Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số
BHG - Hà Giang là tỉnh có đa dân tộc sinh sống, tạo nên sự phong phú về tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc cũng như phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được đặc biệt quan tâm.
Cán bộ xã Lũng Pù (Mèo Vạc) tuyên truyền chủ trương, chính sách bằng tiếng Mông. Ảnh chụp trước tháng 4.2021. |
Tỉnh ta hiện có 19 dân tộc cùng chung sống với tổng dân số trên 877 nghìn người, trong đó tỷ lệ người DTTS chiếm 87,7%. Cao nhất là dân tộc Mông với 34,46%, xếp sau là các dân tộc: Tày, Dao, Kinh, Nùng và một số dân tộc ít người khác như: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao... Hầu hết các dân tộc đều có tiếng nói riêng, được đồng bào sử dụng thuần thục trong giao tiếp hàng ngày. Hiện nay, ngôn ngữ chủ yếu được sử dụng vẫn là tiếng Việt; tuy nhiên, tùy theo đặc điểm phân bố dân cư, mỗi địa phương sẽ có ngôn ngữ giao tiếp riêng. Đơn cử DTTS ở các huyện vùng cao núi đá phía Bắc chủ yếu sử dụng tiếng Mông, còn các huyện phía Tây và các huyện vùng thấp chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Tày, Nùng, Dao.
Ngoài việc giao tiếp trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, tiếng nói, chữ viết của các DTTS còn được sử dụng trong các hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền. Trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, hiện có không ít nhà nghiên cứu sử dụng tiếng nói, chữ viết của các DTTS để sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, âm nhạc. Điển hình như các nhà nghiên cứu: Triệu Đức Thanh, Bàn Thị Ba, Bàn Đức Vinh (dân tộc Dao); Hùng Đình Quý, Hạng Mí De (dân tộc Mông); Mai Ngọc Hướng, Hoàng Trung Luyến, Hoàng Định, Nguyễn Thị Cấp (dân tộc Tày)… Hay tại các địa phương có đông DTTS, đa số các nội dung tuyên truyền, nhất là việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều được biên dịch song ngữ, hoặc biên soạn lại bằng tiếng dân tộc địa phương, qua đó đem lại hiệu quả tuyên truyền cao, nhất là ở vùng sâu, xa, nơi còn nhiều người dân không biết nghe, nói tiếng Việt.
Nhằm bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS, từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo bồi dưỡng chữ và tiếng Mông cho hơn 8.000 học viên. Sau khóa học, các học viên đã có thể sử dụng ngôn ngữ dân tộc để giao tiếp được trong quá trình xử lý công việc tại địa phương. Thêm nữa, năm 2019, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện: Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Quang và Hoàng Su Phì mở 4 lớp dạy tiếng dân tộc Pà Thẻn, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo cho 193 học viên. Thông qua việc mở lớp học nhằm duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các DTTS ít người; giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa các dân tộc khác trong vùng; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS trên địa bàn tỉnh hiện đang đối diện không ít hạn chế. Chưa có chính sách dành riêng cho tiếng nói, chữ viết các DTTS; do đó, công tác quản lý, bảo tồn tiếng nói, chữ viết các DTTS cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, các tài liệu về chữ viết cổ của dân tộc Tày, Dao đang ngày càng mai một, các nghệ nhân đọc và viết thông thạo chữ Nôm Tày, Dao còn rất ít, đa số tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên việc truyền dạy cho thế hệ trẻ gặp nhiều khó khăn...
Trước thực tế trên, để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết các DTTS trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, khai thác, giới thiệu văn hóa, văn nghệ bằng tiếng nói, chữ viết các DTTS; đưa tiếng nói, chữ viết các DTTS vào giảng dạy trong các trường phổ thông vùng DTTS và miền núi; đa dạng hóa hình thức sử dụng tiếng dân tộc, đặc biệt là hình thức tuyên truyền tiếng dân tộc qua các phương tiện thông tin đại chúng...
Đỗ Thị Hương Giang (Trường Chính trị tỉnh Hà Giang)