Trập trùng Cao Sán
BHG - Sau nhiều lần hẹn với lãnh đạo xã Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì), đầu tháng Ba vừa rồi, tôi mới thực hiện được dự định đặt chân đến Cao Sán, thôn khó khăn nhất của xã. Đường lên Cao Sán mùa này thật thơ mộng với bóng cây cổ thụ ven đường cùng những rặng tre mướt mắt và những loài hoa rừng đang khoe sắc, tỏa hương. Con đường đất dốc ngoằn ngoèo chỉ rộng chừng một sải tay như thử thách tay lái của chúng tôi. Sau gần một giờ đồng hồ vật lộn với quãng đường chừng 5 km, bản nhỏ Cao Sán cũng hiện ra với những nếp nhà điểm xuyết giữa những thửa ruộng bậc thang, thoắt ẩn, thoắt hiện trong làn mây lãng đãng…
Bí thư Chi bộ thôn Cao Sán, Lù Văn Thưởng tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế. |
Trước khi đi, Bí thư Đảng ủy xã, Vương Đào Tóng khuyến cáo: “Chị nên mặc thật ấm và chuẩn bị tinh thần vì quãng đường dù không xa nhưng rất khó đi. Con đường chỉ vừa một bánh xe máy, nếu đi chệch là mất đà, xe sẽ trượt dài về phía sau rồi ngã dúi dụi hoặc thảm hơn là ngã xuống ta – luy âm với những đoạn vực sâu thăm thẳm…”. Sáng sớm hôm sau, đồng chí Lù Văn Thưởng là cán bộ trí thức trẻ theo Đề án 07 của tỉnh, hiện đang kiêm Bí thư Chi bộ thôn Cao Sán đèo tôi ngược dốc.
Dù đã được cảnh báo là rất vất vả nhưng khi được trải nghiệm quãng đường vào Cao Sán, tôi vẫn không hết…choáng! Mất gần 1 giờ đồng hồ cho quãng đường chỉ dài hơn 5 km, tức là chỉ nhỉnh hơn một chút so với tốc độ của người đi bộ, chúng tôi cũng vào được đến thôn. Cảm nhận đầu tiên là cuộc sống của bà con còn nghèo quá! Những ngôi nhà nhỏ chủ yếu là tranh tre, nứa lá và trình tường. Nhìn xung quanh vườn tược cũng không thấy bà con trồng rau xanh hay hoa màu gì, chăn nuôi lợn, gà cũng chỉ vài con nhỏ lẻ.
Thôn Cao Sán hiện có 25 hộ, 152 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn hiện là 72%, cận nghèo là 12%. Toàn thôn có 11 ha đất trồng lúa, nhưng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, lại thiếu nước sản xuất nên người dân chỉ trồng được lúa 1 vụ. Trưởng thôn Lò Văn Phong cho biết: “Cuộc sống của người dân Cao Sán vất vả lắm. Đường đi lại khó khăn, những ngày mưa chỉ có cách đi bộ nên việc giao thương, trao đổi hàng hóa không thuận tiện. Năm này qua tháng khác, người dân chỉ biết trồng ngô, đậu tương và nuôi lợn, gà nên cái đói, cái nghèo cứ quanh quẩn mãi…”. Qua tìm hiểu được biết, trong thôn còn có một diện tích nhỏ cây chè nhưng hầu hết đã già cỗi, người dân không chú trọng chăm sóc nên năng suất, sản lượng không cao.
Một điều khiến lãnh đạo xã và chúng tôi đặc biệt trăn trở đó là, hiện nay cả thôn Cao Sán chỉ có 1 đảng viên là người dân tộc Mông bản địa. Trước đây, không thành lập được chi bộ, phải sinh hoạt ghép với thôn khác. Thiếu đi sự lãnh đạo của Đảng, bà con hầu như không nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kinh tế của thôn hoàn toàn mang tính tự cung, tự cấp. Trước tình hình đó, Đảng ủy xã xác định phải thành lập được chi bộ Đảng để lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới. Xã đã cử 3 đảng viên là cán bộ xã xuống phụ trách thôn, thành lập Chi bộ và sinh hoạt tại thôn Cao Sán để lãnh đạo nhân dân và cử 2 đảng viên tại thôn Ngàm Đăng Vài 2 lên tham gia sinh hoạt cùng.
Ngay sau khi có chi bộ Đảng, nghị quyết đầu tiên của chi bộ là tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Trong đó, công tác dân vận được đặt lên hàng đầu. Cán bộ trí thức trẻ xã kiêm Bí thư Chi bộ thôn Cao Sán, Lù Văn Thưởng cho biết: “Cụ thể hóa Nghị quyết của BCH Đảng bộ xã, chi bộ đã tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế. Do thôn có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhiều diện tích đất canh tác không chủ động được nước tưới nên chi bộ hướng dẫn nhân dân tập trung mở rộng diện tích chè, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu và phát triển chăn nuôi. Đến nay, bà con đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp dụng các giống cây trồng mới vào sản xuất, một số hộ đã có xe máy để đi, có ti vi để xem, cuộc sống cũng từng bước thay đổi so với trước đây”.
Mặc dù vậy, Cao Sán vẫn còn nghèo lắm! Để cuộc sống của người dân nơi đây thực sự đổi mới, có lẽ cần nhiều hơn nữa sự vào cuộc, chung tay của các cấp chính quyền. Sau khi thăm một số hộ dân, chúng tôi chuẩn bị “xuống núi”, mang theo những trăn trở làm sao để cuộc sống của người dân Cao Sán trở nên khấm khá hơn. Trao đổi với đồng chí Vương Đào Tóng, Bí thư Đảng ủy xã được biết, trong thời gian tới, xã sẽ tích cực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao nhận thức cho nhân dân, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Đồng thời, hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình vay vốn ưu đãi của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển cây, con thế mạnh giúp bà con nâng cao thu nhập, XĐGN…
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc