Xúc động bức thư tiền tuyến gửi hậu phương
BHG - Những ngày đầu Thu, tiết trời trong xanh, ánh nắng chan hòa dịu nhẹ, khắp nơi nơi cờ hoa tô sắc thắm kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19.8.1945 - 19.8.2020) và Quốc khánh 2.9. Vào đúng dịp đặc biệt này, tôi cùng đồng nghiệp được gặp gỡ bác Triệu Đức Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, cũng chính là chủ nhân của bức thư từ tiền tuyến gửi tới cán bộ và nhân dân xã Phương Thiện năm 1972 trong hào khí dân tộc “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam”.
Bác Triệu Đức Thanh giới thiệu với Tổng Biên tập Báo Hà Giang Nguyễn Trung Thu về bức thư đăng trên báo Hà Giang năm 1972. Ảnh: THẾ HỌC |
Trong câu chuyện đầy lắng đọng xen lẫn niềm tự hào, bác Thanh kể lại: “Tôi vốn rất đam mê viết sách, báo và là một cộng tác viên thân thiết của Báo Hà Giang. Trong thời gian đi bộ đội từ cuối năm 1971 - 1973, tôi vẫn giữ mối liên lạc với Báo Hà Giang và thường xuyên nhận được báo biếu. Thời điểm năm 1972, cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt, lúc đó tôi là chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh, có nhiệm vụ bám biển, đi theo xe kéo pháo. Khi ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), tôi đã nhận được báo Hà Giang và có bài viết giới thiệu về kết quả của vụ Chiêm vừa qua ở xã Phương Thiện (Vị Xuyên), nay thuộc (thành phố Hà Giang) đã giành thắng lợi với năng suất lúa đạt 25,69 tạ/ha.
Cũng như bao anh em trên mặt trận chiến đấu, khi biết tin thắng lợi, hậu phương dốc sức thi đua gửi những hạt thóc ra tiền tuyến, chiến sĩ Thanh mừng lắm và tự hứa với lòng mình sẽ phát huy truyền thống dũng cảm, ngoan cường của dân tộc, quyết tâm rèn luyện tốt, học tập tốt, chiến đấu giỏi và thực hiện bằng được lời dạy của Bác Hồ kính yêu là “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Bác Thanh chia sẻ: “Trong tâm thế hết sức phấn khởi, tranh thủ lúc các chiến sĩ chợp mắt, tôi đã viết bức thư này gửi đến Ban Biên tập Báo Hà Giang, nhờ chuyển tới cán bộ và nhân dân xã Phương Thiện để bày tỏ niềm vui, tình cảm của người con quê hương ở tiền tuyến đánh giặc. Bức thư đã được đăng trên báo Hà Giang số ra ngày 20.12.1972. Đó chính là sự cổ vũ mạnh mẽ và thiết thực nhất đối với những người chiến sĩ ở chiến trường chống Mỹ cứu nước như chúng tôi”.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, từ tuổi thanh xuân đến khi mái tóc đã ngả màu, khi bác Triệu Đức Thanh đang mải mê chắt chiu tư liệu cho cuốn sách “Sóng gió nơi núi rừng”, thông qua Bảo tàng tỉnh, bác tìm thấy tờ báo có bức thư trên và đã trao tặng cho Báo Hà Giang. Bác Thanh bày tỏ: “Cho đến hôm nay, từ nơi non cao, núi đá trùng trùng điệp điệp cho đến những vùng thấp của tỉnh hiện diện một sức sống tươi mới. Cùng với sự chuyển mình đáng kể trong sản xuất nông nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch đang trên đà phát triển, minh chứng cho mảnh đất Hà Giang năng động, tự lực tự cường, vươn lên trong gian khó”. Bác cũng nhắn nhủ những người làm Báo Hà Giang trong thời kỳ đổi mới, hòa nhịp cùng sự phát triển nhưng vẫn phải giữ được sự giản dị, chất phát, thật thà và sức hút từ những bài viết.
Đồng chí Nguyễn Trung Thu, Tổng Biên tập Báo Hà Giang, cho biết: “Báo Hà Giang đang sưu tầm các tư liệu, kỷ vật trưng bày trong Phòng truyền thống với mục đích lưu lại quá trình hình thành và phát triển của tờ báo từ năm 1964 đến nay. Đây cũng là cách để tri ân các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên đã và đang gắn bó với Báo Hà Giang qua các thời kỳ. Trong bối cảnh đó, bác Triệu Đức Thanh đã trao tặng cho cơ quan tờ báo từ năm 1972. Đó là kỷ niệm đẹp không chỉ của riêng cá nhân bác mà còn có ý nghĩa, giá trị rất lớn đối với Báo Hà Giang. Khi xem và đọc từng dòng chữ trên tờ báo của chúng ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, thực sự trở thành động lực to lớn, tạo dựng và cổ vũ mạnh mẽ những phong trào thi đua, cuộc vận động trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hướng đến mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong điều kiện còn nhiều gian khổ và thiếu thốn, song với sự nhiệt huyết, yêu nghề, đội ngũ nhà báo không ngại dấn thân và dùng ngòi bút sắc bén trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, đem đến sản phẩm động viên tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân ta. Trong đó, phải kể đến những cây bút, như: Nhà báo Chu Thái Tinh, Đặng Cao Sơn, Hoàng Kim Vĩnh...”.
Trong bức thư mộc mạc, chân tình của bác Triệu Đức Thanh gửi gắm từ chiến trường đến hậu phương thể hiện quyết tâm của các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Giang trong chiến đấu và lao động sản xuất, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ. Noi theo truyền thống cách mạng, những người con ưu tú của đồng bào các dân tộc trong tỉnh tiếp bước cha anh lên đường bảo vệ Tổ quốc, còn ở hậu phương làm nên những niềm vui thắng lợi trên đồng ruộng, nương ngô, tạo ra nhiều của cải, vật chất tiếp sức cho tiền tuyến đánh giặc cứu nước. Bức thư chứa đựng ý nghĩa sâu sắc, toát lên tinh thần thi đua sôi nổi, ý thức, trách nhiệm của mỗi người con quê hương, đất nước trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ xâm lược.
Sinh ra từ nền báo chí cách mạng, tiếp nối truyền thống của tờ báo và các thế hệ nhà báo đi trước, Báo Hà Giang ngày nay không ngừng cải tiến về nội dung, hình thức thể hiện. Các số báo được xuất bản 5 kỳ/tuần và được in màu, nội dung thông tin ngày càng phong phú, đa dạng, thiết thực, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Những trang báo lưu lại qua mỗi giai đoạn, thời kỳ là tư liệu trường tồn, nhắc nhở đội ngũ cán bộ, phóng viên hôm nay và mai sau đúc rút những kinh nghiệm, bài học quý báu, thực hiện tốt nhiệm vụ như lời Bác Hồ dăn dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Do đó, người làm báo cách mạng cần phải được bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, lập trường vững vàng, tinh thông nghề nghiệp…”. Dưới đây là toàn văn bức thư của bác Triệu Đức Thanh.
[links()]
MỘC LAN - THẾ HỌC