Nghề làm đèn ông sao truyền thống

19:03, 28/09/2020

BHG - Không khí Tết Trung thu đang tràn ngập trên các nẻo đường từ thị, thành phồn hoa cho đến những thôn, bản hẻo lánh. Đây cũng là lúc những người làm đèn ông sao tất bật chăm chút cho từng sản phẩm truyền thống để góp thêm niềm vui cho trẻ nhỏ.

Chị Phạm Lan Anh, tổ 16, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) làm đèn ông sao.
Chị Phạm Lan Anh, tổ 16, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) làm đèn ông sao.

Tết Trung thu đối với mỗi người con đất Việt là một nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu. Dưới ánh trăng tròn, cả gia đình sum họp quây quần bên mâm cỗ Tết. Với trẻ nhỏ, đêm Trung thu sẽ kém huyền diệu nếu như vắng bóng những chiếc đèn ông sao lung linh sắc màu. Chính vì vậy, không biết từ bao giờ chiếc đèn ông sao đã trở thành biểu tượng của đêm Rằm Trung thu, trở thành người bạn thân thiết của trẻ thơ qua bao thế hệ. Ngày nay, những chiếc đèn ông sao truyền thống phải cạnh tranh với nhiều món đồ chơi hiện đại tràn ngập trên thị trường với nhiều mẫu mã, hình dáng đẹp được làm bằng nhựa, chạy bằng pin, phát ra những âm thanh vui tai. Với bản sắc riêng và ý nghĩa vốn có, những chiếc đèn Trung thu cổ truyền vẫn tỏa sáng mỗi dịp Thu sang cùng trẻ em rong ruổi trên khắp các nẻo đường.

Tháng 8 Âm lịch, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Giang đang nhanh tay tạo hình những chiếc đèn đủ kiểu cách và sắc màu cho con trẻ. Những chiếc đèn Trung thu được làm thủ công, treo thành dải dài lung linh màu sắc được bán tại chợ thành phố. Chị Nguyễn Thị Huyền, một trong những hộ kinh doanh bán hàng tại chợ thành phố Hà Giang chia sẻ: Sau một thời gian chạy theo các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc hào nhoáng, con trẻ chỉ nghe thấy  những tiếng âm thanh lạ lẫm là  chán, không còn yêu thích nữa. Thời gian gần đây trẻ em lại có xu hướng muốn được rước những chiếc đèn Trung thu cổ truyền đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Đèn ông sao luôn gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ, những câu hát rước đèn đêm Trung thu vẫn còn vang mãi trong mỗi kí ức chúng ta: “Rước đèn ông sao sao năm cánh tươi màu, cán đây rất dài cán cao quá đầu, em cầm đèn sao em hát vang vang, đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan…”.

Qua trao đổi với chủ cơ sở chuyên làm đèn Trung thu, chị Phạm Lan Anh, tổ 16, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) cho biết: “Gia đình tôi đã theo nghề làm đèn Trung thu truyền thống được 20 năm. Để làm ra một chiếc đèn Trung thu truyền thống trải qua rất nhiều công đoạn, cần có đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ và quan trọng nhất là lòng nhiệt huyết với nghề. Nguyên liệu làm đèn gồm: Tre, nứa, giấy bóng kính, giấy màu, hồ dán, dây thép nhỏ và thân cây đay làm cán. Trong quá trình làm ra một chiếc đèn ông sao đẹp thì công đoạn lâu nhất và cần sự khéo léo của đôi tay là trang trí (vẽ và dán hoa). Các loại đèn truyền thống rất nhiều kiểu dáng: Xe tăng, kéo quân, con vật, máy bay, tàu thủy… Có nhiều chiếc phải đến hai ngày mới hoàn thành. Mỗi chiếc đèn là một tác phẩm nghệ thuật gửi gắm đến thế hệ trẻ tương lai không quên những giá trị truyền thống của cha ông để lại. Giá bán của mỗi loại đèn cũng đa dạng từ 30.000 đồng - 100.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ, kiểu dáng. Tuy nhiên cũng có nhiều khách hàng đặt theo kiểu dáng riêng và kích thước lớn, có những chiếc to khoảng 500.000 - 600.000 đồng, mỗi mùa tôi làm gần 300 chiếc, trừ chi phí, mỗi dịp Tết Trung thu, gia đình thu về 8 triệu đồng. Ngoài ra có nhiều trường học ở các huyện: Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc… cũng đặt mua. Tôi mong muốn, thời gian tới sẽ có nhiều cơ sở làm đèn Trung thu để lưu giữ những nét đẹp truyền thống tinh hoa của người Việt”.

Bài, ảnh: Đức Ninh


Cùng chuyên mục

Cô gái Tày và khát vọng đưa hình ảnh Hà Giang ra thế giới

BHG - Giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hà Giang với đông đảo bạn bè, du khách thông qua dự án làm du lịch cộng đồng là cách mà cô gái Tày Hoàng Thị Hảo, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) đang thực hiện để khởi nghiệp, kiến tạo tương lai.

 

28/09/2020
Những góc ảnh đẹp bên dòng Nho Quế

Sông Nho Quế bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam ở địa đầu cực Bắc thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Màu xanh đặc trưng trên nền cao nguyên đá đen thẫm tạo nên một dòng sông đặc biệt. Hơn cả một thắng cảnh, đó còn là con sông biên giới ghi dấu ấn của nhiều thế hệ người Việt bám biên giữ đất.

27/09/2020
Mê mải điệu Xòe

BHG - Múa Xòe là một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái ở vùng Tây Bắc. Trong chuyến công tác đến tỉnh Điện Biên gần đây, chúng tôi có dịp được đắm mình trong điệu Xòe bên ánh lửa bập bùng và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái. Để rồi, khi trở về, nỗi nhớ thương và lưu luyến mảnh đất Mường cứ bâng khuâng trong tâm trí. 

27/09/2020
Đặc sắc trang phục dân tộc La Chí

BHG - Đời sống văn hoá của đồng bào người La Chí khá phong phú, thể hiện đậm nét trong các sinh hoạt văn hoá cộng đồng, kiến trúc nhà cửa, ăn uống, sinh hoạt tín ngưỡng và đặc biệt hơn, trang phục của người La Chí rất đặc biệt, không sặc sỡ, nhiều họa tiết, màu mè, nhưng luôn mang đậm chất riêng của dân tộc; cộng đồng người La Chí luôn đoàn kết và cùng nhau gìn giữ trang phục của mình từ đời này sang đời khác. 

27/09/2020