Bảo tồn lễ hội truyền thống trên Cao nguyên
BHG - Công viên Địa chất toàn cầu Unesco - Cao nguyên đá Đồng Văn (Công viên Địa chất Đồng Văn) không chỉ mang giá trị lớn về khoa học địa chất, địa mạo với nhiều di sản được hình thành từ hàng trăm triệu năm trước, mà còn là “bảo tàng sống” phản ánh sinh động nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của cộng đồng dân cư bản địa thông qua các lễ hội truyền thống.
Lễ cầu mưa của người Lô Lô trong chuỗi sự kiện Lễ hội Chợ tình Khâu Vai. Ảnh: CTV |
Là địa bàn sinh sống của cộng đồng 17 dân tộc thiểu số với trên 250.000 người, trong đó, nhiều nhất là người Mông, Dao, Tày, Nùng và một số dân tộc rất ít người, như: Pu Péo, Bố Y, Cờ Lao, Lô Lô... Công viên Địa chất Đồng Văn hội tụ rất nhiều nét văn hóa độc đáo trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Hơn 100 năm nay, người dân miền đá núi tai mèo sắc nhọn nơi đây vẫn không quên đi Chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc) mỗi dịp tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Đó là phiên chợ “phong lưu” nổi tiếng, độc đáo không phải để bán, mua, mà là không gian văn hóa gọi mời để các cặp tình nhân yêu nhau nhưng không đến được với nhau đến gặp gỡ, tâm tình, sẻ chia những điều trong cuộc sống; lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc trong cộng đồng. Mỗi dịp Xuân về, đồng bào dân tộc Mông lại xúng xính váy áo sặc sỡ vui hội Gầu Tào. Đây là lễ hội tiêu biểu nhất của người Mông để cúng tạ trời đất, thần linh; cầu cho bản làng, người dân có sức khỏe, thịnh vượng, bình an, mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm phát triển. Bên cạnh phần nghi lễ, người dân còn tổ chức nhiều hoạt động thể thao mang đậm văn hóa dân tộc, như: Ném còn, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, múa khèn. Thông qua lễ hội giúp sự gắn kết cộng đồng thêm bền chặt hơn. Chị Thào Thị Say, dân tộc Mông huyện Mèo Vạc, chia sẻ: “Lễ hội Gầu Tào rất quan trọng. Chúng tôi tham gia lễ hội để cầu cho gia đình khỏe mạnh, con cái chăm ngoan, cây ngô tươi tốt, gia súc đầy chuồng. Đây cũng là dịp để gặp gỡ người thân, bạn bè và cùng tham gia các trò chơi dân gian, cùng chia sẻ khó khăn trong cuộc sống”. Bên cạnh đó, cộng đồng người Tày có Lễ hội Then; người Dao có Lễ hội Nhảy lửa; người Lô Lô có Lễ hội Cúng thần rừng, Lễ cúng Tổ tiên, Lễ cầu mùa; người Pu Péo có Lễ Cúng rừng; người Giáy có Lễ hội Mừng năm mới…
Hiện nay, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo tồn các giá trị cốt lõi của Công viên Địa chất Đồng Văn; tỉnh và các huyện đã tổ chức, khôi phục và duy trì thêm nhiều lễ hội độc đáo dựa trên văn hóa truyền thống, như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Lễ hội Khèn Mông, Lễ hội Hoa đào, Lễ hội Vỗ mông… Trong đó, lồng ghép nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Hiện, tỉnh đã hoàn thành hồ sơ di sản trình Bộ VHTT&DL đề nghị xét đưa “Chợ phong lưu Khâu Vai”; “Lễ Cúng rừng dân tộc Mông” xã Sính Lủng (Đồng Văn); “Nghi lễ Then của người Tày” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Sau 10 năm góp mặt vào mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu Unesco với 2 lần xuất sắc vượt qua kỳ tái thẩm định, cho thấy công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đang được tỉnh ta thực hiện rất hiệu quả.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Trong giai đoạn phát triển hiện nay, với quá trình hội nhập và sự giao thoa mạnh mẽ giữa các nền văn hóa khiến nhiều nét văn hóa cộng đồng dân tộc đứng trước nguy cơ mai một. Việc bảo tồn, duy trì các lễ hội truyền thống chính là bảo tồn “không gian văn hóa” để các nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc được sống mãi. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng, điều kiện để tiếp tục giữ vững danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu Unesco.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc