Phát triển văn hóa gắn với du lịch ở Mèo Vạc
BHG - Trong “chiến lược” phát triển ngành “công nghiệp không khói” ở Mèo Vạc, địa phương đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, tạo nền tảng vững chắc hướng đến phát triển du lịch trải nghiệm.
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi. |
Mèo Vạc xác định phát triển du lịch trở thành “mũi nhọn”; với các giải pháp vừa mang tính trước mắt, vừa lâu dài đã giúp du lịch của huyện có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với du lịch vẫn còn là một “bài toán” nan giải, bởi lẽ: Một số cán bộ và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích từ việc bảo tồn, phát triển văn hóa gắn với du lịch; chưa tích cực tham gia các hoạt động xây dựng làng văn hóa du lịch (LVHDL). Một số gia đình có nhu cầu làm dịch vụ lưu trú và phục vụ ăn, uống nhưng không có kinh phí để đầu tư; không ít người dân chưa quan tâm đến việc duy trì, bảo tồn, giữ gìn phong tục tập quán truyền thống của dân tộc…
Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Mua Hồng Sinh, cho biết: Các sự kiện văn hóa, thể thao của huyện tổ chức hàng năm chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách cấp, việc huy động xã hội hóa còn hạn chế. Công tác vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch tại các điểm, LVHDL chưa đảm bảo. Nhiều hộ dân chưa mạnh dạn tham gia làm du lịch cộng đồng, chưa chủ động đầu tư cải tạo nhà cửa, còn trông chờ vào sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Điều kiện KT – XH của huyện còn nhiều khó khăn, việc đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống còn hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt hàng ngày của nhân dân và nhu cầu của khách du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân hạn chế; nhất là sự tác động, giao thoa văn hóa các dân tộc, sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã ảnh hưởng đến phong tục, tập quán văn hóa truyền thống của nhân dân. Điều đó khiến cho du lịch của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; sản phẩm du lịch ít, chưa đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan của du khách.
Để tạo sinh kế cho người dân, phát triển văn hóa gắn với du lịch, Mèo Vạc đang tập trung nguồn lực đầu tư, khai thác hiệu quả Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán; quy hoạch vùng trồng hoa Tam giác mạch tại thị trấn Mèo Vạc và các xã Tả Lủng, Pả Vi, Pải Lủng; vùng trồng cây đào cảnh quan các trục đường từ thị trấn Mèo Vạc đi xã Khâu Vai, Pải Lủng. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi gắn với phát triển dược liệu; nâng cấp Làng VHDLCĐ thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà; Làng VHDLCĐ thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng. Phối hợp tăng cường quảng bá, giới thiệu về văn hóa, con người Mèo Vạc; mở các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ lễ tân, nhà hàng, các LVHDL gắn với xây dựng NTM.
Trong lộ trình phát triển, huyện đang xây dựng kế hoạch triển khai Đề án phát triển du lịch huyện Mèo Vạc đến năm 2025, tầm nhìn 2030; quy hoạch trung tâm thị trấn Mèo Vạc thành trung tâm văn hóa - du lịch của huyện, đáp ứng được các yêu cầu của đô thị văn minh, thanh lịch, mang đậm sắc thái riêng của các dân tộc, trong đó chú trọng đến văn hóa dân tộc Mông; đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở. Tổ chức sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ, tôn tạo các di sản văn hóa và môi trường, cảnh quan du lịch; khôi phục những nét văn hóa truyền thống đang bị mai một; duy trì và phát huy các lễ hội truyền thống…
“Để đưa các chính sách về phát triển du lịch của tỉnh, huyện vào cuộc sống, địa phương đang đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đến cán bộ và quần chúng nhân dân; có quyết tâm chính trị cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với kiếm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động văn hóa, du lịch. Vận dụng linh hoạt, hiệu quả các cơ chế, chính sách để tổ chức, quản lý, khai thác các di sản văn hóa gắn với gìn giữ, bảo tồn, thu hút đầu tư để phát triển du lịch” - Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Mua Hồng Sinh chia sẻ thêm.
Bài, ảnh: KIM TIẾN