Đồng Văn phát triển các làng nghề truyền thống
BHG - Đồng Văn là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Đặc biệt, đến nay người dân vẫn còn duy trì được nhiều nghề truyền thống như: Đan lát, thêu, dệt thổ cẩm, làm khèn… Việc đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống đã tạo điều kiện cho người dân giữ gìn văn hóa dân tộc, từng bước cải thiện cuộc sống, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới.
May trang phục truyền thống tại Tổ hợp tác thêu dệt trang phục Lô Lô, xã Sủng Là. |
Hiện, trên địa bàn huyện đã xây dựng 8 làng nghề chuyên sản xuất các sản phẩm đặc trưng gồm: Nghề may trang phục quần áo Tà Pủ dân tộc Mông thị trấn Phố Bảng; chế tác khèn Mông xã Hố Quáng Phìn, tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động, mỗi năm sản xuất trên 2.500 chiếc khèn; làng nghề chạm bạc thôn Lao Sa, xã Sủng Là, với sản lượng 250 chiếc/năm, chủ yếu các sản phẩm như vòng, nhẫn, dây chuyền; làng nghề may, thêu, dệt thôn Lũng Hòa A, xã Sà Phìn; làng nghề làm hương sạch, thôn Sính Thầu, xã Sảng Tủng. Ngoài ra, còn có làng nghề thêu, dệt trang phục Lô Lô tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú; đan lát của dân tộc Cờ Lao thôn Mã Trề, xã Sính Lủng…
Bên cạnh nhu cầu sử dụng hàng ngày, những sản phẩm truyền thống của đồng bào còn có giá trị cao về mặt văn hóa, phục vụ tốt cho việc quảng bá du lịch địa phương. Để đẩy mạnh phát triển các làng nghề, huyện Đồng Văn chủ trương gắn với phát triển du lịch; đây là giải pháp hữu hiệu phát triển KT - XH ở làng nghề truyền thống theo hướng bền vững. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn sưu tầm các vật dụng đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn để trưng bày trong nhà văn hóa thôn. Những sản phẩm được trưng bày, bày bán tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, các điểm du lịch sẽ là địa chỉ lý tưởng để du khách tham quan tìm hiểu các giá trị văn hóa, các phong tục tập quán của đồng bào; nhất là trong điều kiện hiện đại, những nét văn hóa đang dần bị mai một, hòa tan với những sản phẩm công nghiệp hóa.
Có mặt tại HTX thôn Lô Lô Chải, chứng kiến những công đoạn làm thổ cẩm tôi thực sự khâm phục sự khéo léo, cầu kỳ của những “nghệ nhân” nơi đây; trải qua nhiều khâu như nhuộm vải, dệt, thêu… đôi tay khéo léo của phụ nữ Mông, Lô Lô tạo ra sản phẩm đặc trưng, hiếm nơi nào có được. Cũng như vậy, chiếc khèn Mông, biểu tượng của người con trai vùng cao phải trải qua hàng chục công đoạn mới có được. Chị Vương Thị Xuyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo tay nghề cho bà con; thành lập các tổ hợp tác, HTX, nhóm sở thích; qua đó, nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là phụ nữ đã có tay nghề ổn định, có thu nhập tốt hơn.
Đồng chí Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Đồng Văn đang thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, trong đó đặc biệt là chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống. Trước nguy cơ các nghề bị mai một, các nghệ nhân có tay nghề đã cao tuổi, huyện có kế hoạch mở các lớp truyền dạy nghề tại các xã, để các thế hệ trẻ có đam mê, yêu thích tìm hiểu, học tập và gìn giữ nghề. Các sản phẩm làng nghề chúng tôi hướng đến phù hợp với văn hóa, gắn với thị trường tiêu thụ, nhu cầu sử dụng trong đời sống vì vậy rất được ưa chuộng.
Bài, ảnh: Phùng Thị Hà, Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang
Ý kiến bạn đọc