Âm nhạc trong đời sống văn hóa tinh thần của người Cờ Lao
BHG - Trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, âm nhạc là một phần không thể thiếu góp phần tạo nên bản sắc riêng. Mặc dù là dân tộc đặc biệt ít người nhưng người Cờ Lao ở xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) hiện vẫn lưu giữ kho tàng âm nhạc dân gian đồ sộ, trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần và được các thế hệ luôn trân trọng gìn giữ, lưu truyền.
Nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ truyền thống trong Lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc Cờ Lao năm 2018. |
Người Cờ Lao xã Túng Sán thuộc nhóm Cờ Lao đỏ có nguồn gốc từ tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước đã tạo nên bước chuyển biến cơ bản về đời sống kinh tế và văn hoá, xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số. Điều đó đã và đang tác động, ảnh hưởng đến nhiều mặt của cuộc sống cộng đồng các dân tộc ít người, trong đó có dân tộc Cờ Lao.
Mặc dù vậy, người Cờ Lao vẫn luôn có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, thông qua việc gìn giữ tiếng nói, trang phục, nghi lễ truyền thống. Và đặc biệt là âm nhạc, nhạc cụ truyền thống, diễn xướng dân gian... tạo nên bản sắc riêng trong âm nhạc dân gian. Theo nghiên cứu, người Cờ Lao xã Túng Sán hiện đang thừa hưởng và lưu giữ kho tàng âm nhạc dân gian đồ sộ gồm những bài hát dân ca được lưu truyền miệng trong cộng đồng.
Với các dân tộc ít người khác, giai điệu âm nhạc thường theo một mô típ nhất định, còn người Cờ Lao xã Túng Sán thì giai điệu và nội dung âm nhạc tương đối đa dạng, đề cập đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống, nhiều nhất là những bài hát về tình yêu đôi lứa, hát giao duyên. Tùy theo từng hoàn cảnh mà họ hát những bài hát có nội dung và giai điệu khác nhau, âm nhạc hiện hữu trong mọi lĩnh vực của đời sống. Khi có khách thì hát mời rượu thể hiện lòng mến khách, lúc lại hát trên nương khi đang hái chè hoặc thu hoạch Thảo quả, lúc thì hát trong đám cưới để răn dạy đôi vợ chồng trẻ, khi lại hát để giao duyên, tỏ tình với người mình thương... Cứ thế, âm nhạc đã ăn sâu, bén rễ trong đời sống văn hóa tinh thần của người Cờ Lao, giúp họ xua đi mệt nhọc sau những ngày lao động vất vả và giúp gắn kết cộng đồng, làng bản.
Khi có khách đến chơi nhà, bên bếp lửa ấm cúng, người Cờ Lao thường hát bài “Mời rượu”: “Hai chén rượu/ Đầy lại đầy hơn/ Nhờ em nói hộ lòng anh/ Đang tràn đầy nhiều điều như mười chén rượu...” để nói lên tình cảm, tấm lòng chân thành, mến khách của mình. Những đôi trai, gái yêu nhau cũng thường mượn lời ca, tiếng hát để bày tỏ tình cảm với người mình thương: “Bố mẹ nói anh không theo hàng lối/ Quyền cao chức trọng anh chẳng mơ/ Chỉ mong về sau có em giúp anh mọi sự...”.
Trong những dịp diễn ra lễ cưới hỏi, ông bà, cha mẹ, các bậc bề trên cũng thường răn dạy đôi vợ chồng trẻ về đạo làm con, nghĩa vợ chồng bằng lời ca, tiếng hát: “Nặng nhọc giúp nhau làm/ Ốm đau giúp nhau thuốc/ Được ăn không quên đũa/ Được ở không quên ơn cha mẹ...”. Hoặc phê phán thói cờ bạc: “Tháng năm chơi bạc rằm tháng năm/ Con người chơi bạc chịu thiệt thòi/ Tháng bảy chơi bạc rằm tháng bảy/ Người chơi bạc không có cơm ăn”... Ngoài ra, âm nhạc còn được người Cờ Lao sử dụng trong những dịp hội hè, cúng tế hoặc tang ma và sử dụng các nhạc cụ kèm theo như: Kèn, trống, chiêng, kèn lá, tù và.
Với người Cờ Lao, âm nhạc là một sự giải tỏa tâm tình, là cách biểu lộ, bộc bạch về những ước mơ, những khát vọng trong cuộc sống. Giữa nhịp sống ngày càng hiện đại, âm nhạc dân gian như vẫn như mạch máu âm thầm chảy trong các thế hệ người Cờ Lao. Và những làn điệu dân ca vẫn vang vọng khắp các nương chè, Thảo quả: “Người thương ơi, nếu có nhớ đến em thì hãy lên đỉnh núi cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh/ Sẽ gặp em trong muôn ngàn sắc hoa của núi rừng quê hương…”.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG