Chuyện kể sau ống kính máy quay
BHG - Để có những thước phim hay, khuôn hình đẹp, phóng sự chân thực làm lay động trái tim khán giả khi lên sóng… là cả quá trình sản xuất chương trình truyền hình khép kín vô cùng vất vả của những người làm truyền hình nơi cực Bắc Tổ quốc.
Phóng viên Đài PT-TH tỉnh tác nghiệp tại khu vực biên giới. Ảnh: THU HÒA (Đài PT-TH tỉnh) |
Năm 2017, xuất phát từ thực trạng phụ nữ dân tộc Mông các xã biên giới bỏ gia đình đi lấy chồng bên Trung Quốc, để lại những đứa trẻ bơ vơ, thiếu tình yêu thương, đối diện nhiều nguy cơ bị bắt cóc, thất học, ngã vực, dịch bệnh… Êkíp phóng viên Phòng Văn nghệ Đài PT – TH tỉnh đã lên đường về xã Lũng Cú (Đồng Văn) để thực hiện phóng sự “Những mảnh vỡ không màu”. Thực hiện phóng sự, êkíp gặp rất nhiều khó khăn: Bất đồng ngôn ngữ với đồng bào dân tộc thiểu số; các nhân vật ngại chia sẻ cuộc sống riêng; quay trẻ em phải làm sao chân thực. Cả êkíp phải ăn ngủ tại cơ sở gần 1 tuần; lội nước, băng rừng, vượt núi đá tai mèo sắc nhọn trong cái lạnh thấu xương gần 2 độ C. Phóng viên Huyền Trang, chia sẻ: “Đó là những tháng ngày không thể nào quên. Mệt mỏi, vất vả, nguy hiểm, nhưng khi phóng sự lên sóng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả. Phóng sự này đã nhận giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2017 và giải Bạc Liên hoan PT-TH Toàn quốc.
Phóng viên Đài PT-TH tỉnh vượt lũ về cơ sở. Ảnh: PV |
Phóng viên Quang Hưng kể: Những lần đi làm chương trình “Biên giới là quê hương” ở các đồn biên phòng với cái rét 0 độ C, nước đóng băng, 2 hàm răng cứ va vào nhau liên tục. Nhưng khi bấm máy quay chương trình, ai cũng hào hứng, cuốn theo công việc mà quên đi ngoại cảnh khó khăn”.
Phóng viên Văn Bính, Phòng Thời sự là một trong những người lăn lộn với cơ sở, thường xuyên tìm những đề tài mang hơi thở cuộc sống, bởi thế phần lớn thời gian của anh là ở cùng bà con. Anh bảo: “Nghề truyền hình không có khái niệm nhà báo “xa lông”, tức là ngồi ở nhà viết. Mình không đi, không ghi hình thì làm sao có hình, làm sao ai biết được ở đó có gì để người xem có thể học hỏi, chia sẻ, cảm thông…”.
Nói phóng viên là một trong những nghề nguy hiểm quả thật không sai. Những phóng viên thường xuyên lao vào “điểm nóng”; thực hiện những phóng sự điều tra như Tuấn Quỳnh, Đình Anh luôn hiểu rõ điều này. Họ chia sẻ: Khi đến cơ sở phản ánh những vấn đề nóng, thời sự, bức xúc của nhân dân, họ nhận không ít những lời đe dọa từ các đối tượng bị ảnh hưởng lợi ích. Nguy hiểm luôn bên cạnh nhưng với trách nhiệm của người làm báo, họ không cho phép mình đứng ngoài “cuộc chiến” chống lại cái xấu, cái ác để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Lại nói về những hiểm nguy, tác nghiệp ở vùng đất nhiều khó khăn, giao thông cách trở, không ít lần các phóng viên gặp tai nạn ngã xe, thương tích đầy mình. Năm 2019, phóng viên Tiến Thành và Ngọc Hải có chuyến công tác tại huyện Quản Bạ. Trên đường đến cơ sở, do trời mưa, đường trơn, khó đi khiến 2 phóng viên bị ngã. Phóng viên Tiến Thành lần đó bị gãy xương hàm, phải nằm điều trị thời gian dài. Thế mà khi đồng nghiệp tới thăm, anh vẫn cười đùa: “Em không sao, lúc đấy chẳng qua em “liếc gái xinh” nên bị ngã thôi, đợi em khỏe, sẽ lại cùng các anh “chiến đấu”, còn nhiều đề tài chưa làm xong, bà con cơ sở vẫn đang chờ…”. Chưa kể, nếu khán giả một lần thấy các phóng viên nữ với dáng người nhỏ nhắn, nhưng mang trên vai chiếc máy quay mấy chục kg, băng rừng, trèo đèo, lội suối bất kể nắng mưa, không màng đến phấn trang điểm để có được những thước phim chân thực nhất về cuộc sống người dân, mới thấy nghị lực họ phi thường.
Đối với những phóng viên đi làm việc cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh như Duy Quang, Hồng Duyên cũng chịu không ít áp lực. Để đảm bảo tin được gửi về cơ quan đúng khung giờ phát sóng, họ gần như không được nghỉ ngơi trên hành trình của mình. Kết thúc hội nghị, kết thúc buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh là họ lao vào gửi hình, gửi tin. Những lúc đường truyền internet không ổn định, họ phải qua Trung tâm Văn hóa thông tin huyện để gửi nhờ, rồi lại lên xe đi… Còn các chương trình trực phát sóng trực tiếp đòi hỏi độ chính xác cao, không được phép xảy ra sai sót thì đội ngũ MC, kỹ thuật viên, phóng viên đều phải căng hết các nơron thần kinh lên để làm việc với sự tập trung cao độ.
Phó Giám đốc Đài PT – TH tỉnh Hoàng Thị Hằng, tâm sự: “Khâm phục các bạn phóng viên, họ luôn làm việc với 200% năng lượng. Công tác ở một tỉnh miền núi với muôn vàn khó khăn, nhưng các phóng viên luôn chịu khó, sáng tạo, phát hiện nhiều vấn đề hay, gai góc, hoàn thành tốt nhiệm vụ, mang đến cho khán giả những thông tin kịp thời, những chương trình hay, hấp dẫn, chất lượng. Với tính định kỳ của báo chí và thời lượng phát sóng liên tục 18h/ngày khiến guồng quay công việc của cán bộ, nhân viên các bộ phận đều rất bận rộn. Việc đi công tác đột xuất, dài ngày, trực sóng, đầu tư thời gian, tâm sức,… ít nhiều có ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư, nhưng cán bộ, phóng viên đều biết sắp xếp, dung hòa giữa gia đình với công việc; và hơn hết họ yêu nghề, có trách nhiệm và làm việc bằng tâm huyết để trau chuốt cho những “đứa con tinh thần” mình sinh ra được hoàn hảo nhất”.
Đài PT – TH tỉnh hiện sản xuất và phát sóng chương trình phát thanh 4 giờ/ngày bằng tiếng phổ thông và 3 tiếng dân tộc Tày, Mông, Dao; sản xuất và khai thác, phát sóng truyền hình 18 giờ/ngày; phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện 43 chuyên trang, chuyên mục. Mỗi năm sản xuất trên 900 chương trình phát thanh, 144 chương trình ca nhạc phát 3 thứ tiếng, 360 chương trình truyền hình thời sự tổng hợp; 360 chương trình văn hóa văn nghệ; duy trì tỷ lệ phủ sóng phát thanh 98% và truyền hình đạt 100%; chú trọng đưa chương trình Hà Giang lên mạng xã hội thu hút hàng vạn người truy cập và tương tác.
Vinh dự, tự hào khi những thước phim, phóng sự, chương trình phát sóng mang lại nhiều giá trị, góp phần đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, kịp thời phản ảnh chân thực, rõ nét hơi thở cuộc sống, lan tỏa những mô hình hay, cách làm tốt và nhân lên những giá trị nhân văn trong cộng đồng. Nhưng nghề làm truyền hình cũng lắm truân chuyên. Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin được chúc các nhà báo luôn “Chân cứng đá mềm”, “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, cống hiến thanh xuân của mình cho sự nghiệp báo chí tỉnh nhà.
BIỆN LUÂN