Vị Xuyên ngày ấy...
BHG - Bây giờ Vị Xuyên là miền quê an bình và có nhiều thành tựu đổi mới. Những năm 1984 – 1989, nơi đây đang là vùng chiến sự ác liệt chống quân xâm lược bảo vệ biên giới. Khi ấy tôi đang công tác tại Báo Quân khu 1, được cử đi làm phóng viên mặt trận Vị Xuyên. Đến với những người lính, những đồng đội đang chiến đấu ngoài mặt trận, với tôi luôn có sự thôi thúc bởi sức trẻ, muốn được trải nghiệm để những trang viết thêm sống động.
Vận chuyển vũ khí đạn dược lên biên giới Vị Xuyên |
Thành phố Hà Giang năm 1985 còn là một trong hai thị xã của tỉnh Hà Tuyên cũ. Tỉnh lị ở thị xã Tuyên Quang, quê tôi. Ngay cả khi đang có chiến sự ở vùng biên, thị xã miền ải Bắc này vẫn hiện ra trong sự yên tĩnh lạ thường. Dòng sông Lô xanh thẳm vẫn bình thản cuộn trôi trong tiếng nước nhẹ reo nơi ghềnh đá. Một đô thị nhỏ hẹp ở hai bên bờ sông, nối nhau bằng chiếc cầu duy nhất, xây từ thời Pháp, cầu Yên Biên. Dân cư khá thưa thớt, phố nhà ẩn mình dưới những tán cây xanh mát. Đường sá vắng vẻ, chỉ thấy những chiếc xe nhà binh và màu áo lính bao trùm... Đang là mùa mưa cuối Hạ, nghe tiếng ì ùng rền vang ở mạn Thanh Thủy, ngỡ là tiếng sấm, rồi cũng biết đích xác đó là tiếng pháo Tàu bắn sang đất ta gần như không ngớt. Hình như đã có vài quả đạn pháo tầm xa của địch bắn vào thị xã.
Liên hệ công tác ở Bộ Tư lệnh tiền phương (khu trụ sở Tỉnh ủy ngày nay) tôi gặp một đồng nghiệp là nhà báo Vũ Viết Xô, Báo Quân khu 2 đang thường trú tại đây. Thế là chúng tôi cùng dạo quanh thị xã một vòng trước khi tôi đi vào vùng chiến sự. Những cái tên Hang Gió, Hang Dơi, Đồi Đài, Đồi Cô Ích, rồi “Lò vôi thế kỷ”, “Pháo Cốc Nghè, chè Nà Toong”... lần đầu tiên tôi được nghe từ chuyện chiến đấu, hy sinh của quân ta ngoài mặt trận do anh Xô kể. Một miền đất lạ đầy hiểm nguy đang chờ đón tôi.
Đến Sư đoàn bộ 313 đóng ở Phương Tiến, tôi đã nghe tường tận hơn những tiếng pháo địch và nhìn rõ hơn những quả đạn pháo nổ tung tóe trên đồng ruộng xa xa. “Ở chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”. Câu thơ như là câu ngạn ngữ từ thời chiến tranh chống Mỹ bất chợt hiện về trong tôi. Mấy ngày nay tôi đã quen dần với những tiếng nổ này nhưng ngày càng mục sở thị sự hủy hoại của nó. Các anh ở Sư đoàn bộ 313 cử anh Thụy, trợ lý Tuyên huấn cùng tôi vào chốt. Chúng tôi đi cùng các đồng đội trên chiếc xe cứu thương Gat 66, của đơn vị vào hang Nà Cáy làm nhiệm vụ. Trên đường đi vào lúc cuối chiều, hình như qua Làng Pinh, Thụy bảo lái xe lánh tạm chờ trời tối hơn rồi hãy đi tiếp. Vì gần tới Nà Cáy địch dễ phát hiện và bắn sang. Thụy còn đưa tôi chiếc áo binh sĩ mặc thay cho chiếc áo bu dông sĩ quan. “Nếu chúng thấy một ông sĩ quan trong đội hình thì chúng chẳng thiếu gì đạn pháo để đổi lấy mục tiêu”. Thụy nói nửa đùa nửa thật, làm tôi còn phải lấy áo trùm kín khẩu k 54 đeo hông nặng trĩu.
Lái xe chọn thời điểm nhá nhem tối để vẫn còn nhìn thấy đường mà không cần phải bật đèn dễ bị lộ và phóng nhanh về phía hang Nà Cáy. Pháo địch vẫn không ngớt bắn sang. Ngồi trong ca bin tôi thấy có quả đạn pháo nổ khá gần. Đến cửa hang, Thụy bảo tôi: “Tối nay mình nghỉ ở đây, gần sáng ta theo anh em vào sở chỉ huy Trung đoàn 982”. Rồi Thụy dẫn tôi vào “phòng” ngủ cùng mấy anh em bộ đội. Phòng nghỉ là một hườm đá to và thấp, phải nằm xuống rồi lựa mình vào. Ngửa mặt nhìn tảng đá to đùng lờ mờ bên trên tôi chợt thấy dờn dợn và cứ nghĩ lung tung... Một lát rồi cũng thiếp đi vì khá mệt.
Hang Nà Cáy một bên có hang rộng nên làm trạm phẫu tiền phương còn một bên hang hẹp và có nhiều tầng bậc để đơn vị hậu cần và bộ đội qua lại tạm trú. Nghe nói trên lưng chừng hang có một nơi lính ta gọi là “Quán phong lan”. Bởi có khá nhiều hoa Phong lan và là nơi đôi khi lính ta ngồi uống trà Chốt, ngắm cảnh non sông giữa hai trận đánh. Trên đỉnh hang là trận địa cối của quân ta. Gần sáng chúng tôi bám theo một đơn vị vào chốt để tới sở chỉ huy Trung đoàn. Biết tôi muốn viết về đơn vị lập công đánh chiếm lại đồi A6 vừa mới đây, các anh chỉ huy bảo Thụy đưa tôi xuống C5 đóng ở Làng Pinh.
Sau những chặng đường vượt đèo dốc, lúc đi lúc chạy, luôn canh chừng pháo địch, mồ hôi ướt đẫm mệt nhoài, chúng tôi tìm đến một hang nhỏ ở Làng Pinh. Tôi không thể tin vào mắt mình khi đón tôi lại là hai sĩ quan học cùng khóa với tôi ở Lục quân 2, ra trường năm 1982. Đại đội trưởng Tạ Bá Khiêm và Chính trị viên đại đội Triệu Quốc Thu. Chúng tôi ôm lấy nhau mừng khôn xiết. Rồi trận đánh dũng mãnh của đại đội Khiêm và Thu chiếm lại Đồi A6 được các anh tái hiện lại... Cũng từ buổi ấy chúng tôi bặt tin nhau. Hy vọng có ngày tái ngộ.
Vị Xuyên từ những năm tháng ấy đã trở thành niềm tự hào của cả đất nước trong cuộc chiến bảo vệ biên cương Tổ quốc. Tôi đã hiểu vì sao có cái tên rất thiêng liêng: Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên. Nhiều ngàn chiến sĩ và đồng bào ta đã hy sinh xương máu, tính mạng mình vì mảnh đất này. Có một ngày giỗ trận ở nơi đây trong tháng 7, giúp chúng ta ghi nhớ thêm ân nghĩa lớn lao.
Nguyễn Quốc Trí