Quản Bạ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
BHG - Với phương châm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, trong năm học 2020-2021, huyện Quản Bạ đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và khó khăn.
Giờ học của cô, trò lớp 6, Trường THCS thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ). |
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quản Bạ, Nguyễn Trung Thành, cho biết: Huyện Quản Bạ có 38 trường học, 703 nhóm, lớp với 16.980 học sinh. Trong đó, có 18 trường đạt chuẩn Quốc gia. Thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục Phòng giáo dục đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý giáo dục và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục; tăng cường công tác khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát để sớm phát hiện những tiêu cực và xử lý nghiêm. Thông qua đó, giúp duy trì và giữ vững kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. Công tác vận động và duy trì sỹ số học sinh ở các bậc học được đảm bảo.
Đến trường THCS thị trấn Tam Sơn, được thầy Hiệu trưởng Lệnh Thế Đặng, chia sẻ: Nhà trường có 13 lớp, với 445 học sinh, mặc dù trường học ở trung tâm huyện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Như một số gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, chưa quan tâm đến việc học tập của trẻ; một số học sinh chưa nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc học tập đã ảnh hưởng phần nào đến việc huy động học sinh đến trường và công tác duy trì sĩ số học sinh. Cơ sở vật chất nhà trường chưa đảm bảo cho các hoạt động giáo dục, như: Chưa có nhà hiệu bộ, nhà đa năng, các khu nhà lớp học xuống cấp, máy chiếu thường xuyên hỏng... Để khắc phục những khó khăn đó, nhà trường đã thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, lấy việc tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục bằng nguồn lực xã hội hóa là nhiệm vụ quan trọng, làm đúng với điều kiện thực tế của nhà trường.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, năm học 2020-2021, nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên; trong đó chú trọng nội dung bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Sinh hoạt chuyên môn định kỳ đúng quy định theo chủ đề thiết thực, có tính áp dụng rộng rãi, phù hợp với tình hình nhà trường. Tổ chức triển khai áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm tới toàn thể giáo viên; thăm lớp, dự giờ định kỳ, đột xuất qua đó từng giáo viên rút ra kinh nghiệm giảng dạy và giáo dục học sinh. Bên cạnh đó, trường tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên học nâng cao trình độ về công nghệ thông tin qua các lớp bồi dưỡng do huyện, phòng GD&ĐT tổ chức. Khuyến khích giáo viên soạn giảng bằng giáo án điện tử, thường xuyên kết nối, nghiên cứu, tham khảo chương trình sách giáo khoa mới trên môi trường mạng.
Tại các giờ học trên lớp, học sinh được thầy, cô giáo giảng dạy bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong đầu năm học này, nhà trường có chương trình, kế hoạch riêng để phụ đạo học sinh lớp 6, là những học sinh mới chuyển cấp, chưa quen với môi trường học tập ở THCS. Thầy Lệnh Thế Đặng, chia sẻ: “Đối với những học sinh mới vào lớp 6, còn yếu về các kỹ năng, nhà trường có kế hoạch riêng, thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, phụ đạo thêm cho các em về cách chuẩn bị bài mới, cách học và tiếp thu kiến thức trên lớp để các em đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng. Đồng thời, nhà trường cũng phối hợp với phụ huynh, đề nghị các bậc cha mẹ quan tâm đến việc học của con em mình tại nhà để nâng cao chất lượng dạy và học ở trường”. Không chỉ dạy về kiến thức, các trường học còn chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Từ đó thực hiện tốt việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đảm bảo chất lượng giáo dục ở vùng cao.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc