Huyền bí… nhảy lửa
BHG - Dưới ánh trăng mờ của tháng cuối năm, chúng tôi cùng chờ đợi một nghi lễ đặc sắc của người Dao đỏ sắp được diễn xướng. Một đống lửa lớn được chuẩn bị đang bùng cháy tỏa ra hơi ấm xua đi cái lạnh của mùa Đông. Bản Lùng Vùi, xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) chuẩn bị vào lễ nhảy lửa - lễ hội mang đậm bản sắc núi rừng và tâm linh của người Dao đỏ nơi đây.
Hoa than tung bay sau cú nhảy của chàng trai người Dao đỏ. |
Từ lâu, lễ nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, dân tộc Dao đỏ ở Hà Giang đã trở thành nghi lễ đặc biệt được nhiều người gần xa háo hức thưởng thức. Đời sống gắn bó với núi rừng và thiên nhiên, người Dao đỏ xã Thượng Sơn có đời sống tâm linh phong phú, không kém phần huyền bí. Lửa được coi là vị thần quan trọng trong đời sống của dân tộc Dao đỏ, đối với họ, lửa không chỉ gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày mà đã đi vào đời sống tâm linh thông qua nghi lễ cúng và nhảy lửa đậm chất hoang dã miền sơn cước. Lễ nhảy lửa thể hiện cho sức mạnh chế ngự và hài hòa của con người với tự nhiên, là dịp để tỏ lòng biết ơn trời đất, tổ tiên ban cho mùa màng tốt tươi và cầu bình an cho năm mới. Đây cũng là hoạt động mang tính kết nối cộng đồng cao của người Dao đỏ. Cùng với cộng đồng người Dao đỏ huyện Hoàng Su Phì, những người Dao đỏ sinh sống ở xã Thượng Sơn đã bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ nhảy lửa gắn với phát triển du lịch.
Ông Triệu Chòi Vản, thôn Bản Khoét, xã Thượng Sơn - thầy cúng chính trong lễ nhảy lửa lần này cho biết: Lễ nhảy lửa có ý nghĩa xua đuổi những điều không may mắn trong năm cũ, cầu mong sức khỏe, mùa màng tốt tươi trong năm mới. Đối với các thầy cúng, trong một năm thường đứng ra làm nhiều lễ cấp sắc cho người dân trong cộng đồng sẽ tham gia nhảy lửa để tẩy trần. Lễ nhảy lửa thường tổ chức từ ngày mùng 1 Tết âm lịch đến Rằm tháng Giêng hàng năm. Bài cúng trong lễ nhảy lửa thường có nội dung cầu xin may mắn, mùa màng tốt tươi cho cả cộng đồng dân tộc. Những người tham gia nhảy lửa thường được thần linh lựa chọn và có tính truyền nối từ cha sang con.
Màn nhảy lửa bắt đầu khi tất cả cộng đồng Dao đỏ vây quanh đống lửa cháy đượm, than đã đỏ rực. Thầy cúng đọc bài cúng với tiết tấu dồn dập hơn, trên chiếc ghế ngang gần đó, những người đàn ông trong trang phục truyền thống của người Dao đỏ được lựa chọn đang lắc lư theo nhịp điệu tiếng trống và bài cúng. Cơ thể họ dần thoát khỏi thực tại và chìm vào một cõi riêng kỳ bí, càng lúc càng run rẩy và lắc lư mạnh. Rồi khi nhưng tiếng nói thì thầm từ đâu vọng về, họ cùng nhau đứng lên, chân nhảy theo nhịp cùng tiến về đống than đỏ rừng rực. Những người đàn ông lực lưỡng với đôi chân trần lao vào đống than cháy đỏ không chút sợ hãi. Hoa than được những đôi tay trần bốc tung lên giữa nền trời đêm rực rỡ và kỳ bí. Giữa những tiếng hò reo của người xem, các chàng trai cứ thế biểu diễn một nghi lễ bí hiểm và không kém phần đẹp mắt. Để rồi giữa những tiếng hò reo, kính nể, phát ra tiếng ai đó đầy thán phục rằng “đàn ông người Dao đỏ đúng là mạnh mẽ nhất miền sơn cước này”. Cứ thế, màn nhảy lửa diễn ra cuốn hút người xem đến nỗi kết thúc lúc nào cũng không hay nữa. Sau khi những chàng trai kết thúc màn nhảy lửa, đống than lửa đã được tung ra khắp nơi, trên mình họ ướt đẫm mồ hôi nhưng không ai tỏ ra đau đớn hay bị bỏng. Những người xem hiếu kỳ đến kiểm tra và xem chân, tay trần vừa dẫm lên than đỏ có bị bỏng không. Anh Bàn Chòi Kinh - vừa kết thúc bài nhảy lửa cho biết: Để được chọn nhảy lửa phải là đàn ông khỏe mạnh, đồng thời phải được học các bài cúng về nhảy lửa từ nhỏ. Trước ngày lễ nhảy lửa 3 ngày, những người được chọn phải ăn kiêng, không được gần gũi vợ và tắm rửa sạch sẽ trước khi bước vào lễ. Hồi hộp, háo hức và phấn khích là cảm giác của những người đến xem. Quây tròn bên đống lửa cháy rực, những người dân miền rừng cũng gửi gắm những niềm tin, ước nguyện may mắn của mình vào lễ nhảy lửa. Để khi các chàng trai gan dạ nhảy múa và lăn mình vào đống than đỏ những tiếng hò reo tán thưởng được cất lên vang vọng núi rừng xua đi giá lạnh.
Với những nghi lễ đặc sắc và đậm chất văn hóa bản địa, lễ nhảy lửa của người Dao đỏ huyện Vị Xuyên đã được Bộ VHTT và DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Bài, ảnh: Trọng Toan
Ý kiến bạn đọc