"Hiệu quả kép" từ những ngôi trường mới
BHG - Trước thềm năm học mới, tin vui đến với học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) các huyện Bắc Mê, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Xín Mần khi tỉnh quyết định thành lập các trường PTDT nội trú THCS&THPT; tạo thêm cơ hội học tập cho học sinh DTTS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), tạo nguồn lao động chất lượng cho địa phương.
Trường PTDT nội trú THCS&THPT Xín Mần. Ảnh: Văn Long |
Toàn tỉnh hiện có trên 878 nghìn người, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 87%. Những năm qua, hệ thống các trường PTDT nội trú trên địa bàn tỉnh luôn phát huy hiệu quả; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và các trường cao đẳng, đại học đều tăng qua từng năm. Các trường PTDT nội trú là lá cờ đầu trong ngành Giáo dục các huyện, góp phần quan trọng trong duy trì sỹ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục và trở thành nôi đào tạo nguồn cán bộ chất lượng cho tỉnh. Tuy nhiên, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS ở các trường PTDT nội trú cấp huyện trúng tuyển vào lớp 10 các trường PTDT nội trú THPT thấp, chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại 60% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tại các trường PTDT nội trú huyện, cụm xã phải đi học tại các trường THPT, Trung tâm GDTX hoặc phải nghỉ học để tham gia lao động sớm. Thực tế, đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, xa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc được học tập tại các trường PTDT nội trú THPT với đầy đủ các chính sách hỗ trợ sẽ giúp học sinh có thêm cơ hội đến trường.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tại các trường PTDT nội trú không tiếp tục được học tại các trường PTDT nội trú THPT sẽ gây lãng phí nguồn lực đầu tư khi nguồn lao động địa phương không đạt chuẩn trình độ văn hóa 12/12 theo quy định. Việc không được tiếp tục theo học tại các trường THPT cũng gây ra nhiều hệ lụy xã hội khi một số học sinh phải bỏ học giữa chừng để tham gia lao động trước tuổi và trở thành nạn nhân của nạn tảo hôn.
Theo báo cáo của các địa phương, nguồn tuyển sinh trong năm học 2021-2022 rất dồi dào. Học sinh trong độ tuổi vào lớp 10 tại huyện Đồng Văn là 1.008 em; Xín Mần 1.208 em; Hoàng Su Phì 1.018 em; Bắc Mê 863 em. Việc thành lập các trường PTDT nội trú THCS&THPT tại các huyện không làm tăng thêm biên chế ngành Giáo dục và viên chức cấp huyện mà các địa phương sẽ sử dụng tối đa đội ngũ nhân lực phù với trình độ đào tạo cấp THPT, đồng thời sắp xếp lại biên chế viên chức của các Trung tâm GDNN-GDTX, hiện các sơ sở giáo dục này đang dư thừa giáo viên do không có nguồn tuyển sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường được đầu tư đầy đủ, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy, học trong năm học mới.
Tại Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15.6.2016 của Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đưa ra giải pháp để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực các DTTS, nâng cao dân trí, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển toàn diện KT – XH vùng DTTS là mở rộng các trường PTTD bán trú ở các huyện nghèo và tổ chức liên thông THCS và THPT tại trường PTDT nội trú cấp huyện. Nội dung này được cụ thể hóa trong Đề án tổng thể phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 – 2030 theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, có trên 60% học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các trường THPT; 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 35% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.
Giám đốc Sở GD&ĐT, Nguyễn Thế Bình cho biết: “Từ cơ sở pháp lý và nhu cầu thực tiễn, có thể thấy việc thành lập các trường PTDT nội trú THCS&THPT là rất cần thiết, mang lại “hiệu quả kép”, giúp tăng quy mô học sinh vào học THPT; cấu trúc lại hệ thống trường học; phù hợp với mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh và đón đầu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục; đồng thời giúp cho việc phân luồng học sinh hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là lao động địa phương; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục bền vững và tạo điều kiện để phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục rà soát, đề xuất với tỉnh thành lập các trường PTDT nội trú THCS&THPT tại các địa phương còn lại, xem đây là nhiệm vụ đột phá để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về lĩnh vực giáo dục và đào tạo”.
BIỆN LUÂN