Người chiến sĩ cộng sản kiên trung của cách mạng

11:14, 05/10/2020

Sinh ra và lớn lên trong cảnh muôn dân nô lệ lầm than dưới ách bóc lột của chế độ thực dân phong kiến; ngay từ thuở nhỏ, Tố Hữu đã chứng kiến cảnh cực khổ của Nhân dân, nên đã sớm hun đúc lòng yêu nước, căm thù giặc.

Năm 13 tuổi, Tố Hữu vào học tập tại trường Quốc học Huế. Tại đây, Tố Hữu đã tiếp cận được tư tưởng của Các Mác, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh... Đặc biệt được sự dìu dắt của các đồng chí Lê Duẩn, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu… nên đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1936, Tố Hữu tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản, được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Tháng 4.1939, đồng chí bị địch bắt và đày đi nhiều nhà lao như: Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, ngục Đắk Lay (Kon Tum)... Trong lao tù, Tố Hữu vẫn làm thơ động viên tinh thần các chiến sĩ cộng sản. Mỗi bài thơ của Tố Hữu là một tiếng kèn thôi thúc, cuốn hút thanh niên theo cách mạng.

Tháng 3.1942, đồng chí vượt ngục về Thanh Hóa hoạt động, được Trung ương phái vào tổ chức Ủy ban Khởi nghĩa các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và được phân công tham gia tổ chức Xứ ủy lâm thời Trung Bộ, giữ chức Phó Bí thư Xứ ủy. Những năm tháng gian khó của cách mạng, đồng chí Tố Hữu đã cùng với đồng chí, đồng bào xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ờ miền Trung. Ngày 17.8.1945, theo chỉ đạo của Trung ương, đồng chí đến Huế cùng các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên - Huế và chuẩn bị mọi mặt để giành chính quyền ở Huế. Ngày 23.8.1945, Ủy ban Khởi nghĩa gửi tối hậu thư cho Bảo Đại khuyên ông ta tự thoái vị; đến 14 giờ cùng ngày, trước 10 vạn đồng bào tại sân vận động Huế, đồng chí Tố Hữu nhân danh Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố “Xóa bỏ chính quyền Bảo Đại, lập chính quyền nhân dân toàn tỉnh, bảo đảm tính mạng và tài sản cho toàn thể đồng bào, yêu cầu đồng bào tiếp tục sản xuất, làm ăn và giữ vững trật tự an ninh. Từ nay, nước ta đã hoàn toàn độc lập tự do. Nhân dân được hoàn toàn làm chủ cuộc đời mình”.

Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, Phó Bí thư Xứ ủy Trung Bộ, đồng chí Tố Hữu đã có đóng góp to lớn trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên - Huế, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám (1945), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng và Nhân dân ta lại phải đương đầu với hai cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà. Với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà thơ, đồng chí đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, anh dũng và vẻ vang của dân tộc. Đẩt nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ mới, vừa nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội; đây cũng là thời điểm bắt đầu một cuộc đấu tranh không kém phần gian nan, vất vả; đồng chí Tố Hữu luôn thể hiện là người dám chịu trách nhiệm, góp phần vào những quyết định táo bạo, đầy sáng tạo để xóa bỏ cơ chế đã không còn thích hợp với tiến triển thời cuộc, vận hội mới.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao nhiều trọng trách quan trọng, dù ở cương vị và lĩnh vực công tác nào, đồng chí Tố Hữu cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không quản ngại khó khăn, gian khổ, tận tụy vì sự nghiệp cách mạng, nêu cao truyền thống kiên trung, bất khuất, kiên cường của người cộng sản, giữ gìn đạo đức cách mạng trong sáng, gắn bó với đồng chí, đồng bào, với cơ sở.

Với 82 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục và làm thơ; bằng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị, đồng chí Tố Hữu đã nêu gương sáng về đạo đức của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một nhà văn hóa tài năng hết lòng vì sự nghiệp cách mạng.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Tố Hữu, là dịp để chúng ta ôn lại về cuộc đời hoạt động và những cống hiến, đóng góp của đồng chí Tố Hữu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng nói riêng; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo T.Ư)


Cùng chuyên mục

Ngắm vùng đất có những thảm cỏ đa sắc màu đẹp hơn tranh sơn mài

Palouse là một vùng thuộc tây bắc Hoa Kỳ, bao gồm phần của đông nam Washington, bắc Idaho và, kéo dài về phía đông bắc Oregon". Trang AM cho hay.

30/09/2020
Cô gái Tày và khát vọng đưa hình ảnh Hà Giang ra thế giới

BHG - Giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hà Giang với đông đảo bạn bè, du khách thông qua dự án làm du lịch cộng đồng là cách mà cô gái Tày Hoàng Thị Hảo, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) đang thực hiện để khởi nghiệp, kiến tạo tương lai.

 

28/09/2020
Nghề làm đèn ông sao truyền thống

BHG - Không khí Tết Trung thu đang tràn ngập trên các nẻo đường từ thị, thành phồn hoa cho đến những thôn, bản hẻo lánh. Đây cũng là lúc những người làm đèn ông sao tất bật chăm chút cho từng sản phẩm truyền thống để góp thêm niềm vui cho trẻ nhỏ. Tết Trung thu đối với mỗi người con đất Việt là một nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu. Dưới ánh trăng tròn, cả gia đình sum họp quây quần bên mâm cỗ Tết. 

28/09/2020
Mê mải điệu Xòe

BHG - Múa Xòe là một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái ở vùng Tây Bắc. Trong chuyến công tác đến tỉnh Điện Biên gần đây, chúng tôi có dịp được đắm mình trong điệu Xòe bên ánh lửa bập bùng và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái. Để rồi, khi trở về, nỗi nhớ thương và lưu luyến mảnh đất Mường cứ bâng khuâng trong tâm trí. 

27/09/2020