Lưu giữ tiếng khèn Mông
BHG - “Lưu giữ và truyền dạy lại tiếng khèn của đồng bào dân tộc mình”, đó là mục đích lớn lao của lớp truyền dạy thổi khèn Mông xã Sủng Là (Đồng Văn). Lớp học mở ra không thu phí, chỉ có sự tận tâm của người thầy, nghệ nhân Sùng Nhìa Sử, và sự đam mê, yêu thích của lũ trẻ vùng cao.
Cháu Sùng Mí Long, biểu diễn tiết mục khèn yêu thích. |
Sáng sớm, lũ trẻ đã tập trung đông đủ tại nhà nghệ nhân Sùng Nhìa Sử, gương mặt háo hức như ngày đầu tiên đến lớp; mặc dù lớp dạy thổi khèn Mông này đã mở được gần 1 năm nay. Lớp học hiện có 14 cháu, cháu nhỏ nhất 8 tuổi, lớn nhất 14 tuổi. Hầu hết các cháu đều là con em trong xã, tranh thủ học vào thời gian rảnh rỗi. Kỳ nghỉ hè, có một số cháu ở Phố Cáo, vì yêu thích thổi khèn nên ngày ngày nhờ bố mẹ đưa đến với thầy Sử. Đến nay, 14 cháu trong lớp đều đã thổi thành thục được những bài cơ bản, một số cháu có năng khiếu đã tự tìm tòi thêm các điệu múa khèn vô cùng tinh tế.
Ông Sùng Nhìa Sử là nghệ nhân nổi tiếng của cả 4 huyện vùng cao, từng đi chấm thi tại các kỳ Lễ hội khèn Mông huyện Đồng Văn suốt nhiều năm. Khi được hỏi về mục đích mở lớp, ông trầm tư: “Tôi thổi khèn từ khi lên 6 tuổi, năm nay đã ngoài 50, mấy chục năm tìm hiểu và gắn bó với cây khèn của đồng bào, cũng có một chút hiểu biết về khèn, muốn dạy lại cho lớp trẻ. Một phần vì thấy bản thân đã nhiều tuổi, sợ sau này già không còn đủ sức, không có ai truyền dạy lại cho các cháu nên giờ cháu nào muốn học, tôi đều nhận vào lớp. Hơn nữa, là người con của đồng bào Mông, tôi mong muốn giữ lại hồn văn hóa dân tộc trong từng tiếng khèn, không thể để nó mai một đi.” “Nghệ nhân gạo cội có hiểu biết về tiếng khèn trên mảnh đất vùng cao này không còn nhiều, đặc biệt, người tâm huyết với cây khèn, tiếng khèn như thầy Sử lại càng ít. Chính vì vậy, trân trọng những mong mỏi của thầy, chúng tôi đều khuyến khích, tạo điều kiện để thầy và các cháu được thỏa sức đam mê.” Đồng chí Thào Pháy Chá, Bí thư Đảng ủy xã Sủng Là cho biết.
Trong lớp, 14 cháu, cháu nào cũng thông minh, nhanh nhẹn, lại có cháu vô cùng khéo léo, thời gian rảnh tự học ở nhà còn có thể sáng tạo ra nhiều động tác múa khèn vô cùng đẹp mắt. Cháu Sùng Mí Long, 8 tuổi, tại thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là, là học viên nhỏ tuổi nhất trong lớp, cũng là cháu nội của Nghệ nhân Sùng Nhìa Sử. Ngay từ nhỏ, Long đã được làm quen với cây khèn, tiếng khèn của ông nội, và cũng đam mê từ đó. Khi ông mở lớp dạy thổi khèn, có các anh chị cùng đến học nên Long đã xin tham gia ngay. Sau 1 năm học bài bản, Long đã thổi thành thục được 1 số bài, “giống như 1 chàng trai Mông thực thụ”, theo như lời nghệ nhân Sùng Nhìa Sử. Sau khi biểu diễn xong bài khèn yêu thích nhất, Long ngại ngùng nép sau các anh lớn trong lớp, khác hẳn với sự mạnh dạn khi trên sân khấu biểu diễn. Đứa trẻ 8 tuổi nhỏ nhẹ tâm sự: “Cháu thích học thổi khèn với các anh ở lớp, vì ở đây có nhiều người, vui lắm. Cháu còn tham gia đội văn nghệ của trường, của thôn, còn được đi biểu diễn ở huyện rồi”. Đôi mắt Long sáng lên, “khoe” với chúng tôi. Những kỳ vọng về việc gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mình dường như đã được nghệ nhân Sùng Nhìa Sử đặt hết vào những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ này.
Nhiều năm trở lại đây, để bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, Đề án “Đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học” đã được các trường học các cấp của huyện Đồng Văn thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, những lớp học tự nguyện như lớp dạy thổi khèn Mông của xã Sủng Là được mở ra càng thể hiện sự trân trọng, mong muốn giữ gìn văn hóa truyền thống của mỗi người con dân tộc Mông. Ngày nay, dù cuộc sống nhiều đổi thay, nhưng đối với đồng bào Mông, những chiếc khèn vẫn gắn bó với họ. Những âm thanh dìu dặt vẫn là người bạn đồng hành của các chàng trai Mông trong mỗi dịp lễ, Tết. Đồng bào Mông vẫn còn đó những nghệ nhân như nghệ nhân Sùng Nhìa Sử vì yêu tiếng khèn mà gắn bó và truyền dạy lại cho con, cháu cách thổi khèn để gìn giữ giá trị của dân tộc mình.
Bài, ảnh: My Ly