Ngành Du lịch thêm một năm khởi sắc
Xuân 2020 - Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 7/9/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh, khóa XVI về tái cơ cấu kinh tế đến năm 2030 đã chỉ rõ những “nút thắt” trong phát triển du lịch, đó là: Sản phẩm du lịch chưa rõ nét, hoạt động quản lý du lịch chưa đồng bộ giữa các sở, ngành và chính quyền cấp huyện; đầu tư chưa tương xứng; chưa khắc phục được tính mùa vụ và thiếu hụt nguồn nhân lực...
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín. Ảnh: CTV |
Gỡ những “nút thắt” đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã nỗ lực chỉ đạo, ban hành các chương trình, nghị quyết, kế hoạch chuyên đề về phát triển du lịch. Ngành Du lịch đã thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp, đó là: Phát triển du lịch theo hướng tiếp cận cụm ngành với định hướng dài hạn là thu hút đầu tư vào phân khúc khách hàng hạng sang, siêu sang; trong ngắn hạn, tập trung vào du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Xây dựng và gia tăng giá trị sản phẩm du lịch, đảm bảo tính cạnh tranh, giảm tính mùa vụ, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, khả năng chi trả của du khách gắn với thiết lập 8 tiêu chuẩn bao gồm: Giá cả phù hợp, tính độc đáo, tính bản địa, dễ tiếp cận, tính thuận tiện, tính hữu dụng, tính lâu bền và tính hấp dẫn; thiết lập tiêu chuẩn đối với các đơn vị hoạt động trong ngành du lịch. Quản lý, khai thác tài nguyên du lịch đồng bộ, thống nhất, tránh phân mảnh về nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động, phương thức xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch...
Các vận động viên trình diễn dù lượn “bay trên bậc thang vàng” tại Hoàng Su Phì. |
Tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 56 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng. Trong thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa gắn với du lịch, đã tiến hành khôi phục không gian văn hóa chợ phiên; khôi phục, bảo tồn và phát triển một số làng nghề thủ công truyền thống; hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đã lựa chọn xây dựng thí điểm 13 mô hình điểm bán hàng Việt. Ngoài ra, còn ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để lập các bản đồ chỉ dẫn du lịch số; đầu tư hệ thống điện, cấp thoát nước tại khu, điểm du lịch. Thời gian lưu trú của khách quốc tế ngày càng dài hơn; doanh thu du lịch, dịch vụ du lịch tăng bình quân trên 17,84%; các sản phẩm du lịch được hình thành và phát triển ngày càng đa dạng; việc xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch được quan tâm, chất lượng nguồn nhân lực du lịch có nhiều chuyển biến tích cực.
Dòng Nho Quế hiền hòa dưới chân đèo Mã Pì Lèng. |
Công tác hợp tác phát triển du lịch được đẩy mạnh, tốc độ tăng trưởng cao, lượng du khách đến tỉnh tăng bình quân 14,6%/năm. Du lịch Hà Giang đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, góp phần vào sự phát triển KT-XH. Qua đó, hướng đến mục tiêu chung, đó là: Phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm...; đầu tư nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu của tỉnh có tính cạnh tranh cao, bền vững; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch; nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch và hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế; mở rộng các hoạt động hợp tác liên kết ngành, liên kết vùng trong phát triển du lịch...
Bài, ảnh: Quỳnh Mai
Ý kiến bạn đọc