Mùa trám rụng miền rừng
BHG - Từ lâu quả trám rừng được coi là món ăn đặc sản của người miền núi. Ở Hà Giang quê tôi hầu như cánh rừng nào cũng có một cây trám xanh, cây lớn và sai quả, khi đến mùa trở thành tâm điểm của cánh rừng. Hương thơm dịu và vị bùi đậm đà khiến quả trám trở thành một món ngon khó cưỡng trong mùa Hè.
Những quả trám rừng trở thành mặt hàng của bà con trong các buổi trợ phiên. |
Nhà tôi gần rừng, cách nhà hơn 500 m là cây trám lớn nhất bản năm nào cũng sai trĩu cành. Cây trám thường cao lớn khó trèo, cành khá giòn dễ gãy nên ít ai dám trèo lên cây để hái quả, chỉ có thể chờ trám rụng do gió. Buổi sáng là thời điểm người trong xóm dậy thật sớm để nhặt trám. Có hôm sau cơn mưa to, gió lớn cả xóm cùng nhau ra vạch lá nhặt trám mang về. Cũng có hôm chủ của cây trám rủ đám thanh niên trẻ khỏe để ném trám, từng đoạn cây tươi dài tầm 50 cm, và những hòn đá được quăng lên vun vút nhắm vào những cành trám trên cao tít. Thi thoảng mới có cú ném trúng, trám rụng rào rào càng làm hưng phấn cho các tay “xạ thủ”. Một lượt ném như thế kéo dài tầm 15 phút rồi dừng tay cùng nhau xuống thu nhặt trám rồi lại ném lần nữa. Đó là cách thu hái trám thủ công của người miền rừng chúng tôi, có người bày cách đóng đinh vào thân cây để trám tự rụng chỉ việc nhặt về rất nhàn nhưng vì lo mỗi năm đều đóng đinh vào thân hại cây trám nên cũng chưa ai làm theo.
Những chùm quả trĩu cành. |
Quả trám có vị chua, chát, và ngọt hậu, thường khi ăn một quả trám tươi xong vị ngọt sẽ xuất hiện trong khoang miệng, nếu lúc này uống nước sẽ thấy ngọt hơn. Trám là món ngon trong bữa cơm vào mùa Hè, quả trám xanh có thể chế thành nhiều món, nấu với nhiều đồ ăn khác. Trám kho thịt là món phổ biến và dễ làm nhất, quả trám để nguyên hoặc đập dập kho với thịt ba chỉ là hợp nhất, hương vị của quả trám ngấm vào từng miếng thịt là một món khoái khẩu rất tốn cơm ngày nắng nóng. Quả trám hầm thịt gà, nấu canh hoặc kho với cá cũng đều hợp vị và hương của trám át đi mùi tanh làm thịt, cá ngọt hơn. Hoặc đơn giản nhất là món trám tần, quả trám được rửa sạch, đập dập rồi đổ nước sôi vào, chế thêm gia vị gừng, rau mùi tàu là đã thành món đưa cơm. Trám có thể để lâu bằng cách muối như măng chua, cải… quả trám tách đôi, bỏ hạt được cho vào chum rắc muối rồi đổ ngập nước để ăn dần. Trám đen còn có thể đồ với xôi cũng là món đặc sản không phải ai cũng được thưởng thức. Nhà tôi đời nào cũng đều trồng 1 cây trám. Tôi lớn lên đã thấy trong mảnh vườn trước nhà có 1 cây trám thân bằng một vòng ôm trẻ con, mỗi năm đều đậu quả rất sai, là loại trám nếp, thịt mềm ít vị chát, róc hạt khi nấu các món. Sau này khi nhà chú tách ra ở riêng, nền nhà sàn đúng chỗ cây trám nên phải chặt bỏ đi dù rất tiếc. Gần như ngay sau khi chặt cây trám, bố tôi đã ươm hạt từ cây trám lớn trồng 2 cây sau nhà, giờ đây cả 2 cây đều cho quả dư để chia cho anh em họ hàng.
Bà nội tôi là người thích ăn trám nhất, mỗi bữa cơm với bà chỉ cần 1 quả trám sống chấm muối là đủ. Mùa trám nào bà cũng kể chuyện xa xưa, thời đi nhặt trám trên rừng phải dậy thật sớm nếu không sẽ không kịp những con nai, hoẵng rừng, trám là món khoái khẩu của những con vật tinh nhanh đó. Có những đêm người nằm ở lều nghe tiếng tác biết là lũ nai, hoẵng quanh quẩn bên cây trám đợi quả rụng để ăn. Giờ những cây trám đó vẫn còn, quả vẫn sai như trước nhưng dấu chân nai, hoẵng đi nhặt quả quanh gốc đã không còn. Qủa trám không còn ai tranh phần nhưng người nhặt trám cũng đã ít đi, chỉ còn những người ưa thích đồ rừng, chịu khó lội rừng mới đi tìm trám về ăn hoặc bán ngoài chợ phiên mà thôi. Dù vậy quả trám vẫn chiếm phần quan trọng trong ẩm thực miền rừng, với hương vị đặc biệt cùng với tính lành, sạch vẫn là món ăn tao nhã in đậm trong tâm thức người miền núi.
Bài, ảnh: Trọng Toan