Nỗ lực "gieo chữ" tại điểm trường vùng biên
BHG - Dù trải qua nhiều khó khăn vất vả, những giáo viên tại những điểm trường giáp biên giới của huyện Đồng Văn luôn nỗ lực mang đến tình yêu thương, rèn dũa từng con chữ, nết người, giúp học sinh có được kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống.
Dạy và học ở điểm trường Nhù Sang, Trường PTDT bán trú Tiểu học &THCS xã Lũng Táo (Đồng Văn). |
Đồng Văn có 9 xã, thị trấn giáp biên; tổng số học sinh khu vực này có 4.192 em từ bậc học Mầm non đến THCS. Nơi đây các em còn khó khăn về nhiều mặt như: Giao thông đi lại vất vả, vật chất thiếu thốn, văn hóa tinh thần còn hạn chế... Để mang kiến thức đến với các em là cả quá trình đầy cố gắng của những người gieo chữ nơi đây. Xã Lũng Táo là 1 trong những địa phương tiêu biểu đi đầu toàn huyện về công tác vận động học sinh tới trường. Mặc dù cơ sở vật chất tại các điểm trường còn nhiều thiếu thốn nhưng các thầy, cô giáo nơi đây vẫn gắng sức mang ánh sáng tri thức đến với học trò, giúp học sinh nâng cao thành tích trong học tập. Bên cạnh đó, các thầy, cô còn quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của các em. Cô giáo Nguyễn Thị Xuyến, điểm trường Mã Sồ, Trường PTDTBT bán trú Tiểu học &THCS Lũng Táo tâm tình: Để các em đến các điểm trường học tập là 1 hành trình không hề giản đơn, tôi và các giáo viên khác phải đến tận nhà các em, tìm đến nương ngô trò chuyện, tâm tình với phụ huynh để nói đến những lợi ích khi các em được đi học.
Điểm trường Nhù Sang, xã Lũng Táo cũng là 1 trong những khu vực gian khó, với 20 học sinh lớp 1 và 2, học tập trong căn nhà nhỏ bé, vừa là nơi ăn, ngủ trưa của các em. Thầy giáo Ly Chá Dình, điểm trường Nhù Sang tâm sự: Các học sinh ở khu vực giáp biên gia cảnh rất khó khăn, thời tiết khắc nghiệt; giáo viên tại những điểm trường thường xuyên vận động quyên góp để có tiền mua áo ấm, trích lương mua thức ăn buổi trưa giúp các em có sức để học tập. Tôi luôn động viên các em hãy cố gắng chăm ngoan, học giỏi để sau này trở thành những người có ích cho quê hương.
Điểm trường Mầm non Sán Sì Tủng, xã Sà Phìn nằm trên núi cao hun hút; nguồn nước sinh hoạt thiếu thốn, khí hậu loãng là 1 trong những bất lợi ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của giáo viên. Vượt qua khó khăn của khí hậu, địa hình, những cô giáo vẫn đảm đương trọng trách, giúp các con biết đọc từng nét chữ, con số, phát âm chuẩn tiếng Việt, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của các con. Cô giáo Thào Thị Chử chia sẻ: Các phụ huynh đều tin tưởng giao con nhỏ cho chúng tôi dạy bảo, chăm sóc; dù lớp học được ghép bằng vật liệu giản đơn, khó có thể vững vàng trước những cơn gió mạnh, mưa bão, nhưng bằng sự quyết tâm, lòng yêu nghề, mến trẻ,... chúng tôi sẵn sàng vượt qua gian khó để đem lại những điều tốt nhất cho các con.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn cho biết: Huyện luôn nỗ lực có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục vùng biên; giúp học sinh ở khu vực thôn, bản thu hẹp khoảng cách với thành thị về khả năng nhận thức; tăng cường nguồn tiếng Việt đạt chuẩn, khích lệ tinh thần học tập của học sinh. Các thầy, cô giáo tại những điểm trường khu vực biên giới luôn cố gắng vận động phụ huynh đưa học sinh tới trường, làm tốt nhiệm vụ chăm sóc, dạy học. Các giáo viên cùng nhau đóng góp mua thực phẩm hỗ trợ bữa cơm trưa cho học sinh. Mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều nhà hảo tâm, tấm lòng vàng góp sức, góp của mang đến bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho học sinh tại những điểm trường vùng biên giới.
Thái Khang