Đột phá đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
BHG - Trải qua 5 mùa du lịch (DL) “Qua những miền di sản Ruộng bậc thang”, thương hiệu DL huyện Hoàng Su Phì đang từng bước gây được tiếng vang trong cả nước. Xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương; huyện Hoàng Su Phì đang đặt trọng tâm vào phát triển DL có chất lượng, có thương hiệu, mang tính chuyên nghiệp, hiện đại; trên cơ sở khai thác tối ưu nguồn lực và lợi thế, phát huy tính liên ngành, liên vùng; từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Vẻ đẹp ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì. |
Nhiệm kỳ vừa qua, đã đánh dấu thành công của DL Hoàng Su Phì với những kết quả nổi bật. Năm 2019, lượng du khách đến địa bàn đạt 50.000 lượt (tăng 32.600 lượt so với năm 2015), doanh thu từ ngành DL đạt trên 65 tỷ đồng (tăng 50 tỷ đồng so với năm 2015). Cùng với đó, huyện đặc biệt chú trọng thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đến khảo sát, đầu tư phát triển DL. Đến nay, toàn huyện có 40 homestay, 13 khách sạn, nhà nghỉ; có 4 HTX, doanh nghiệp và 14 công ty lữ hành khai thác DL.
Du khách trải nghiệm nghề thêu dệt truyền thống của người La Chí, xã Bản Phùng. |
Không chỉ nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của chính quyền trong thu hút các nhà đầu tư; DL ở Hoàng Su Phì còn được cộng đồng dân cư tích cực tham gia, chung tay phát triển với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, thiết thực; góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Hiện, Hoàng Su Phì có 7 làng văn hóa du lịch cộng đồng, hằng năm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều hộ được hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà ở, mua sắm vật dụng để kinh doanh dịch vụ homestay; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Điển hình trong phát triển DL cộng đồng ở Hoàng Su Phì phải kể đến Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nậm Hồng, xã Thông Nguyên. Năm 2017, HTX DL cộng đồng thôn Nậm Hồng được thành lập với sự tham gia của 100% hộ dân trong thôn. Ngoài sắp xếp, bố trí du khách; HTX còn đứng ra điều tiết các thành viên của HTX làm xe ôm hoặc hướng dẫn viên; đồng thời cùng hỗ trợ nấu ăn, biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. Với cách làm như vậy, tất cả các thành viên của HTX đều tham gia làm DL và có nguồn thu ổn định. Với lượng khách đến thôn ổn định, các gia đình đều có một khoản thu nhập đáng kể từ 50 – 60 triệu đồng/năm. Anh Triệu Mềnh Kinh, Giám đốc HTX, cho biết: Với sự tham gia của cả cộng đồng vào phát triển DL đã góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương cũng như xây dựng thương hiệu và phát triển DL theo hướng bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thôn chỉ còn 5,2%; thu nhập bình quân đạt 32,5 triệu đồng/người/năm; khá cao so với nhiều thôn, bản khác trong huyện.
Để tạo đột phá trong phát triển DL, Hoàng Su Phì đã định hướng sản phẩm DL gồm 6 nhóm: DL nghỉ dưỡng; DL sinh thái; DL thể thao, giải trí mạo hiểm; DL khám phá, trải nghiệm văn hóa cộng đồng; DL thương mại, vui chơi giải trí và DL lễ hội, tâm linh. Không gian DL cũng được huyện định hướng tổ chức thành các cụm: Cụm trung tâm thị trấn Vinh Quang; cụm sinh thái mạo hiểm dãy Tây Côn Lĩnh, cụm sinh thái nông nghiệp vùng hạ huyện và cụm biên cương vùng thượng huyện.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư có trọng điểm hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở hạ tầng phục vụ DL; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc; nâng cao chất lượng hoạt động của các làng văn hóa DL cộng đồng. Quy hoạch điểm DL gắn với xây dựng Nông thôn mới; khai thác các tuyến DL sinh thái, DL mạo hiểm, khám phá mới; khôi phục làng nghề và mở các điểm trưng bày, bán sản phẩm truyền thống. Tăng cường khuyến khích và mời gọi đầu tư vào lĩnh vực DL; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá DL tới du khách trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch…
Sau nhiều nỗ lực đánh thức tiềm năng, mảnh đất miền Tây Hoàng Su Phì đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong hành trình khám phá địa đầu Tổ quốc; tạo đà, hứa hẹn bước tiến vững chắc cho DL của huyện trong những năm tiếp theo.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG