Dấu ấn bảo tồn và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

07:10, 28/09/2021

BHG - Đến nay, sau hơn 10 năm gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC), nhiều bản làng ở vùng CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn đã có sự thay da đổi thịt, hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, đưa Cao nguyên đá trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch.

Khu du lịch H’Mông Village, xã Đông Hà, Quản Bạ là một trong những cảnh quan đẹp nằm trong vùng Cao nguyên đá
Khu du lịch H’Mông Village, xã Đông Hà, Quản Bạ là một trong những cảnh quan đẹp nằm trong vùng Cao nguyên đá

Trưởng ban Quản lý CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, Hoàng Xuân Đôn, cho biết: "Sau hơn 10 năm quản lý và phát triển CVĐCTC, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐCTC đã được nâng lên. Công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch và đầu tư cho phát triển văn hóa được đẩy mạnh; việc quy hoạch, phát triển vùng Công viên được quan tâm chú trọng; tiềm năng du lịch được phát huy; các giá trị di sản địa chất và văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn; nhiều làng văn hóa du lịch cộng đồng được xây dựng và hoạt động tương đối hiệu quả; các làng nghề truyền thống được khôi phục, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo dấu ấn riêng của địa phương”.

Thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy “Về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2013 – 2020”, trong những năm qua, tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển vùng CVĐC nhằm triển khai việc bảo tồn và phát triển theo hướng bền vững. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chung và điều chỉnh quy hoạch các thị trấn thuộc các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển KT-XH. Trong giai đoạn 2013 - 2020, đã bảo trì 200 km Quốc lộ 4C; 26 km đường lên Cột cờ Quốc gia Lũng Cú; 47 km đường tỉnh lộ 176 nối Yên Minh - Mèo Vạc... hoàn chỉnh cơ bản các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi. Chú trọng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật viễn thông, điện lưới, quan tâm đầu tư nâng cấp các công trình cấp nước, từng bước giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào, tạo điều kiện phát triển du lịch ở địa phương.

Với việc tập trung phát triển du lịch, giảm nghèo, tỉnh đã đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng cây hoa tam giác mạch, chỉ đạo đầu tư, khôi phục, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn, tạo ra những sản phẩm, vật phẩm, quà tặng lưu niệm phục vụ khách du lịch, phát triển dịch vụ homestay tại 4 huyện Cao nguyên đá; triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng và phát triển khu vực CVĐC. Đến nay, đã có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với chương trình xây dựng Nông thôn mới và xây dựng sản phẩm du lịch homestay, du lịch trải nghiệm đi vào hoạt động giúp người dân có nguồn thu nhập cao hơn. Góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Tỉnh đã đầu tư xây dựng Bảo tàng không gian văn hóa các dân tộc vùng CVĐC, với tổng vốn đầu tư 19 tỷ đồng nhằm trưng bày, giới thiệu các di sản địa chất, văn hóa dân tộc bản địa và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất, văn hóa, đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, các huyện vùng CVĐC đều có hệ thống các bảo tàng mini trưng bày tài liệu, hình ảnh, hiện vật giới thiệu và bán các sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm OCOP phục vụ khách tham quan, du lịch. Nhiều kiến trúc bản địa truyền thống được bảo tồn như: Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phố cổ Đồng Văn, khu dinh thự Nhà Vương, Chợ phong lưu Khâu Vai, Cột Cờ Lũng Cú; Đề án tổng thể bảo tồn làng dân tộc truyền thống dân tộc Bố Y, thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến đã được lập hồ sơ đề nghị các cấp công nhận di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh trên vùng CVĐC. Công tác bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan được quan tâm.

Tỉnh đã tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của mạng lưới CVĐCTC. Vượt qua 2 kỳ tái đánh giá thành viên mạng lưới vào năm 2014 và 2018. Đồng thời, tham gia ký kết biên bản ghi nhớ với 3 CVĐC về phối hợp, trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật xây dựng CVĐC; tham dự 7 hội nghị chuyên đề về CVĐC khu vực châu Á Thái Bình Dương và hội nghị Mạng lưới CVĐCTC; cử 4 cán bộ tham gia các lớp tập huấn về CVĐC được tổ chức tại Hy Lạp và Trung Quốc. Tổ chức thành công các hoạt động do UNESCO và Mạng lưới CVĐC phát động. Đặc biệt, đã chủ động liên kết, mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia nằm trong mạng lưới CVĐCTC như: Nhật  Bản Malaysia , Pháp, Đức,  Canada Australia ... nhằm xây dựng, bảo tồn và phát triển bền vững CVĐC. Đến nay, đã có 30 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang có hoạt động triển khai dự án tại tỉnh. 

Theo Trưởng ban Quản lý CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, Hoàng Xuân Đôn, tương lai phát triển CVĐC cần giải quyết vấn đề về bảo tồn và phát triển, giáo dục cộng đồng, người dân cần nắm vững được thế nào là di sản và cách khai thác di sản bền vững. Cùng với đó là bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Trước dự báo của các chuyên gia UNESCO về việc các huyện có dấu hiệu phát triển nóng về du lịch, công tác quy hoạch có chỗ chưa tốt. Công tác kiểm tra, kiểm định cần chặt chẽ hơn, dựa trên việc hài hòa các lợi ích. Trước vận hội mới của Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh đang tiếp tục triển khai nhiều chính sách nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát triển di sản để xứng tầm CVĐCTC. Trong đó, nhân dân cần ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm trong tổng thể phát triển của CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, để gìn giữ và phát huy các giá trị di sản, phát triển du lịch, nâng cao sinh kế cho nhân dân nơi đây.

Bài, ảnh: LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

10 điểm đến ở Việt Nam được khách nước ngoài đánh giá tốt

Hội An (Quảng Nam), Sa Pa (Lào Cai) và Hà Nội được nhiều du khách nước ngoài đánh giá là những điểm chụp ảnh du lịch đẹp bậc nhất Việt Nam, theo số liệu từ Booking.

28/09/2021
Mùa Chép ruộng ở Tả Sử Choóng

BHG - Vụ lúa này ở Tả Sử Choóng (Hoàng Su Phì), bà con rất vui vì được mùa, bông lúa sai và chắc hạt. Bà con còn vui hơn nữa vì cùng với thu hoạch lúa cũng là lúc thu hoạch những chú cá Chép ruộng được thả từ đầu vụ, giúp tăng thu nhập và làm giàu thêm dinh dưỡng trong bữa ăn của mỗi giai đình...

26/09/2021
"Mùa vàng" online

"Trên những bậc thang vàng/Lúa uốn mình như lụa/Mây cuốn chân người đi / Hoàng Su Phì thương nhớ…". Những ca từ lãng mạn, nên thơ mà kỳ vĩ về ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vang lên trên các nền tảng số của Tập đoàn FPT, báo điện tử VnExpress, facebook, youtube, các kênh truyền thông của tỉnh Hà Giang… mang đến cho du khách trải nghiệm mới mẻ, thú vị, cảm xúc đặc biệt về một "mùa vàng khác lạ".

24/09/2021
Tả Sử Choóng mảnh đất giàu tiềm năng du lịch

BHG - Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì 22 km về phía Tây Nam, Tả Sử Choóng là vùng đất xinh đẹp với hàng chục ha ruộng bậc thang uốn lượn đã được công nhận di tích quốc gia và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Dao. Những nét đặc trưng riêng biệt trên vùng đất danh thắng này tạo nên sự hấp dẫn riêng có đối với du khách mà ít nơi nào có được.

24/09/2021