủ động vươn lên thoát nghèo. Hoặc đầu tư có điều kiện, buộc đối tượng thụ hưởng cam kết xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, tiến bộ…

Đặc biệt hơn, tháng 5.2021, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09 “về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hà Giang”. Cùng với chủ trương này, đề tài khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bài trừ một số tập tục lạc hậu trong đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang” được kỳ vọng tạo nên cuộc “cách mạng” mang ánh sáng văn minh, xóa bỏ tập tục lạc hậu trong đồng bào DTTS, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết, xây dựng Hà Giang trở thành thành trì vững mạnh nơi biên cương Tổ quốc.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

[links()]


Cùng chuyên mục

Hà Giang bắt đầu đón khách du lịch trở lại

BHG - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa thông báo việc đón khách du lịch quay trở lại tỉnh trong tình hình mới bắt đầu từ ngày 23.11.2021 theo Quyết định số 2473/QĐ-UBND ngày 22.11.2021 của UBND tỉnh về việc phân loại cấp độ dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh cho đến khi có quyết định thay thế.

24/11/2021
Bài trừ tập tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số - Kỳ đầu: Dai dẳng tập tục lỗi thời, lạc hậu

BHG - Không ít tập tục lỗi thời (lạc hậu) trong việc cưới, tang, sinh hoạt và đời sống… tồn tại dai dẳng trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trở thành rào cản kìm hãm sự phát triển tiến bộ của xã hội. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc vận động nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp, giàu bản sắc của mỗi dân tộc.

24/11/2021
Thêm yêu Hà Giang qua ca khúc "Đường về Tây Côn Lĩnh"

BHG - Đến Hà Giang, có một dải đất biên cương miền Tây đầy nắng gió, nhưng cũng đầy kiên cường, luôn cuốn hút, mê say lòng người. Dãy núi Tây Côn Lĩnh là điểm nhấn ở miền Tây Hà Giang, được coi là nóc nhà của vùng Đông Bắc Việt Nam. Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những giá trị văn hóa cực kỳ đặc sắc, con người và thiên nhiên cùng hòa quyện tạo nên những chất thi vị trong cuộc sống nơi đây.

23/11/2021
Gìn giữ bản sắc văn hóa trong trường học
BHG - Tỉnh ta luôn quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc tại địa phương; nhiều trường học đã đưa trang phục truyền thống của dân tộc làm đồng phục cho học sinh mặc vào đầu tuần, cuối tuần, những ngày lễ lớn; giúp các em hiểu rõ, yêu quý và tự hào về những nét đẹp trang phục riêng của dân tộc mình ngay từ khi còn nhỏ. 
 
22/11/2021