Giải "bài toán" huy động học sinh ở Nậm Ban
BHG - Năm học mới đang đến gần, các địa phương trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho “mùa gieo chữ” nơi địa đầu Tổ quốc. Giống như những năm trước, trở ngại lớn ngay từ đầu năm học đó là huy động học sinh đến trường. Kinh nghiệm ở xã vùng sâu, vùng xa Nậm Ban (Mèo Vạc) thời gian qua đang mở hướng cho không ít địa phương giải bài toán huy động học sinh.
Một buổi hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ban. Ảnh: tư liệu |
Nậm Ban là địa phương có trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân nhiều khó khăn; 50% số thôn chưa có đường bê tông, đường trơn, lầy lội vào mùa mưa; còn một số phong tục, tập quán lạc hậu nên công tác vận động học sinh đến trường gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, những năm qua cấp ủy, chính quyền và Ban Giám hiệu các nhà trường luôn xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ vận động học sinh đến trường đạt tỷ lệ và chất lượng cao nhất. Bằng sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp của các bậc phụ huynh đã giúp công tác giáo dục, đào tạo của xã Nậm Ban đạt thành tích đáng khích lệ trong các năm học. Tỷ lệ huy động trẻ từ 3-5 tuổi đạt 100%; tỷ lệ huy động trẻ từ 6-14 tuổi đạt trên 99,5%; bậc tiểu học, THCS đạt trên 98%; tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp THCS đi học THPT, học nghề đạt trên 80%.
Để nâng cao chất lượng giáo dục của một xã vùng sâu, xa, địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng việc học tập của con em cho các tầng lớp nhân dân; để mọi người, mọi nhà thay đổi tư duy, nhận thức được việc đưa con em đến trường là trách nhiệm chứ không phải việc làm bắt buộc. Từ đó, các bậc phụ huynh có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc học tập của con em mình.
Đồng chí Nông Văn Dùng, Chủ tịch UBND xã Nậm Ban cho biết: Việc vận động các em đến lớp gặp nhiều khó khăn khi việc làm thêm, kiếm tiền hiện nay trở nên dễ dàng đối với các lao động giản đơn. Trong khi đó, không ít học sinh có tư tưởng bỏ học, lười học, thích trải nghiệm cuộc sống kiếm tiền ngoài xã hội; có gia đình không muốn cho con đi học, dẫn đến việc vận động học sinh đến trường gặp không ít khó khăn.
Nguyên nhân do một số phụ huynh xem nhẹ việc học của con mình; khi học sinh bỏ học, giáo viên, cán bộ đến nhà vận động không có sự phối hợp của phụ huynh, hoặc đổ lỗi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đối với các em học sinh, tuổi còn nhỏ nên nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề học tập của mình hoặc bị chi phối bởi các mối quan hệ xã hội; thường xuyên nghỉ học theo từng giai đoạn, dẫn đến rỗng kiến thức, kết quả học tập kém nên các em chán nản, muốn bỏ học. Một số phụ huynh thường xuyên đi làm ăn xa, phó mặc học sinh tự học, tự chăm sóc bản thân; khi học sinh bỏ học, giáo viên đến nhà vận động không gặp được phụ huynh để trao đổi.
Giải quyết tình trạng đó, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Ban xác định công tác giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là cơ sở để nâng cao nhận thức cho nhân dân và phát triển KT - XH, giảm nghèo bền vững. Các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ phụ trách thôn phối hợp chặt chẽ với nhà trường xuống từng gia đình để tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là những gia đình còn tư tưởng không muốn cho con đi học, cho con bỏ học. Đồng thời, gắn trách nhiệm công tác phụ trách thôn với công tác vận động học sinh đối với cán bộ, công chức xã; lấy kết quả vận động học sinh để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức. Quan tâm, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gặp gỡ gia đình học sinh để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng giúp đỡ kịp thời, nhất là các em có nguy cơ bỏ học...
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Ban chia sẻ: Nhà trường kịp thời biểu dương, khen thưởng, nêu gương người tốt, việc tốt, những tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập để các em có những hoài bão, ước mơ và ý chí quyết tâm vươn lên trong học tập. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng học sinh, kịp thời giải quyết những lo lắng, thắc mắc, động viên các em yên tâm đến lớp, hăng say học tập. Xuống từng thôn, vào từng gia đình chưa nhận thức được lợi ích và tầm quan trọng trong việc học của con em để tuyên truyền, phân tích giúp họ nâng cao nhận thức; giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho con em đến trường. Ký cam kết thực hiện cuộc vận động “Không để học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn” giữa nhà trường, địa phương và Hội cha mẹ học sinh.
Xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc giảng dạy, quản lý học sinh, đạo đức nhà giáo, đặc biệt là chế độ, chính sách đối với học sinh. Kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện giúp đỡ, hỗ trợ học sinh, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để các em đến lớp...
“Để đảm bảo duy trì sỹ số học sinh, các thôn xây dựng quy ước, hương ước, chú trọng công tác giáo dục, xử lý và phê bình gia đình không cho con em đến trường; biểu dương, khen thưởng gia đình có con em đạt thành tích tốt trong học tập, gia đình khó khăn nhưng có trách nhiệm vận động con em đến trường” – Chủ tịch UBND xã Nậm Ban, Nông Văn Dùng cho biết thêm.
KIM TIẾN