Ruộng bậc thang trong đời sống của đồng bào rẻo cao Hoàng Su Phì
BHG - Để có thể canh tác lúa nước trên địa hình đồi núi dốc, từ hàng trăm năm về trước, đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã sáng tạo, khai phá và hình thành nên những thửa ruộng bậc thang. Việc khai phá ruộng được nối tiếp qua nhiều thế hệ với những vốn tri thức dân gian riêng có được lưu truyền, bởi vậy với đồng bào rẻo cao Hoàng Su Phì, những thửa ruộng bậc thang không chỉ đơn thuần là nơi canh tác lúa mà là cả công trình nghệ thuật, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của các dân tộc.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín. |
Ruộng bậc thang ở vùng cao là phương thức canh tác lâu đời, được thực hiện qua nhiều thế hệ là sản phẩm thể hiện trí tuệ, sức chinh phục thiên nhiên của người dân miền núi. Để tạo nên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, kỳ vỹ như ngày nay, cộng đồng các dân tộc huyện Hoàng Su Phì đã phải trải qua quá trình lao động mệt nhọc, cần cù, sáng tạo, khéo léo và tính toán kỹ lưỡng từ việc lựa chọn vùng đất, khai phá, đắp bờ, dẫn nước. Việc khai phá ruộng bậc thang đòi hỏi kỹ thuật và địa hình thích hợp. Tùy vào thế đất, địa hình của từng vùng mà tạo nên những khoảnh ruộng rộng, hẹp, dài, ngắn, cao, thấp khác nhau.
Ruộng bậc thang hầu hết ở địa hình đất dốc, các dòng suối đều ở dưới chân ruộng và mạch nước thì nằm ở trên đỉnh hoặc ngang lưng núi. Khi khai phá những thửa ruộng mới, đồng bào sẽ lựa chọn những mảnh đất màu mỡ ở sườn núi rồi cuốc, ủi thành các tầng bậc. Đường viền ruộng thường được đắp bằng đất và đá men theo mặt địa hình tự nhiên. Trong quá trình tạo mặt bằng ruộng, đồng bào thường lấy mực nước để làm thước đo, tránh bề mặt ruộng bị lồi, lõm. Việc dẫn nước vào ruộng cũng phải hợp lý, khoa học đảm bảo các chân ruộng đều nhận được nước. Để tạo ra những thửa ruộng bậc thang hàng trăm tầng bậc phải mất hàng trăm năm, với nhiều thế hệ đời này nối tiếp đời kia mới tạo nên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, trải dài theo các sườn núi như ngày nay.
Qua khảo sát, hầu hết các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đều nắm giữ được kỹ thuật làm ruộng bậc thang như dân tộc La Chí, Tày, Nùng, Dao… Tuy nhiên, mỗi dân tộc đều có những kinh nghiệm và kỹ thuật khác nhau. Nếu mùa khai phá ruộng của người Dao ở Bản Luốc, Sán Sả Hồ thường bắt đầu ngay sau khi ăn Tết xong thì người La Chí ở Bản Phùng lại khai ruộng vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch. Đối với người Dao đỏ ở xã Hồ Thầu, cứ mỗi khoảng ruộng họ lại trừ ra một khoảng rừng nhỏ vây quanh ruộng để giữ đất khỏi sạt lở; còn người La Chí ở xã Bản Phùng lại giữ lại lớp đất trên bề mặt, sau khi khai ruộng xong thì trải lớp đất đó lên và canh tác ngay.
Là kết tinh của quá trình lao động cần mẫn và sáng tạo, những thửa ruộng bậc thang không chỉ giúp đồng bào đảm bảo an ninh lương thực mà còn được coi là thứ tài sản quý giá, trao tặng cho con cái khi dựng vợ, gả chồng. Trải qua hàng trăm năm, từ phương thức canh tác nông nghiệp độc đáo ấy còn hình thành những phong tục, tập quán, tín ngưỡng trong nông nghiệp với các nghi lễ cúng, cầu mùa, chứa đựng chiều sâu văn hóa của các tộc người sinh sống trên địa bàn. Điển hình có thể kể đến Lễ Cầu mùa của dân tộc Dao đỏ; Lễ xin giống, Lễ đóng cửa kho của người La Chí; Lễ mừng cơm mới của dân tộc Tày, Nùng…
Không chỉ đem lại những “mùa vàng” no ấm cho người dân mà ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì còn tạo nên một sản phẩm du lịch hút khách, bởi giá trị thẩm mỹ cao và giàu tính nghệ thuật. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, trải dài đến tận chân trời nằm giữa khung cảnh núi non bao la, kỳ vỹ tạo nên một vẻ đẹp mê hoặc làm say lòng lữ khách. Năm 2012, ruộng bậc thang tại 6 xã của Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận Di tích Quốc gia. Đến năm 2017, có thêm 5 xã được bổ sung vào danh sách ruộng bậc thang nằm trong vùng di sản. Đến nay, toàn huyện có 2.196,4 ha ruộng bậc thang trong vùng di sản được bảo vệ. Đây là những xã có danh lam, thắng cảnh ruộng bậc thang tiêu biểu, được xếp vào loại đẹp nhất Việt Nam với lịch sử trên dưới 300 năm. Vài năm trở lại đây, huyện Hoàng Su Phì đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với thương hiệu di sản ruộng bậc thang, lượng khách du lịch đến huyện ngày càng tăng, đặc biệt là vào mùa lúa chín, đóng góp đáng kể vào mục tiêu giảm nghèo, phát triển KT – XH của huyện.
Là phương thức sản xuất nhưng lại chứa đựng chiều sâu văn hóa của mỗi tộc người sáng tạo nên, vì vậy dù trải qua bao đời, ruộng bậc thang vẫn luôn giữ một vị trí vô cùng đặc biệt đối với đồng bào rẻo cao Hoàng Su Phì và được các thế hệ hôm nay tiếp tục gìn giữ và phát huy.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc