Mã Hoàng Phìn còn lắm gian nan
BHG - Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp đến thăm thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân (Vị Xuyên), là một trong những thôn khó khăn nhất của xã. Hỏi thăm người dân đường vào trong thôn, họ chỉ tay “cứ men theo đường thẳng là sẽ tới”. Câu nói làm tôi nhẹ người bởi bao nhiêu khó khăn tưởng tượng trong đầu dường như chẳng còn là cản trở.
Điểm trường Mã Hoàng Phìn đang được xây dựng. |
Người dân ở trung tâm xã cũng mách bảo, vào thôn Mã Hoàng Phìn có 2 nhánh đường, nhánh thứ nhất, đi từ trung tâm xã vào đến thôn một nửa đường là đường bê tông; nhánh thứ 2, đi từ thành phố Hà Giang vào xã Phong Quang (Vị Xuyên) rồi đi thẳng là tới thôn. Tôi chọn nhánh thứ 2, cách trung tâm thành phố Hà Giang 30 km, men theo con đường này cũng khá khó đi. Từ xã Phong Quang vào là cả chặng đường dài hơn 20 km, lên đến thôn chỉ toàn đường đất trơn trượt, dốc cao, cua gấp, lởm chởm đá. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ với cung đường, cuối cùng tôi cũng đã đến nơi.
Mã Hoàng Phìn là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Minh Tân, khó khăn về đường giao thông không thuận lợi, chưa có điện lưới quốc gia; kinh tế mang tính tự cung, tự cấp,... nên toàn thôn có tới trên 85% hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Gặp gỡ và trao đổi với chúng tôi, anh Hầu Mí Vương, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn chia sẻ: Toàn thôn có 32 hộ, với 172 khẩu và có 3 đảng viên; thu nhập bình quân chỉ 6,5 triệu đồng/người/ năm. Diện tích tự nhiên trên 800 ha, trong đó chỉ có gần 20 ha là đất canh tác nông nghiệp, còn lại là đất lâm nghiệp. Do vậy, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao; thôn vẫn chưa có điện lưới phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, người dân chỉ dựa vào canh tác nông nghiệp, trồng ngô, lúa 1 vụ; do vị trí địa lý không thuận lợi về nguồn nước, nên năm nào mưa thuận gió, hòa thì còn trông chờ chứ không cũng khó canh tác. Sản phẩm lương thực, thực phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ chính cuộc sống của bà con. Muốn mua, bán trao đổi hàng hóa người dân phải xuống trung tâm xã hay xã lân cận hoặc thành phố với quãng đường dài và chủ yếu là đường đất.
Những năm gần đây, khó khăn đã dần giảm bớt do được sự quan tâm về mọi mặt của các cấp, các ngành. Bà con từng bước thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế, thay đổi phương thức canh tác thủ công, tự cung, tự cấp sang cung cấp sản phẩm nông nghiệp ra thị trường; phát triển đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, do đường giao thông đi lại còn quá khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ sản phẩm của người dân, do vậy, người dân nơi đây mong mỏi các cấp chính quyền quan tâm nâng cấp và mở rộng con đường, kéo điện lưới quốc gia về phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Cũng khó khăn theo mặt bằng chung của thôn, trình độ văn hóa ở đây chưa cao. “Những người sinh năm 1980 trở về trước dường như không biết chữ. Vì thế những người đi trước như chúng tôi luôn trăn trở phải làm cách nào để đầu tư tương lai cho con em được học hành đầy đủ. Mong ước rồi cũng đã được thực hiện phần nào; năm 2018, nắm bắt được thông tin cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng Minh Tân (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy) kết nối với Nhóm từ thiện “Mãi mãi yêu thương” đến từ Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ xây điểm trường mới, nắm được thông tin đó, tôi đã tiên phong hiến gần 700 m2 đất của gia đình để xây dựng điểm trường. Thế hệ chúng tôi vất vả, gian khổ quá rồi, chẳng được học hành đầy đủ. Chính vì thế, việc học hành không phát triển; sự hiểu biết cũng hạn hẹp. Không có kiến thức nên khó khăn từ việc chăn nuôi, trồng trọt đến nuôi dạy con cái. Người dân quanh năm chỉ biết bám ruộng nương. Đặc biệt, kinh tế, văn hóa, xã hội của thôn cũng không phát triển”. Anh Hầu Mí Vương bộc bạch.
Cô giáo Lê Thúy Loan, phụ trách điểm trường, chia sẻ: “Điểm trường trước kia phải học nhờ nhà văn hóa thôn, nay có cơ sở mới, khang trang, các cháu đã thường xuyên đến lớp, không bỏ học giữa chừng. Bản thân tôi cũng thấy vất vả, khó khăn, thiếu thốn mọi bề nhưng do yêu nghề nên không nỡ xa nơi này. Mặc dù học sinh ở đây đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức chậm, nhiều em chưa biết hết tiếng phổ thông nhưng rất chăm chỉ học tập; phụ huynh đa phần đã ý thức được việc học nên không bắt các em nghỉ học đi làm theo bố mẹ mà ngược lại, nhiều gia đình động viên, khuyến khích con em đi học”.
Rời Mã Hoàng Phìn vào lúc chiều tối, khi mặt trời đang dần buông, giữa cái rét và những cơn gió hun hút thổi, lòng tôi vẫn cảm thấy ấm áp hơn. Tuy Mã Hoàng Phìn vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng hy vọng, với những cố gắng của người dân cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành; Mã Hoàng Phìn sẽ từng bước “thay da đổi thịt” có một diện mạo khác; sẽ có những con đường mới và có điện thắp sáng; các em nhỏ sẽ có ánh điện để học, người dân được xem tivi được nắm bắt thông tin để học tập phát triển kinh tế, sản xuất.
Bài, ảnh: Hồng Cừ
Ý kiến bạn đọc