"Trồng người" nơi cực Bắc - Kỳ 1: "Cõng chữ" lên non
BHG - Với địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nhiều điểm trường vùng sâu, vùng xa, biên giới; cơ sở vật chất còn tạm bợ... khiến con đường đến trường của thầy, trò nơi miền cực Bắc Tổ quốc lắm gian nan.
Cô Mai Thị Lương giáo viên điểm trường thôn Tả Lủng, xã Vần Chải (Đồng Văn) có 18 năm công tác tại điểm trường. Ảnh: P.v |
20 năm tuổi nghề nhưng có đến 18 năm công tác tại điểm trường, cô Đỗ Thị Liên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Sủng Trái (Đồng Văn) thấu hiểu những nhọc nhằn mà giáo viên vùng cao đã, đang trải qua để bám trường, bám lớp, mang “con chữ” đến với trẻ em miền biên viễn. Chia sẻ về cuộc hành trình đang đi, cô Liên nghẹn ngào: Khó khăn không thể nói hết bằng dăm ba câu chuyện, đó là cả những tháng ngày dài chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng nghỉ. Chẳng nhớ con đường “cõng chữ” lên với các điểm trường tôi đã bao lần ngã xe; những hôm mưa gió, trời Đông mây mù khắp lối, lạnh thấu xương, cũng có lúc chạnh lòng, nhưng nhìn những ánh mắt ngây thơ, trong sáng, khát khao đến lớp của các con, tôi lại có thêm quyết tâm.
Tiết học ngoại khóa của học sinh Trường Mầm non Thanh Vân (Quản Bạ). |
Cùng với tình yêu nghề và nỗ lực vươn lên trong công tác, thầy Ngô Quang Cường, giáo viên Trường PTDTBT TH&THCS Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) có 22 năm bám điểm trường; cô Mai Thị Ngân, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Sủng Là (Đồng Văn) có 18 năm công tác ở điểm trường; thầy Nguyễn Thế Mạnh, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Minh Tân (Vị Xuyên) có 24 năm kinh nghiệm giảng dạy tại điểm trường... Một số thầy, cô giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng vẫn luôn nỗ lực vươn lên trong công tác như: Cô Vũ Kim Hoa, Trường Mần non Thanh Đức (Vị Xuyên), chồng mất 17 năm, một mình nuôi con và đi dạy cách nhà 60 km; thầy giáo Lê Mạnh Hùng, Trường THCS Lý Tự trọng (Vị Xuyên) có con bị bệnh hiểm nghèo, phải điều trị dài ngày tại Bệnh viện Huyết học T.Ư; cô giáo Nguyễn Thị Chuyền, Trường Mầm non Sủng Là, chồng mất từ năm 2007, bản thân bị bệnh hiểm nghèo, một mình nuôi con... Nhiều giáo viên, không chỉ phải xa gia đình, chồng, vợ mà còn phải nén nỗi nhớ thương khi những đứa con thơ dại đang tuổi ẵm bồng đã phải gửi về nhờ ông bà ở quê trông giúp; nhiều nữ giáo viên vì bám lớp, bám trường mà lỡ cả tình duyên. Khó khăn bộn bề, nhưng các thầy, cô luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp trường, huyện, tỉnh; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; lao động tiên tiến, được nhận Giấy khen, Bằng khen của các cấp và ngành Giáo dục.
Thầy Vũ Khắc Lân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Minh Tân (Vị Xuyên), chia sẻ: “Trường có 7 điểm trường, trên 10 giáo viên đang công tác tại các điểm trường với điều kiện đi lại và cuộc sống rất khó khăn. Bên cạnh đó, các thầy, cô giáo công tác tại trường chính cũng đang thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa giảng dạy chuyên môn, giúp học sinh nắm bắt kiến thức trên lớp học, vừa là người cha, người mẹ thứ hai, dạy các em kỹ năng sống, về tình đoàn kết, yêu thương, thói quen sinh hoạt hàng ngày tại trường bán trú. Vì thế, không khó để bắt gặp hình ảnh giáo viên giặt quần áo, cắt tóc, hướng dẫn các em may vá, chăm sóc vườn rau. Cứ như thế, tri thức, tâm hồn của những đứa trẻ miền biên viễn được xây đắp, lớn lên bằng tình yêu thương của thầy, cô dưới mái trường bán trú”.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đồng Văn Mua Thị Hồng Minh, cho biết: “Những năm qua, huyện đã quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục; Phòng cũng tham mưu thực hiện luân chuyển cán bộ, giáo viên giữa các địa phương phù hợp với điều kiện thực tế. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy, cô giáo luôn giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, kiên định con đường đã chọn với hành trang mang theo không chỉ là kiến thức, trình độ chuyên môn mà còn là tình yêu nghề, yêu trẻ và khát khao cống hiến”.
Mặc dù tỉnh đã triển khai hiệu quả Đề án chuyển học sinh Tiểu học từ điểm trường về trường chính giai đoạn 2016 - 2020 với trên 4.500 lớp, gần 54.000 học sinh; nhưng đến nay, vẫn còn 858 điểm trường Tiểu học và trên 1.226 điểm trường Mầm non; đồng nghĩa với việc có hàng nghìn giáo viên vẫn đang miệt mài bám điểm trường dạy học tại các bản làng xa xôi, heo hút... Toàn tỉnh hiện có trên 18.870 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên công tác trong ngành Giáo dục; trong đó, có trên 14.670 nhà giáo là đảng viên, chiếm tỷ lệ 77.78%. Hầu hết các nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn; dần đáp ứng được với yêu cầu đổi mới GD&ĐT trong tình hình mới. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019 là 67,51%. Hiện nay, ngành Giáo dục đang tham mưu để cử 1.851 giáo viên tham gia đào tạo nâng cao trình độ giai đoạn 2021 - 2025, tiến hành đào tạo giáo viên để đạt chuẩn về trình độ theo quy định. 100% cán bộ quản lý và giáo viên được tham gia các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Các chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh đều được triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ.
Trong câu chuyện giữa những ngày tháng 11, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thế Bình trầm tư: “Thương và trân trọng các thầy, cô giáo; đặc biệt là những người đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới với điều kiện sống khó khăn, vất vả, thời tiết khắc nghiệt, xa gia đình. Khó khăn thật khó diễn tả thành lời, nhưng vì tình yêu nghề, yêu trẻ, mong muốn một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em vùng cao, mà họ cố gắng vượt qua, kiên trì bám trường, bám lớp, dành trọn thanh xuân cho trẻ em miền biên ải...”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Kỳ 2: Nâng cao chất lượng giáo dục
Ý kiến bạn đọc