"Quãng đời đẹp nhất" nơi địa đầu Tổ quốc của người lính - nhạc sỹ Trương Quý Hải
BHG - Gần dịp kỷ niệm 73 năm, ngày Thương binh liệt sỹ 27.7.2020, chúng tôi có cuộc hội ngộ với nhạc sỹ Trương Quý Hải tại mảnh đất biên cương Hà Giang. Trong bộ quân phục ngả màu, nhiều người thấy anh là nhận ra tác giả của những ca khúc đi cùng năm tháng, như “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, “Khoảnh khắc”, “Về đây đồng đội ơi”… Và lần nào lên Hà Giang cũng vậy, người lính Sư 356 năm nào chân đeo dép cao su, đôi mắt suy tư, rớm lệ như đang ngược dòng thời gian về với những đồng đội mãi đôi mươi của anh còn nằm lại nơi khe đá, thung sâu biên giới.
“Với tôi, quãng đời đẹp nhất là ở Hà Giang…”
Nhạc sỹ Trương Quý Hải là người con Hà Nội, anh đã từng có những năm tháng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên – Hà Tuyên từ 1984 – 1985. Trước khi sang Hà Giang, anh đã từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Hoàng Liên Sơn với vai trò là lính tuyên văn. Cuối năm 1985, anh được phục viên để trở về đi học tiếp. Anh cho biết, trước khi bước vào đời lính, anh đã thi đậu vào trường Đại học Mỏ địa chất, nhưng xin bảo lưu kết quả để xếp bút nghiên ra trận. Năm 1984 sang Hà Giang, anh trực tiếp tham gia chiến đấu, vác đạn, chăm sóc thương binh, làm công tác tử sỹ, chôn cất đồng đội hy sinh…
Nhạc sỹ Trương Quý Hải cùng đồng đội hát ca khúc “Về đây đồng đội ơi” tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh tại Hà Giang. |
Chiều bảng lảng trên mảnh đất biên cương Thanh Thủy - Vị Xuyên, nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt năm xưa, chúng tôi lang thang dọc theo bờ cát sông Lô đầy ký ức. Nhạc sỹ Trương Quý Hải xúc động tâm sự, không chỉ riêng tôi, những anh em đồng đội của tôi từng chiến đấu ở Hà Giang đều coi nơi đây là quê hương thứ 2 của mình. Mỗi người đều có một miền quê, nhưng mọi người đều coi Hà Giang là miền quê thứ 2. Hà Giang không chỉ là miền quê của những người còn sống, mà còn là miền quê vĩnh viễn của những anh em đã hy sinh. Nói đến đây nhạc sỹ dừng lại bồi hồi, hóa ra quãng đường đời đẹp nhất của tôi là ở Hà Giang, những tháng năm tuổi trẻ đẹp nhất của đời người chúng tôi đã gắn bó với Hà Giang. Ở Hà Giang, tôi hiểu được thế nào là tình đồng đội, biết thế nào là tình quân dân, chúng tôi đã được dân cưu mang, che chở. Qua chiến đấu ở Hà Giang, chúng tôi mới biết hết ý nghĩa của 2 từ Tổ quốc thiêng liêng như thế nào. Nhiều từ ngữ vốn vẫn hay nói ra miệng, đời thường mà chúng tôi được học từ bé, những chính Hà Giang đã cho chúng tôi hiểu được ý nghĩa của những từ bình dị mà thiêng liêng, như “Tổ quốc - đồng đội – đồng bào”.
“Mặt trận Vị Xuyên đã làm thay đổi cuộc đời tôi…”
Nói về những bước ngoặt của cuộc đời mình, nhạc sỹ Trương Quý Hải tâm sự, mặt trận Vị Xuyên chính là nơi làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi học Đại học Mỏ địa chất, Kinh tế Quốc dân, nhưng rồi ít hoạt động trong lĩnh vực được đào tạo mà hoạt động nhiều trong linh vực âm nhạc. Ca khúc đầu tiên của tôi là viết tại Hà Giang, khi tôi cùng đồng đội thực hiện Chiến dịch MB 84, ca khúc có tên là “Thư về với mẹ”. Bài hát viết dựa trên lá thư của một đồng đội vô danh đã hy sinh, lá thư đang viết giở, chỉ có 3 chữ “mẹ kính yêu!” nhòe mực và máu của người đã khuất. Lá thư đặc biệt ấy khiến tôi chăn trở và viết tiếp theo cảm xúc để trở thành ca khúc đầu tiên của tôi ngay tại mặt trận Vị Xuyên. Không ngờ bài hát đó đã thay đổi cuộc đời tôi, từ đó tôi đi theo nghiệp sáng tác.
Nhạc sỹ Trương Quý Hải cùng đồng đội thả hoa đăng, hát tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên.
Nhạc sỹ Trương Quý Hải kể, trước đây tôi rất muốn sáng tác, nhưng chỉ là viết nhạc, còn viết ca từ thì rất khó, có lẽ là vì vốn từ của tôi còn ít. Chỉ khi sang Hà Giang, thấy người đồng đội hy sinh trong hoàn cảnh đặc biệt như thế, bài hát đã được ra đời tự nhiên bằng cảm xúc nơi chiến trường, bằng tình đồng đội. Kể từ đó, từ những cảm xúc nơi mảnh đất Hà Giang như một mạch luồng, nếu những gì tôi muốn viết là tôi sẽ viết được. Chính Hà Giang, chính tình cảm đồng đội, đồng bào đã cho tôi những đổi thay trong suy nghĩ để có thể bước vào nghiệp sáng tác.
Có thể khẳng định rằng, những năm tháng trên tuyến đầu Hà Giang đã đưa người lính Trương Quý Hải vào mạch nguồn của con đường âm nhạc. Để sau này chúng ta được biết, được thưởng thức những nhạc phẩm sống với thời gian của anh như “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” hay “Khoảnh khắc”, “Về đây đồng đội ơi”...!
Sẽ có thêm những ca khúc về đồng đội, về Hà Giang!
Trong những câu chuyện ngược dòng thời gian kể cho tôi giữa chiều tà biên giới Hà Giang, đôi mắt nhạc sỹ Trương Quý Hải ngấn lệ, giọng anh nghèn nghẹn khi nhắc về những đồng đội mãi tuổi đôi mươi, có người may mắn được quy tập về các nghĩa trang liệt sỹ, nhưng không ít người vẫn còn đang nằm lại giữa núi rừng với thời gian quy luật khắc nghiệt. Nhạc sỹ tâm sự, với chúng tôi giữa những người sống và người hy sinh giường như không có khoảng cách. Mỗi lần tôi trở lại Hà Giang, bên những mộ đồng đội hy sinh, những vạt đồi chiến đấu năm xưa, anh em vẫn cứ “nói chuyện với nhau” (tâm sự với đồng đội hy sinh) như vẫn đang tuổi đôi mươi, mặc dù “chúng tôi” (những người còn sống và những người đã khuất) giờ đã già lắm rồi. Rất có thể trong lần lên Hà Giang này sẽ giúp tôi có thêm cảm hứng, tư liệu để tiếp tục cho ra đời một ca khúc mới, mà địa danh đó là Si Cà Lá ở Hà Giang, nơi có rất nhiều đồng đội của chúng tôi đã hy sinh.
Nhạc sỹ Trương Quý Hải nói về Hà Giang và dự định sáng tác ca khúc mới của mình về Hà Giang
Nói về sự đổi thay của Hà Giang, nhạc sỹ Trương Quý Hải phấn khởi chia sẻ: Trở lại Hà Giang, làn nào tôi cũng thấy Hà Giang thay đổi rất nhiều. Người Hà Giang có phong cách rất dễ nhận ra, đó là sự bình thản, chầm chậm, nói nhè nhẹ, một nét văn hóa riêng của vùng đất đặc biệt này. Hà Giang đang đổi thay tích cực, nhưng tình cảm của những người lính chúng tôi vẫn như xưa. Lên với Hà Giang rất mừng khi thấy những bản làng, vùng quê như xã Phương Thiện, nơi chúng tôi đóng quân trước đây, nay đã có con đường đôi rất to chạy qua; thị xã Hà Giang trầm mặc xưa giờ đã có những con phố mới. Đặc biệt nhất là trên vùng chiến địa năm xưa bà con đi sơ tán hết, nhưng giờ đã có những bản làng mới, có những homestay phục vụ du lịch, Nặm Ngặt và nhiều bản làng biên giới giờ đang hồi sinh.
Nhạc sỹ Trương Quý Hải khẳng định: Định hướng và mục tiêu của tỉnh là đưa Hà Giang trở thành vùng du lịch là rất hợp lý. Đặc biệt là những tua du lịch thăm lại chiến trường xưa. Không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà con mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, ý nghĩa về an ninh – quốc phòng. Mỗi tháng 7 về, trong lòng những cựu binh như chúng tôi cứ trộn rộn, giữa âm dương giường như không có khoảng cách vậy. Tỉnh và các tổ chức, cá nhân rất quan tâm, xây dựng, trùng tu các nghĩa trang liệt sỹ, Đài hương 468, Đài hương Đông sông Lô…, là những nơi để anh em hy sinh có nơi đi về, khiến cho người còn sống, những đồng đội như chúng tôi ấm lòng.
Nhạc sỹ cũng bày tỏ băn khoăn khi còn đó nhiều đồng đội hy sinh chưa được tìm thấy. Anh cho biết, anh và nhiều đồng đội đang có ý đề xuất với tỉnh làm một bia đá, trong đó đề tên tất cả các anh em đã hy sinh hiện chưa được tìm thấy, đặt một bát hương chung, để thân nhân khi đến nhìn thấy danh các anh em. Tấm bia có thể đặt ở bờ Đông, bờ Tây sông Lô hoặc ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Anh em đã hy sinh không sống lại được nữa, nhưng những việc làm này để làm ấm lòng anh em, ấm lòng thân nhân những người đã hy sinh cho Tổ quốc, cho tuyến đầu Hà Giang.
Huy Toán