Bắc Mê khắc phục khó khăn trong chương trình giáo dục phổ thông mới
BHG - Sau hơn 1 tháng triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, huyện Bắc Mê đang nỗ lực khắc phục khó khăn, như: Giá thành sách cao; năng lực học tập của học sinh còn hạn chế; cơ sở vật chất của các trường học chưa đáp ứng đủ theo chương trình học…
Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thị trấn Yên Phú. |
Trao đổi về việc áp dụng chương trình GDPT mới, đồng chí Nguyễn Đức Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện chia sẻ: “Chương trình GDPT mới với nhiều tính ưu việt, đặc biệt nâng cao năng lực tư duy, lấy người học làm chủ thể… Để phát huy tốt hiệu quả, dưới chỉ đạo của Sở GD&ĐT, UBND huyện, Phòng đã tiến hành tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về đổi mới chương trình GDPT mới từ năm 2018; tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyên môn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các trường học, các xã, thôn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc đổi mới chương trình SGK nhằm tiếp cận kịp thời với chương trình GDPT mới; xây dựng nhu cầu cơ sở vật chất, các phòng học bộ môn, thiết bị dạy học tối thiểu; xây dựng nhu cầu về giáo viên, đặc biệt là các giáo viên môn, chuyên biệt… Qua đó, trước khi năm học mới 2020 – 2021 bắt đầu, Phòng đã hoàn thành cơ bản các bước, nhằm đưa chương trình GDPT mới vào các trường học”.
Là trường trung tâm của huyện và được cho là có nhiều điều kiện thuận lợi nhất để đưa chương trình GDPT mới, chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi, đồng chí Đinh Bích Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thị trấn Yên Phú cho biết: “Với việc áp dụng chương trình GDPT mới, ngoài việc đổi mới về SGK thì việc cần đổi mới là giáo viên. Chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải có sự sáng tạo, tìm tòi và có những phương pháp giảng dạy hợp lý, thu hút. Xác định được vấn đề trên với 5 lớp 1 trong năm học 2020 – 2021, trường đã lựa chọn những giáo viên có tâm huyết, năng lực để lên lớp. Sau hơn một tháng triển khai chương trình GDPT mới đã tạo nên nhiều sự thay đổi, tuy nhiên cũng gặp những trở ngại như: Lượng kiến thức nhiều; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ; sự thờ ơ của nhiều phụ huynh trong việc phó mặc cho giáo viên, không sâu sát, kèm cặp con thêm khi ở nhà… đã tạo nên những áp lực cho giáo viên”.
“Nhà trường với 1 điểm trường chính và 12 điểm trường lẻ, trong năm học mới 2020 – 2021, Trường PTDT bán trú Tiểu học Yên Cường có tổng số đầu vào lớp 1 là 868 em. Với đặc điểm là trường cấp xã còn gặp nhiều khó khăn: Nhiều điểm trường chưa có điện; học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số; các điểm trường đều ở xa, đường giao thông đi lại khó khăn… Qua đó đã ảnh hưởng rất nhiều tới việc đưa chương trình GDPT mới vào giảng dạy. Nhằm khắc phục những khó khăn, trường đã đưa ra các giải pháp như: Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền chương trình GDPT mới; tuần 1 lần tổ chức hội thảo về phương pháp giảng dạy; tìm kiếm các tấm lòng hảo tâm trong việc quyên góp SGK, nâng cấp cơ sở vật chất…” - thầy Lê Anh Hải, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Yên Cường chia sẻ.
Những thay đổi trong chương trình GDPT mới, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực, sự chuẩn bị chu đáo của các nhà trường đã góp phần tạo nên tư duy mới và niềm đam mê trong học tập của học sinh. Chia sẻ mộc mạc của em Nguyễn Thái Sơn, lớp 1A1 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản: “Con thích học lớp 1 bởi đi học chúng con vừa được học vừa được chơi, những bài học gắn liền với các hình ảnh; cô giáo chỉ bảo và kèm cặp từng chút một và nhất là chúng con được học rất nhiều điều hay, tham gia nhiều hoạt động…”.
Bài, ảnh: Hoàng Yến