Hà Giang

Tiếng Việt – nền móng giúp trẻ vùng cao phát triển

10:16, 26/10/2020

BHG - Việc chuẩn bị, tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non và tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang là vấn đề được các cấp, ngành huyện Mèo Vạc đặc biệt quan tâm; nhằm tạo tâm thế cho các em sẵn sàng đi học. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện.

Tiết học của trẻ em Trường Mầm non Hoa Đào (thị trấn Mèo Vạc).  Ảnh: TRẦN KẾ
Tiết học của trẻ em Trường Mầm non Hoa Đào (thị trấn Mèo Vạc). Ảnh: TRẦN KẾ

Trường Mầm non xã Pả Vi là một điểm sáng trong hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện. Ghi nhận kết quả này, nhà trường đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tổ chức và thực hiện việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng DTTS giai đoạn 2016 – 2020. Để có được thành quả này, cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Những năm qua, nhà trường đã chỉ đạo mỗi giáo viên đứng lớp phải có kế hoạch cụ thể về chương trình soạn giảng, giờ dạy học đảm bảo nội dung tăng cường tiếng Việt cho học sinh; trong đó, lưu ý việc lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học sinh; qua đó, tạo hứng thú, đam mê cho các em trong học tập, giúp các em nhận thấy học tiếng Việt là có ích và thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng cường công tác dự giờ đồng nghiệp trong trường và các trường bạn để nhân rộng những cách làm hay cũng như kịp thời khắc phục những hạn chế… Nhờ đó, tỷ lệ học sinh DTTS nói tiếng Việt không ngừng tăng; chất lượng học tập của trẻ cũng được nâng lên rõ rệt, đồng thời khả năng giao tiếp của trẻ cũng mạnh dạn, tự tin hơn…

Theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc, Lâm Quang Hưng: Với đặc thù của huyện vùng cao có đa phần là đồng bào DTTS, do đó, việc chuẩn bị, tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non và tiểu học được Phòng hết sức lưu tâm. Đây là hoạt động nhằm trang bị cho học sinh DTTS vốn tiếng Việt cơ bản, tối thiểu để các em có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt ở dạng ngôn ngữ nói trong môi trường, lớp học. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn quan trọng tạo tiền đề để học sinh tự tin và chủ động lĩnh hội tri thức, hòa nhập hoạt động học tập trong nhà trường, giúp học sinh hình thành và rèn luyện các kỹ năng cơ bản ở tiểu học. Những năm qua, nhiệm vụ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS đã được các nhà trường đưa vào hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của cấp học mầm non, tiểu học và được triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống trường lớp được phát triển rộng khắp ở tất cả các điểm trường, tạo cơ hội cho trẻ đến trường. Thêm nữa, đội ngũ giáo viên thực hiện công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ không ngừng được nâng cao về năng lực, trình độ, nhiệt tình, tâm huyết với nghề… Nhờ vậy, những năm qua, hầu hết trẻ 5 tuổi ra lớp đều hoàn thành chương trình giáo dục Mầm non và phát âm đúng bộ chữ cái tiếng Việt, có kỹ năng cơ bản khi đến trường, mạnh dạn, tự tin trong các hoạt động học tập, vui chơi.

Cùng với những kết quả đạt được, công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ em trên địa bàn huyện Mèo Vạc cũng gặp không ít khó khăn, là huyện có hơn 80% là đồng bào DTTS; trong đó, hơn 78% là đồng bào dân tộc Mông. Đời sống kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, địa hình phức tạp cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ duy trì sĩ số cũng như việc nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất các nhà trường nhìn chung đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học của nhà trường. Ngoài ra, một số giáo viên không biết tiếng mẹ đẻ của trẻ nên gặp khó khăn khi giao tiếp, phối hợp trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ…

Để thực hiện tốt công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non và tiểu học, Phòng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trường học tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ giáo viên về phương pháp và kỹ năng tăng cường tiếng Việt cho trẻ em. Đồng thời tích cực tham mưu cho UBND huyện tăng cường đầu tư xây dựng, kiên cố hóa trường lớp học, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em đến trường học tập… Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc, Lâm Quang Hưng, cho biết thêm.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Cùng chuyên mục

"Đệ nhất kỳ quan" trên Cao nguyên đá

BHG - Được đưa vào khai thác muộn hơn so với những điểm du lịch khác trên Cao nguyên đá Đồng Văn, nhưng hành trình khám phá sông Nho Quế và hẻm Tu Sản bằng thuyền lại có sức hút mạnh mẽ nhất. Bất kỳ du khách nào đến Cao nguyên đá đều muốn một lần được khám phá hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á này.

26/10/2020
Bắc Quang mùa cốm mới

BHG - ...Tôi nhớ, năm nay là năm thứ 3 anh đều dừng lại quê tôi ăn cốm. Chị Chiêm Vũ, thôn Tân Bình, xã Việt Vinh (Bắc Quang) đã nhớ tôi như một khách hàng vừa quen, lại vừa như rất lạ…

26/10/2020
Trải nghiệm những cung đường đèo ngoạn mục ở Hà Giang

BHG - Hà Giang thu hút du khách bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, ngoạn mục bậc nhất Việt Nam. Tháng 10-11 là thời điểm thích hợp để bạn ghé thăm nơi này và trải nghiệm những cung đường đèo ấn tượng.

25/10/2020
Yên Minh tổ chức Lễ hội Tết cá của người Tày

BHG - Ngày 24.10, tại xã Mậu Duệ, UBND huyện Yên Minh tổ chức Lễ hội Tết cá của người Tày trên địa bàn huyện năm 2020. Đây là lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016.

25/10/2020