Tiềm năng ngành "công nghiệp không khói" Bắc Quang
BHG - Mặc dù sức hút về du lịch tại vùng cửa ngõ phía Nam chưa được nhiều du khách biết đến như các huyện phía Tây, phía Bắc của tỉnh. Nhưng nội tại, huyện Bắc Quang có không ít danh lam thắng cảnh (DLTC), di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Từ lợi thế này, cấp ủy, chính quyền huyện đã, đang tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh thắng để tạo đà cho ngành “công nghiệp không khói” phát triển.
Thiếu nhi huyện Bắc Quang tìm hiểu lịch sử tại Hội trại truyền thống do Huyện đoàn tổ chức. |
Đến với Bắc Quang, du khách sẽ được hòa mình vào cảnh sắc hùng vĩ, kỳ thú của thác Nặm Tạu. Nơi đây, dòng suối Nặm Tạu (thôn Nặm Tạu), Khau Đeng (thôn Xuân Mới), xã Đức Xuân bắt nguồn từ dãy núi Khau Đeng (núi đỏ) đổ vào hồ Tiên. Khi chảy qua địa phận thôn Nặm Tạu, do quá trình nghiêng, dốc mạnh của khối đá bề mặt và sự bào mòn của dòng chảy cùng sự đứt gẫy, sụt lún cục bộ của địa chất khu vực này tạo thành thác Nặm Tạu vô cùng kỳ vĩ. Nhìn từ xa, dòng thác giống như một dải lụa trắng mềm mại, nổi bật giữa màu xanh của hệ thống rừng nguyên sinh phong phú, đa dạng sinh học. Ở đây còn có câu chuyện truyền thuyết về lá Dong đỏ gắn với tinh hoa văn hóa bản địa lưu truyền qua bao thế hệ; và nay, thác Nặm Tạu đã trở thành địa chỉ DLTC cấp quốc gia trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Ngược dòng thời gian, ngày 1.6.1945, thi hành Chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 54 chiến sỹ do đồng chí Lê Tám (tức Lê Quảng Ba), Nam Hải (tức Bế Triều) chỉ huy đến xã Bằng Hành tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về kháng Nhật cứu nước; gây dựng cơ sở Việt Minh, đẩy mạnh cao trào đấu tranh, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền… Từ mốc lịch sử ấy đã hình thành nên căn cứ cách mạng của tỉnh thời tiền khởi nghĩa, gắn với di tích lịch sử Tiểu khu Trọng Con ngày nay. Hiện, di tích lịch sử cấp quốc gia được bàn giao cho UBND xã Bằng Hành quản lý, phát huy giá trị và bảo vệ theo Luật Di sản để gìn giữ, giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.
Cùng với những địa chỉ du lịch trên, huyện Bắc Quang còn có DLTC thác Thúy (thị trấn Việt Quang) được xếp hạng cấp quốc gia; hang Tứ Cung (xã Vĩnh Phúc) xếp hạng DLTC cấp tỉnh. Ngoài ra, huyện còn có thêm 3 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh gồm: Di tích lịch sử văn hóa đền Trần Hưng Đạo (xã Tân Quang), đền Chúa Bà (thị trấn Vĩnh Tuy) và di tích lịch sử văn hóa Bia đá (xã Vĩnh Phúc). Các di tích, danh thắng sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận, xếp hạng; UBND huyện Bắc Quang thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện nghiêm việc quản lý, bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường, chống thực hiện các hành vi mê tín, dị đoan, truyền đạo trái pháp luật; thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt tín ngưỡng và tổ chức lễ hội tại di tích và các cơ sở tín ngưỡng… Đến nay, toàn huyện có 6/7 Ban quản lý di tích, danh thắng được thành lập, kiện toàn và hoạt động hiệu quả. Riêng danh thắng thác Nặm Tạu, Hang Tứ Cung, Di tích lịch sử Tiểu khu Trọng Con còn được cắm mốc ranh giới bảo vệ; Di tích lịch sử văn hóa đền Trần Hưng Đạo, đền Chúa Bà được xây dựng tường rào ngăn cách trong khu vực bảo vệ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Dương Tiến Son cho biết: Các di tích, danh thắng đã được xếp hạng trên địa bàn huyện đang từng bước được khai thác, phát huy giá trị trên một số phương diện, như: Tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham quan, tìm hiểu theo chương trình đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học. Các di tích lịch sử, văn hóa có yếu tố tâm linh là nơi để các tổ chức, cá nhân đến tìm hiểu giá trị lịch sử, thực hiện các nghi lễ tâm linh hướng về cội nguồn vào dịp lễ, Tết. Từ đó, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Hiện nay, huyện đang tập trung thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết đến tiềm năng di sản văn hóa, di tích, danh thắng của địa phương; là tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Riêng khu di tích văn hóa có yếu tố tâm linh duy trì tốt công tác phục vụ, lượng du khách hành hương đến địa phương mỗi năm một tăng. Đối với các DLTC đã xuất hiện nhiều lượt khách quan tâm. Tuy nhiên, do không có nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng cơ sở như hệ thống giao thông tối thiểu và các hạng mục khác trong công tác hỗ trợ môi trường; vì vậy, khách du lịch khó tiếp cận được điểm đến.
Bên cạnh nỗ lực của huyện, để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, tiềm năng di sản văn hóa, di tích, danh thắng vẫn là hành trình dài cần sự quan tâm của các cấp, ngành. Đơn cử như việc tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá. Đồng thời, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ban đầu đối với các di tích, danh thắng đã được tỉnh và T.Ư xếp hạng; tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát huy giá trị đó – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Dương Tiến Son chia sẻ thêm.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc