Tân Phong rạng rỡ sắc Xuân
BHG - Chúng tôi tìm về thôn Tân Phong, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) khi những cành Đào phai vẫn còn vẹn nguyên sắc thắm. Bản nhỏ người Dao đang khoác lên mình chiếc áo rực rỡ sắc Xuân bởi những chồi non, lộc biếc và bởi những háo hức, tươi vui của lòng người khi chứng kiến mảnh đất quê hương đang “thay da, đổi thịt” từng ngày.
Bungalow nghỉ dưỡng của HTX Du lịch Hồ Thầu Ecovilla đang khẩn trương hoàn thiện, đưa vào sử dụng. |
Con đường uốn lượn bên sườn núi đã được bê tông sạch đẹp dẫn chúng tôi về với bản người Dao - thôn Tân Phong. Dọc con đường là những cánh đồng trồng rau xanh mướt mắt của người dân, hòa cùng sắc thắm của những loài hoa rừng và khói bếp tỏa trên những nếp nhà nhỏ xinh tạo nên cảnh sắc thật thanh bình và thơ mộng. Nơi đây có 49 hộ đồng bào Dao đỏ quần tụ sinh sống. Với các chính sách hỗ trợ, đầu tư của tỉnh, huyện cùng sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó của các hộ dân đã đem đến diện mạo ngày càng ấm no hơn cho bản nhỏ này.
Trưởng thôn Triệu Tà Pú đón chúng tôi với cái bắt tay thật chặt. Anh phấn khởi cho biết: Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của các loại cây rau màu và cây ăn quả, những năm gần đây, các hộ dân trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng các giống mới vào sản xuất. Điển hình như mô hình trồng Dâu tây, rau an toàn, thành lập các nhóm cùng sở thích để hỗ trợ nhau trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt. Đặc biệt, tận dụng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên do thôn nằm ngay dưới chân núi Chiêu Lầu Thi nên nhiều hộ đã liên kết lại để phát triển du lịch. Nhờ đó, vài năm trở lại đây, đời sống của bà con được nâng lên đáng kể.
Vườn Dâu tây của chị Triệu Mùi Sai, thôn Tân Phong. |
Ghé thăm vườn Dâu tây đang chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình chị Triệu Mùi Mủi, chúng tôi không khỏi khâm phục trước tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm của bà con nơi đây. Thôn Tân Phong nằm dưới chân núi Chiêu Lầu Thi, có điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương có thể phù hợp với cây Dâu tây, một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nên cách đây hơn 1 năm, một số hộ dân trong thôn đã mạnh dạn mang Dâu tây về trồng thử nghiệm. Nhờ tích cực tìm hiểu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong khâu trồng và chăm sóc nên chỉ sau vài tháng, cây Dâu tây đã bén rễ trên mảnh đất Tân Phong. Sau khảng 4 tháng trồng, cây đã cho thu hoạch những lứa quả ngọt đầu tiên.
Chị Triệu Mùi Mủi chia sẻ: Ban đầu, khi trồng thử nghiệm Dâu tây, tôi cũng khá lo lắng, sợ cây sẽ không phù hợp với chất đất và khí hậu. Sau khi thu hoạch lứa quả đầu tiên, nhận thấy giá trị kinh tế từ giống cây này, tôi đã tuyên truyền và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc Dâu tây cho một số hộ lân cận. Hiện nay, trong thôn có 5 hộ trồng, với tổng diện tích khoảng trên 1 ha. Với đặc điểm quả đỏ, mọng, thơm ngon, nên Dâu tây của thôn bán được giá khá cao, giao động từ 120 – 150 nghìn đồng/kg. Nếu cần cù, chịu khó trong quá trình chăm sóc thì thu nhập từ Dâu tây sẽ cao hơn nhiều so với một số loại hoa màu truyền thống.
Không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm gần đây, người dân thôn Tân Phong đã đổi thay nhiều trong nếp nghĩ, cách làm. Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như trước, giờ đây người dân trong thôn đã liên kết lại, thành lập các nhóm cùng sở thích để giúp đỡ nhau và cùng chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, thôn đã hình thành một số nhóm cùng sở thích như: Nhóm sở thích chăn nuôi gà; trồng và chế biến chè; trồng dược liệu… Đồng thời, tích cực mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa để nâng cao giá trị kinh tế, gia tăng thu nhập.
Tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nằm trên cung đường khám phá đỉnh núi Chiêu Lầu Thi hùng vỹ, vài năm trở lại đây, các hộ dân trong thôn đã mạnh dạn phát triển dịch vụ, du lịch để nâng cao thu nhập. Hiện, thôn đã thành lập được HTX Du lịch Hồ Thầu Ecovilla với 7 thành viên; HTX đang xây dựng bungalow gồm 10 phòng nghỉ, phục vụ hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng của du khách. Ngoài ra, một số hộ dân cũng chủ động chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, đầu tư mua sắm vật dụng để làm dịch vụ homestay ngay tại những ngôi nhà của mình.
Cùng với việc thi đua tăng gia sản xuất, “luồng gió” Nông thôn mới đem đến một sức sống mới cho Tân Phong. Người dân trong thôn đã tích cực đóng góp ngày công lao động và hiến hàng nghìn m2 đất để bê tông hơn 10 km đường trục thôn và nhánh hộ. Giờ đây, các tuyến đường trong thôn được cứng hóa 100%; các hộ dân đều có nhà ở kiên cố, được sử dụng điện lưới quốc gia, trẻ em được đến trường đúng độ tuổi, 100% hộ có 3 công trình vệ sinh. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 36 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10%.
Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, cùng với các thôn khác trong xã, người dân thôn Tân Phong đón Xuân mới trong niềm hân hoan, phấn khởi khi xã nhà vừa được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Những cung đường bê tông sạch đẹp, những vườn rau trái tốt tươi và những ngôi nhà khang trang, kiên cố cùng những khuôn mặt háo hức, tươi vui… tất cả tạo nên một sắc Xuân rạng rỡ nơi bản nhỏ Tân Phong.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc