Những góc ảnh đẹp bên dòng Nho Quế
Sông Nho Quế bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam ở địa đầu cực Bắc thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Màu xanh đặc trưng trên nền cao nguyên đá đen thẫm tạo nên một dòng sông đặc biệt. Hơn cả một thắng cảnh, đó còn là con sông biên giới ghi dấu ấn của nhiều thế hệ người Việt bám biên giữ đất.
Góc “kinh điển” của sông Nho Quế nhìn từ điểm dừng chân đèo Mã Pì Lèng trên con đường Hạnh Phúc. Từ đây có thể thấy rõ toàn bộ đại hẻm vực sông Nho Quế, trong đó có hẻm vực Tu Sản. Đây cũng là góc được xem là “must-to -go” của mọi khách du lịch khi đến Hà Giang.
Sông Nho Quế nhìn từ một góc đường đi xuống thôn Tà Làng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc. Con sông nổi bật bên đoạn đường cua dốc ngoằn ngoèo, được đánh giá là có khả năng thử thách tay lái với bất kỳ ai muốn xưng là “phượt thủ”.
Dịch vụ đi thuyền trên sông Nho Quế mới phát triển vài năm trở lại đây. Du khách có thể chọn đi xuôi dòng từ bến thuyền Tà Làng hoặc đi ngược dòng từ bến thuyền xã Xín Cái (huyện Mèo Vạc).
Đi thuyền, bè hoặc chèo kayak trên dòng Nho Quế cho du khách cảm nhận đặc biệt khi đi giữa con hẻm Tu Sản - với chiều cao vách đá lên tới 700 – 800m, chiều dài tới 1,7km, sâu 700 – 900m.
Biên giới Việt Nam – Trung Quốc về phía Bắc được kéo dài xuống gần sông Nho Quế. Nhiều đời nay, người Mông ở bản Séo Lủng vẫn bền bỉ làm nương bên mốc biên giới giữ đất.
Phút nghỉ trưa của anh Sùng Chìa Na trên nương sát dòng Nho Quế, nguyên Trưởng thôn xã Séo Lủng – xã xa nhất cực Bắc Việt Nam. Gia đình anh Na có nương ở gần mốc 427. Anh Na cũng là một trong những người dân tham gia khảo sát thời kỳ đàm phán phân định biên giới trên bộ Việt – Trung.
Người dân Séo Lủng đã làm một con đường đất từ đường chính xuống gần sông Nho Quế để tiện chở ngô, lúa mỗi vụ thu hoạch.
Hẻm vực Tu Sản nhìn từ đường Hạnh Phúc. Năm 2013, Quy hoạch tổng thể công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2022, tầm nhìn 2030 được công bố. Theo đó, trong dự án Công viên khoa học địa chất trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, người ta sẽ xây dựng một hệ thống cáp treo phục vụ vu khách ngắm hẻm vực Tu Sản và thung lũng sông Nho Quế.
Cũng theo dự án, sông Nho Quế tương lai sẽ còn có cầu ngắm cảnh hẻm vực Nho Quế, dịch vụ bơi thuyền kayak ngược sông Nho Quế, leo núi mạo hiểm...Đến nay mới có dịch vụ bơi thuyền thành hiện thực. Trong ảnh là một quán bar ở vị trí có thể nhìn ra hẻm vực Tu Sản. Dịch Covid-19 khiến lượng du khách giảm đáng kể, thời điểm này quán bar này cũng không mấy hoạt động.
Theo nhandan.vn