Đủ lạnh hoa sẽ đẹp
BHG - Người ta nói: Đủ nắng hoa sẽ nở, nhưng có một loài hoa nơi miền đá Hà Giang lại phải đủ lạnh mới đẹp; đó là hoa Tam giác mạch. Loài hoa khiêm nhường, bé nhỏ nép mình dưới những gốc ngô già cuối vụ, bên đá tai mèo sắc nhọn, phải vào giữa mùa Đông, trời lạnh nhất mới nở bung và hiến cho đời sắc đẹp mê người.
Lữ khách bên Tam giác mạch. |
Không nhớ từ bao giờ, sắc tím Tam giác mạch trong gió lạnh tê tái của miền Cao nguyên đá trở thành biểu tượng của du lịch Hà Giang; chỉ biết, từ ngày loài hoa bé nhỏ này có sức hút mãnh liệt với du khách. Giữa miền đá xám mù mịt quanh năm, trên những vạt nương người dân lặng lẽ gieo hạt mạch bé nhỏ thâm canh theo lối cổ truyền. Trong cái lạnh dưới 15 độ, khi sương mù bao phủ Cao nguyên đá cũng là lúc Tam giác mạch đẹp nao lòng. Ngắm bông Tam giác mạch sắc tím pha hồng, điểm chút trắng giữa trời lạnh căm càng khiến lòng mình dễ bị say đắm bởi sự mong manh, hao gầy mà kiên cường của hoa. Tam giác mạch tựa như đôi má nàng sơn nữ nơi miền núi đá; nụ cười của họ lần khuất sau vuông khăn trong sương giá, ánh lên vẻ đẹp hoang sơ; đôi má lúc gặp cơn gió rét ửng lên nét hồng hào đầy sức sống chỉ có ở những cô gái Mông vùng cao.
Giờ đây những nương Tam giác mạch được trồng khắp nẻo cung đường Hạnh phúc, chờ đợi những lần viếng thăm vội vã mà say đắm, bịn rịn của lữ khách phương xa. Hoa trồng ngay điểm khởi đầu của Công viên Địa chất toàn cầu nơi những cột đá ngàn năm của Quyết Tiến (Quản Bạ), trồng trong khung cảnh nên thơ của thung lũng Lũng Cẩm, đường vào Phố Cáo, hay những vạt nương, quả đồi của cung đường xã Má Lé dẫn đến Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (Đồng Văn). Đúng mùa lạnh nhất hoa sẽ đẹp, sắc hoa bừng trong cái lạnh giá như những đốm lửa tạo sự ấm áp cho đất trời cực Bắc. Những bông hoa mọc lẻ loi ở một hốc đá ven đường nhiều khi lại cuốn hút hơn với những du khách thích cảm giác lang thang, lạc lõng giữa không gian vô tận đá núi. Đi tìm những cái bé nhỏ mà rực rỡ nhất của một miền đất lạ là cảm hứng để nhiều du khách bị loài hoa bé nhỏ này dẫn dụ tới vùng địa đầu Tổ quốc. Đâu cần những lâu đài nguy nga, nơi những kỳ hoa dị thảo ngự trị mới níu chân người; một nếp nhà trình tường mái ngói, bên bờ rào đá là vạt nương Tam giác mạch vươn mình chờ cái lạnh đến nhuộm đủ sắc trời để hút hồn khách thập phương.
Từ khi trở thành biểu tượng của Cao nguyên đá, Tam giác mạch được trồng ở nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, như: Sapa (Lào Cai), thậm chí Đà Lạt - xứ sở ngàn hoa, hay thung lũng Hồ Tây (Hà Nội) nơi các loài hoa đài các khoe sắc cùng người đẹp phố thị. Hoa vẫn nở, vẫn khoe sắc nhưng không đâu bằng Cao nguyên đá. Nếu ví hoa với người thì Tam giác mạch tựa cô gái Mông xinh đẹp, sống nơi phố thị dù đắp lên mình những trang phục đẹp đẽ, thời thượng cũng không hấp dẫn bằng khoác bộ quần áo của dân tộc Mông, xúng xính bên bè bạn trên miền đá.
Bài, ảnh: Trọng Toan
Ý kiến bạn đọc