Giải pháp giữ gìn văn hóa truyền thống bền vững

09:59, 25/10/2019

BHG - Là tỉnh có 19 dân tộc cùng sinh sống với sự đa dạng, đặc sắc về văn hóa. Trong điều kiện hội nhập và giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ hiện nay, một bộ phận thế hệ trẻ không mặn mà với văn hóa truyền thống (VHTT); khiến văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ mai một. Trước tình trạng đó, việc đưa VHTT vào giảng dạy trong các trường học là giải pháp hiệu quả để gìn giữ và phát huy giá trị VHTT bền vững.

Học sinh Trường PTDT Nội trú Quản Bạ tìm hiểu về các nông cụ sản xuất của đồng bào các dân tộc.
Học sinh Trường PTDT Nội trú Quản Bạ tìm hiểu về các nông cụ sản xuất của đồng bào các dân tộc.

Ngày 7.4.2016, UBND tỉnh ban hành Đề án “Giáo dục kĩ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 – 2020” (Đề án) với mục tiêu: Trang bị cho học sinh kiến thức, giá trị, thái độ và kĩ năng phù hợp; hiểu biết về VHTT các dân tộc thiểu số của địa phương; góp phần bảo tồn giá trị và phát triển bản sắc VHTT; thúc đẩy công tác sưu tầm và khai thác các giá trị VHTT, văn nghệ, trò chơi dân gian của các dân tộc để bảo tồn, phục dựng, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Sau 3 năm triển khai thực hiện, Đề án đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Sở GD&ĐT xây dựng các bộ tài liệu giảng dạy trong các trường học. Các địa phương, trường học cụ thể hóa nội dung Đề án bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo.

Tại huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, nơi phần lớn học sinh là đồng bào dân tộc Mông, việc đưa VHTT vào trường học được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh ban hành các kế hoạch, hướng dẫn, UBND 2 huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án; chỉ đạo các địa phương hỗ trợ Trung tâm Học tập cộng đồng và các đơn vị trường học trích kinh phí, huy động xã hội hóa để bổ sung các loại tài liệu, dụng cụ, đạo cụ; biên soạn tài liệu VHTT các dân tộc tiêu biểu trên địa bàn huyện; tập huấn cho giáo viên về nội dung, phương pháp giảng dạy tích hợp VHTT vào các môn học; tổ chức các hoạt động ngoại khoá, tham quan các di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn huyện. Các xã, thị trấn, trường học thường xuyên mời các nghệ nhân dân gian của địa phương để giao lưu, nói chuyện, dạy múa, hát các làn điệu dân ca, nghi lễ truyền thống cho học sinh. 100% cơ sở giáo dục bố trí, trưng bày các nhạc cụ dân tộc, trang phục, dụng cụ lao động sản xuất của các dân tộc trong phòng truyền thống, thư viện, góc lớp, góc văn hóa truyền thống giúp học sinh tìm hiểu thuận lợi; tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu VHTT các dân tộc thiêu số do các cấp tổ chức; 100% cơ sở giáo dục giảng dạy môn lịch sử địa phương theo tài liệu giáo dục của Sở GD&ĐT hướng dẫn.

Cùng với các địa phương khác, UBND huyện Bắc Quang xây dựng Phương án thành lập Quỹ “Bảo tồn và truyền dạy VHTT các dân tộc” của các xã, thị trấn trên địa bàn với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/xã, thị trấn; tăng cường công tác kiểm tra toàn diện các đơn vị trường học, lấy kết quả hoạt động của Đề án là một trong những tiêu chí bình xét thi đua trong năm học. Phòng Văn hóa và Thông tin biên soạn bộ tài liệu giáo dục VHTT các dân tộc trên địa bàn huyện Bắc Quang và đưa vào truyền dạy trong các nhà trường; đưa học sinh đi tham quan, trải nghiệm tại các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương, các làng nghề; mời nghệ nhân tham gia truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian 1 tiết/tuần; tổ chức nhiều hoạt động như: Thi biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục dân tộc; thành lập 523 các câu lạc bộ và nhóm sở thích học VHTT; thực hiện 14.657 tiết học truyền dạy VHTT với  sự tham gia của 212 nghệ nhân dân gian. Các trò chơi dân gian như: Nhảy bao bố, tung còn, kéo co, đi cà kheo, đánh yến, ô ăn quan, cướp cờ, chơi chuyền, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, nhảy sạp, đẩy gậy... được các nhà trường tổ chức thường xuyên vào những buổi ngoại khóa, giờ ra chơi.

Đối với huyện Vị Xuyên, việc giáo dục VHTT các dân tộc thiểu số cho học sinh trên địa bàn được huyện rất quan tâm, chú trọng. Trên cơ sở hướng dẫn của phòng chuyên môn, các trường học cụ thể hóa nội dung của Đề án phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Thông qua việc giáo dục, học sinh được trang bị nhiều kiến thức, hiểu biết về VHTT các dân tộc, từ đó giúp các em biết yêu và gìn giữ VHTT của dân tộc mình. Các trường học mời nghệ nhân dân gian truyền dạy cho học sinh về hát Then, đàn Tính dân tộc Tày; thổi sáo, khèn lá và múa khèn Mông; tổ chức buổi các chợ quê, nấu các món ẩm thực đồng bào dân tộc và các trò chơi dân gian, môn thể thao: Bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, đánh yến, đu quay, ném còn… được tổ chức thường xuyên; lồng ghép nội dung VHTT tích hợp vào các môn học.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết: Qua 3 năm thực hiện Đề án đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các trường học. Nhiều địa phương, trường học có cách làm hay, sáng tạo, xây dựng được những mô hình điển hình, hiệu quả để các cơ sở giáo dục tham quan, học tập; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, không chỉ giúp học sinh hiểu biết về VHTT các dân tộc mà còn phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; góp phần xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”; gìn giữ và phát huy bền vững bản sắc văn hóa độc đáo các dân tộc trên địa bàn.

Bài, ảnh:  BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhiều chính sách bảo tồn văn hóa dân tộc Cờ Lao

BHG - Năm 2011, Đề án phát triển KT – XH vùng dân tộc Cờ Lao tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011 – 2020 được phê duyệt; theo đó, 517 hộ dân tộc Cờ Lao đang sinh sống ở các huyện Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Vị Xuyên và Bắc Quang được hưởng các chính sách hỗ trợ từ đề án này. Nhờ có những chính sách hỗ trợ đó, đến nay, đời sống các hộ dân tộc Cờ Lao trên địa bàn huyện Đồng Văn có sự đổi thay rõ rệt; từng bước thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương ngày một phát triển.

 

24/10/2019
Nỗ lực duy trì sĩ số học sinh ở Lũng Hồ

BHG - Xã Lũng Hồ là một trong những xã vùng ba của huyện Yên Minh, có tới 98% là đồng bào dân tộc Mông. Do vậy, nhận thức của người dân đặc biệt là các bậc phụ huynh cho con đến trường học vẫn còn hạn chế. Để duy trì sĩ số học sinh đến lớp đạt tỉ lệ cao, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn phối hợp với các nhà trường trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tới toàn thể phụ huynh cho con em tới trường theo đúng lịch học.

 

23/10/2019
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thăm, trải nghiệm tại thôn Khuổi My

BHG - Ngày 23.10, ngài Daniel Kritenbrink, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng Đoàn công tác của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã có chuyến thăm, trải nghiệm tại thôn Khuổi My, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang). Cùng đi với đoàn có lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Sở GD&ĐT, UBND thành phố Hà Giang…

 

23/10/2019
Trường THPT Vị Xuyên 40 năm xây dựng và trưởng thành

BHG - Với bề dày 40 năm xây dựng và trưởng thành, vững vàng qua bao thử thách, Trường THPT Vị Xuyên (Vị Xuyên) ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, trở thành điểm sáng, nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ của bao thế hệ học sinh. Từ mái trường này, nhiều tài năng đã được phát hiện, vun trồng và thành đạt trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

 

23/10/2019