"Trồng người" nơi cực Bắc - Kỳ 2: Nâng cao chất lượng giáo dục
BHG - Xác định giáo dục là quốc sách, là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng sự phát triển KT – XH, tỉnh đặc biệt quan tâm, đầu tư, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh trong giờ thực hành. |
Toàn tỉnh hiện có trên 820 cơ sở giáo dục, trong đó có 212 trường Mầm non, 173 trường Tiểu học, 154 trường THCS, 45 trường TH&THCS, 10 trường THCS&THPT, 22 trường THPT, 9 Trung tâm GDNN-GDTX huyện, 1 trường Trung cấp DTNT-GDTX Bắc Quang; 1 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh; 1 trường CĐSP và 193 trung tâm học tập cộng đồng. Có 236 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 38,31%. Tổng số phòng học là 35.694 phòng, trong đó 16.451 phòng kiên cố, 9.078 phòng bán kiên cố, 3.241 phòng học tạm và 6.924 phòng học mượn, nhờ, thuê.
Để đảm bảo nhu cầu dạy học, tỉnh lồng ghép các nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục; ưu tiên đầu tư cho các trường phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia, trường tại các xã đạt chuẩn NTM và các trường vùng sâu, vùng xa, biên giới khó khăn. Trên cơ sở rà soát thực trạng và nhu cầu về các phòng, lớp học, ngành Giáo dục đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 với mục tiêu tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp, học đạt 75%.
Trường Mầm non Thanh Vân (Quản Bạ) được đầu tư khang trang. |
Các địa phương cũng vào cuộc quyết liệt, quan tâm, đầu tư; công tác xã hội hóa giáo dục được triển khai mạnh mẽ, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước. Năm học 2019 - 2020, huy động xã hội hóa được trên 150 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật phẩm, ngày công, tiền mặt cho các trường, nhất là các cơ sở giáo dục khó khăn. Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các trường học cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy học, đặc biệt là yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày đối với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong quản lý và giảng dạy; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở GD&ĐT rà soát đội ngũ giáo viên; tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên; lựa chọn sách giáo khoa lớp 1; huy động nguồn lực, đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả.
Là một trong những lá cờ đầu của ngành Giáo dục, những năm qua, huyện Vị Xuyên đã đầu tư, xây dựng, kiên cố hóa trường, lớp học; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi tuổi đến trường đạt 99,5 %, 6 -14 tuổi đến trường đạt 99,4%; tỷ lệ chuyển lớp cấp Tiểu học đạt 95,77%, THCS đạt 98,6%, THPT đạt 99,1%; đạt 146 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và 6 giải Cuộc thi KHKT cấp tỉnh. Toàn huyện có 28 trường đạt chuẩn quốc gia.
... Vượt qua khó khăn, thách thức, ngành Giáo dục huyện Xín Mần cũng gặt hái được nhiều thành công, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tô Quang Trọng, cho biết: “Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng cơ bản nhiệm vụ dạy và học; UBND huyện đã triển khai kế hoạch phát động thi đua nâng cao chất lượng giáo dục, chỉnh trang khuôn viên trường lớp, quản lý, chăm sóc học sinh nội trú, bán trú. Đến nay, các cơ sở giáo dục đang thực hiện 100 lớp học kiểu mẫu và các câu lạc bộ học tập với hơn 2.500 học sinh tham gia; thường xuyên tổ chức các cuộc thi, hội thi giao lưu cấp trường, cấp huyện; 100% trường học xây dựng cảnh quan, chỉnh trang khuôn viên trường học sáng, xanh, sạch, đẹp, thân thiện. Trong năm học, huyện hỗ trợ 570 triệu đồng và huy động xã hội hóa trên 1,3 tỷ đồng, hơn 1.000 ngày công chỉnh trang khuôn viên, trường lớp học; đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, rèn nếp sinh hoạt, học tập, giữ gìn vệ sinh, trồng rau xanh cho học sinh bán trú. Đặc biệt, huyện thực hiện hiệu quả Đề án giáo dục kỹ năng sống, đưa văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số vào truyền dạy trong nhà trường; chuyển học sinh tiểu học từ điểm trường về trường chính; xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia”.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, từng cấp học căn cứ hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, triển khai nhiệm vụ năm học hiệu quả. Hiện, 100% trường Mầm non triển khai chuyên đề “Xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; chuyên đề giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường Mầm non; đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Tỷ lệ học sinh Tiểu học duy trì học 2 buổi/ngày đạt 66,4%. Đối với giáo dục THCS, THPT, tiếp tục triển khai các hình thức và phương pháp dạy học mới, như: Xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống; kích thích, khơi dậy lòng say mê nghiên cứu khoa học, phát huy trí tuệ, kiến thức từ thực tiễn của cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên. Xây dựng các mô hình giáo dục hay, hiệu quả, như: Trường chất lượng cao; giữ gìn nét văn hóa dân tộc Clao, hát tiếng Nùng ở Hoàng Su Phì; “Lớp học kiểu mẫu” ở Xín Mần; “Giỏ sách mini” ở Mèo Vạc; rèn công tác nội vụ đối với học sinh bán trú và thư viện xanh, góc văn hóa truyền thống ở các trường trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với di sản tại huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần... Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 99,66%; 6 - 14 tuổi đến trường đạt 99,08%; tỷ lệ duy trì sỹ số học sinh trung bình đạt trên 98%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt 88,07%; tỷ lệ xếp loại năng lực học tập và tỷ lệ giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi các cấp học tăng lên theo từng năm; từng bước xóa dần khoảng cách trình độ giáo dục so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Kỳ cuối: Kiên định mục tiêu đổi mới
[links()]
Ý kiến bạn đọc